Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khó phát triển cây điều
Thứ tư: 13:13 ngày 27/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước đây, điều là cây trồng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có thu nhập khá. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế từ cây trồng này không còn hấp dẫn nông dân do giá cả bấp bênh, cây dễ nhiễm bệnh… nên diện tích trồng điều hiện còn rất ít.

Công nhân phân loại hạt điều nhân tại Công ty TNHH Bimico (thành phố Tây Ninh).

Năm 2009, Tây Ninh có hơn 3.400 ha điều nhưng hiện chỉ còn khoảng 1.000 ha. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), năm 2019, Tây Ninh sẽ phát triển hơn 1.000 ha điều. Tuy nhiên, việc phát triển cây điều không phải đơn giản, dễ dàng, bởi nhiều nông dân hầu như đã “quên” cây trồng này. Ông Bùi Ngọc Lễ (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) cho biết, nhà ông có 1 ha điều 7 năm tuổi. Do hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2018, ông đã chặt bỏ để trồng cây ăn trái.

Năm 2017, Sở NN&PTNT đã ký kết với Công ty TNHH MTV Trung Nam về việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây điều trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, đến năm 2018, Tây Ninh sẽ phát triển 1.500 ha điều, trong đó, Công ty Trung Nam sẽ đầu tư giống, vật tư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thu mua dự kiến khoảng 2.000 USD/tấn hạt điều nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân là do tỉnh chưa có quỹ đất để Công ty Trung Nam hình thành vùng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc phát triển vùng nguyên liệu còn chậm do cây điều là cây lâu năm, khó cạnh tranh với cây trồng ngắn ngày nên nông dân ít trồng. Dù vậy, định hướng của ngành nông nghiệp là vẫn sẽ hình thành vùng nguyên liệu trong thời gian tới.

Ông Ân cho biết thêm, đối với cây điều, ngoài chương trình khuyến nông, khi nông dân trồng điều có ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất sẽ được cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 5%; nông nghiệp hữu cơ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất. Sở NN&PTNT cũng đề nghị nông dân khi trồng điều cần liên hệ với Sở để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục về chính sách ưu đãi và hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp.

Vũ Nguyệt

Nhiều năm nay, để có nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong tỉnh phải mua hạt điều từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Sản lượng hạt điều trồng trong tỉnh chỉ chiếm một lượng rất nhỏ so với tổng sản lượng nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp địa phương. Do đó, nhu cầu về hạt điều nguyên liệu trước mắt và về lâu dài vẫn rất bức thiết.

Tuy nhiên, trong đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, cây điều không được đề cập tới. Trong khi đó, nhiều cây trồng truyền thống khác như nhãn, mãng cầu, xoài, mía, mì, cao su... hoặc nhiều cây trồng mới như bưởi da xanh, khóm, chuối già Nam Mỹ... được phân tích, đánh giá rất sâu về thực trạng và định hướng phát triển.

Ðiều đó cho thấy, cây điều không phải là cây trồng có lợi thế và tiềm năng phát triển. Mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ người trồng điều nhưng chưa đủ sức thu hút. Ðồng thời, do đây không phải là cây trồng ưu tiên phát triển nên cây điều hầu như bị cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương lẫn nông dân “thờ ơ, quên lãng”.

“Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều diện tích trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế rất thấp, ví dụ như cây mía. Nhiều nông dân hiện nay không muốn trồng mía nhưng vì chưa tìm được cây trồng thay thế nên họ đành chịu. Bởi ở một số vùng đang trồng mía, hiện nay nông dân không thể trồng được hoa màu hoặc mì do trũng thấp hoặc đất bạc màu...

Do đó, Nhà nước có thể khuyến khích nông dân chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả hơn, phù hợp hơn, trong đó có cây điều. Ðược biết, ở nhiều quốc gia, cây điều được trồng bằng giống năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác nên mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể.

Nếu Nhà nước chưa có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thì có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân bằng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về cây điều. Nông dân có đất, có sức lao động. Doanh nghiệp có vốn, có thị trường tiêu thụ. Với vai trò trung gian, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau, cùng sản xuất, cùng có lợi”, một doanh nghiệp chế biến hạt điều đề xuất.

HOÀNG THI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục