Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tây Ninh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, như: hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, hệ thống sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Nước trong tuyến kênh thuộc Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước làm cá chết hàng loạt vẫn thường xuyên diễn ra, gây khó khăn cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông gần 20 năm, ông M.T.D- ngụ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành cho biết, vào khoảng thời gian đầu mùa mưa hằng năm (từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5), nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn khu vực Bến Kéo thường có hiện tượng ô nhiễm làm chết cá và các loại thuỷ sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Theo ông D, mỗi khi có cơn mưa đầu mùa là vài ngày sau, nước sông sẽ chuyển từ trong sang hơi đục, mặt nước xuất hiện nhiều bọt. Tiếp theo đó, nhiều loại cá trên sông sẽ nổi đầu, đớp móng liên tục, những loại cá có sức chống chịu thấp sẽ bị chết trước.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hùng, cùng ngụ ấp Bến Kéo nhớ lại, vào tháng 4.2018, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, nguồn nước sông có dấu hiệu ô nhiễm, số cá nuôi mới hơn 6 tháng tuổi trong 4 lồng bè của gia đình ông liên tục nổi đầu chết trắng, ông phải gọi thương lái đến bán tháo để thu hồi vốn nhưng do thu hoạch sớm, cá chưa đủ tuổi lại trong hoàn cảnh “không thể không bán” nên bị thương lái ép giá, số cá còn sống gần cả tấn nhưng ông chỉ bán được hơn 10 triệu đồng. Số cá còn lại ông cùng người nhà tranh thủ làm thịt, phơi khô.
Ông Hùng cho biết, mỗi đợt nước sông ô nhiễm, gần như tất cả những hộ nuôi cá lồng bè trong khu vực này đều có cá chết, hộ nào nhanh nhạy bán sớm thì vớt vát được vốn, còn nhiều hộ bị mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Lồng bè nuôi cá trên sông Vàm Cỏ Đông tại ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, những năm qua, diện tích nuôi thả thuỷ sản ở Tây Ninh chủ yếu tập trung ở những khu vực có hồ, sông lớn. Trong đó, hồ Dầu Tiếng rộng đến 27.000 ha với dung tích khoảng 1,5 tỷ mét khối nước, ngoài việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp thì nguồn lợi thuỷ sản trong hồ rất lớn.
Để bổ sung và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, tạo điều kiện cho người dân đánh bắt hiệu quả cao hơn, hằng năm tỉnh trích ngân sách gần 1 tỷ đồng để thả hàng chục triệu con cá giống các loại xuống lòng hồ, gồm cá mè trắng, trắm cỏ, lăng nha, cá trôi, cá lóc bông, cá thác lác cườm, cá tra dầu, cá lăng vàng, lăng nha… Hệ thống thuỷ lợi của hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh trước đây chủ yếu phục vụ nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích đất dọc các tuyến kênh đã được chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản.
Ngoài ra, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh cũng rất phát triển ở những địa phương có sông Vàm Cỏ Đông đi qua. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 498,37 ha, đạt 84,47% so với kế hoạch và bằng 90,12% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt khoảng 9.721,2 tấn đạt 84,5 % so với kế hoạch và bằng 94,39% so với cùng kỳ.
Để nâng cao năng suất và sản lượng nuôi thả thuỷ sản, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Cá chết do nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm (ảnh minh họa, chụp từ tháng 4.2018).
Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển với các loại thuỷ sản có giá trị cao, như cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng… Ngành NN&PTNT cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, nhiều điểm trình diễn kỹ thuật, nhiều buổi hội thảo chuyên đề, thực hiện nhiều mô hình như nuôi cá rô đồng, nuôi tôm càng xanh và nuôi cá rô phi đơn tính; khuyến khích người dân tận dụng những ao, hồ, các vùng đất trũng cải tạo lại để nuôi trồng thuỷ sản bằng nhiều hình thức thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nước trên sông Vàm Cỏ Đông làm cá và các loại thuỷ sản chết hàng loạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và đời sống của ngư dân sống trên lưu vực sông. Để ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển có hiệu quả, các ngành chức năng thường cần xuyên kiểm tra và xử lý triệt để các nhà máy gây ô nhiễm môi trường khi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra sông Vàm Cỏ Đông.
Nguyên An