Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thị trường gas:
Khó phân biệt thật, giả
Chủ nhật: 16:28 ngày 14/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người tiêu dùng khó lòng phân biệt được thật giả. Thông thường, người tiêu dùng gọi gas theo màu sắc như bình xám, bình xanh, bình đỏ… ít khi chú ý đến tên hãng sản xuất, hạn sử dụng của bình gas.

Nhân viên của một đại lý chuẩn bị giao gas cho khách hàng.

Thời gian gần đây, giá gas tăng cao, không ít cơ sở kinh doanh gas sang chiết gas trái phép, trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng… Người tiêu dùng khó lòng phân biệt được thật giả. Thông thường, người tiêu dùng gọi gas theo màu sắc như bình xám, bình xanh, bình đỏ… ít khi chú ý đến tên hãng sản xuất, hạn sử dụng của bình gas.

Bà Nguyễn Thu Mai, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, bà không mấy để ý đến thương hiệu gas mình dùng, khi nào hết, bà lại gọi theo số điện thoại đã được dán sẵn trên bình. Nhân viên đem gas đến, bà chỉ quan tâm đến màu sắc của bình và giá gas.

Tuy nhiên, 2 đợt thay gas gần đây, bà Mai nhận thấy khi nấu có hiện tượng đỏ lửa, mỗi bình gas chỉ nấu được hơn 2 tháng, trong khi bình thường gia đình bà sử dụng được khoảng 4 tháng. Bà Mai đã vệ sinh bếp và yêu cầu nhân viên tới kiểm tra nhưng tình trạng đỏ lửa vẫn không hết. Nhân viên kết luận rằng do gas kém chất lượng nên đề nghị bà Mai chọn cơ sở khác, tình trạng trên đã không còn.

Còn chị Thu Trà, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, khi hết gas, chị gọi cho một đại lý ở phường 2, thành phố Tây Ninh, họ mang gas nào sử dụng gas đó, chị không quan tâm đến thương hiệu, thông số trên bình, thậm chí là nhãn mác có tem nhãn chống hàng giả hay không, đơn giản là vì đại lý quảng cáo là gas của Pháp, chất lượng tốt. Giờ để ý mới biết hoá ra nhà chị vẫn dùng hãng gas Petrolimex, ở các đại lý khác giá rẻ hơn từ 10 - 40.000 đồng so với giá 330.000 đồng mà chị vẫn đổi.

Đây là thói quen chung của phần lớn người tiêu dùng hiện nay, bởi khi các đại lý đến giao gas, họ tháo niêm phong, lắp dây gas... nên khách hàng ít khi phát hiện. Vả lại, rất ít người tiêu dùng quan tâm gas được sang chiết như thế nào, vì mỗi khi bật bếp lên, lửa cháy là được. Kẽ hở này là cơ hội thuận lợi cho những kẻ bán gas giả để lừa khách hàng.

Ông Hồng Văn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, về bản chất các loại gas trên thị trường có “ruột gas” tương tự nhau về thành phần chính (Propan C3H8) và Butan (C4H10) - PV) nhưng tỷ lệ pha 2 hỗn hợp này khác nhau dẫn đến gas trong quá trình đun nấu có tiết kiệm và bảo đảm an toàn hay không. Do đó, rất khó để kiểm tra được gas kém chất lượng hay gas chính hãng thông qua nước gas.

Vì vậy, ông Hoàng khuyến cáo khi nhận gas, người tiêu dùng nên kiểm tra xem bình gas có tên thương hiệu và logo thương hiệu hay không; ngày tháng kiểm tra của vỏ bình gas; niêm màng co van đầu bình có còn nguyên vẹn và có tem chống giả hay không và cân kiểm tra xem tổng trọng lượng của vỏ chai và nước gas được ghi trên quai xách có đúng thông số của nhà sản xuất hay không.

Những khuyến cáo trên của ông Hoàng, hầu như đều bị người tiêu dùng bỏ qua. Một số ít thì quan tâm đến thương hiệu, nhãn mác, tem chống hàng giả nhưng lại bỏ quên ngày tháng kiểm tra của vỏ bình.

Theo quy định, việc kiểm tra chai chứa khí hoá lỏng phải được kiểm tra định kỳ theo quy định của nhà chế tạo nhưng chu kỳ không quá 5 năm so với lần kiểm tra gần nhất. Còn đối với các chai đã sử dụng 20 năm thì thời gian kiểm tra định kỳ không quá 2 năm. Việc làm này nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, giảm nguy cơ cháy nổ từ những bình gas không được tái kiểm tra.

Đơn cử như bình gas tại nhà chị Thu Trà, thời gian kiểm tra là 6.2010 (ngày sản xuất), nghĩa là tháng 6.2015 bình gas này phải được tái kiểm tra. Tuy nhiên, qua quan sát vỏ bình thì ngày tái kiểm tra được bỏ trống. Và đến nay bình gas đã sử dụng được 10 năm nhưng vẫn chưa được tái kiểm tra, thì chất lượng vỏ bình gas và nước gas khó bảo đảm chất lượng như đại lý quảng cáo.

Đem vấn đề này hỏi đại lý thì chúng tôi được biết, đại lý chỉ nhận gas đã chiết nạp đủ trọng lượng, bảo đảm không rò rỉ, dán niêm phong đầy đủ từ công ty và đại lý chỉ chịu trách nhiệm phân phối cho người tiêu dùng. Còn việc kiểm tra vỏ bình và bảo đảm chất lượng gas là do doanh nghiệp tiến hành và phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề gas lậu, gas kém chất lượng, bình gas quá thời hạn kiểm tra… không chỉ là bức xúc của người tiêu dùng, mối quan tâm của các cơ quan chức năng vì đe dọa đến tính mạng con người.

Tuy nhiên, vấn đề là do ý thức của người kinh doanh, chỉ nghĩ đến lợi nhuận và cả sự lơ là, dễ dãi của người tiêu dùng. Do đó, tốt nhất là người tiêu dùng nêu cao ý thức khi sử dụng gas, không dùng bình gas, hãng gas không có đầy đủ nhãn mác, thông số kỹ thuật rõ ràng.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục