Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Với lợi thế nhanh nhạy, kịp thời, thiết thực, ít tốn kém, hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông nói chung và đài truyền thanh cơ sở nói riêng ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung và hiệu quả của công tác tuyên truyền tại cơ sở.

|
Từ những năm 1980-1990, hệ thống phát thanh, truyền thanh trong tỉnh Tây Ninh đã phát triển mạnh, 9 huyện, thị được trang bị máy phát sóng FM công suất từ 100W đến 300W. 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh. Mạng lưới trạm truyền thanh ấp, khu phố được mở rộng đều khắp trên địa bàn dân cư trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 8 đài truyền thanh (đài TT) huyện, 1 đài truyền thanh thành phố; 95 đài, trạm truyền thanh xã/phường/thị trấn;
542 trạm, cụm truyền thanh ấp/khu phố; 272 cụm truyền thanh tổ tự quản (trong đó có 455 cụm loa truyền thanh không dây). Hệ thống các đài TT cả về bộ máy, tổ chức nhân sự lẫn tài chính đều do UBND cùng cấp quản lý trực tiếp. Riêng đài TT cấp huyện/thành phố là đơn vị sự nghiệp, chịu sự quản lý trực tiếp của UBND huyện, quản lý Nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật của Đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) tỉnh.
Toả khắp vùng sâu biên giới
Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cơ sở đã bám sát định hướng tuyên truyền của các cấp uỷ và chính quyền; các chương trình phát thanh địa phương được duy trì hằng ngày qua hệ thống FM và mạng lưới truyền thanh cơ sở phục vụ nhân dân từ huyện, thành phố xuống tận xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố, kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, về Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về vùng sâu, biên giới; phản ánh gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống… góp phần tích cực vào việc động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trung bình mỗi tháng, đài TT huyện, thành phố thực hiện phát sóng trên 200 tin/bài/chương trình trong 3 buổi/ngày (sáng-trưa-chiều), trong đó trên 100 tin, bài do các đài tự sản xuất. Ngoài việc tiếp âm buổi sáng, buổi trưa chương trình đài PTTH tỉnh, thời sự sáng và chiều của Đài Tiếng nói Việt Nam, mỗi ngày đài TT cấp huyện biên soạn ít nhất 1 chương trình thời sự địa phương, 1 chuyên mục phát trên sóng phản ánh tình hình thời sự chính trị ở địa phương, kịp thời đưa tin các sự kiện chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội nổi bật và vấn đề phát sinh trên địa bàn huyện trong đời sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, các đài còn thực hiện các chương trình truyền hình địa phương với nhiều tin, bài, phóng sự, chuyên mục gửi về Đài PTTH của tỉnh; phối hợp với các xã, phường, thị trấn xây dựng và phát sóng các chuyên mục “Thông tin từ xã” và cộng tác trên Báo Tây Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh... Hiện tại, trên 50% các đài, trạm TT xã, phường, thị trấn đã tự sản xuất chương trình thời sự địa phương với thời lượng 15 phút phát mỗi tuần. Đây là một phần đóng góp của hệ thống các đài TT cơ sở trong công tác thông tin, tuyên truyền đến với mọi tầng lớp nhân dân, đến với đồng bào vùng nông thôn sâu, biên giới.
Những cái khó cần phải gỡ
Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đài TT cơ sở đã được đầu tư, bổ sung, nâng cấp nhưng trên thực tế, các thiết bị này chưa có tính đồng bộ để phát huy hết công suất và hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức bộ máy, nhân sự và cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ các Đài cơ sở hiện cũng còn nhiều hạn chế và bất cập. Bình quân mỗi đài TT cấp huyện chỉ được bố trí khoảng 5 - 6 biên chế, bao gồm lãnh đạo và phụ trách chuyên môn kiêm nhiệm vụ trực máy phát sóng, sửa chữa mạng lưới truyền thanh cơ sở, quay phim, viết tin, bài, sản xuất chuyên mục phát thanh… trong khi kinh phí hoạt động chủ yếu được khoán từ 400 - 500 triệu đồng/năm (ngân sách Nhà nước).
Các đài TT cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực. Hầu hết cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của 95 đài TT cấp xã đều chưa có sự thống nhất mô hình quản lý chung, cán bộ đài TT cấp xã không được bố trí biên chế, chỉ hoạt động bán chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều công việc, không được qua các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành về vận hành máy cũng như cách viết tin cộng tác. Hệ thống trang thiết bị cũ và lạc hậu, hệ thống thiết bị ngoài trời hư hỏng nhiều, không đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin tuyên truyền.
Ông Đỗ Văn Kha- Trưởng Đài TT huyện Trảng Bàng nhận định: “Cấp xã các địa phương sử dụng đúng chế độ cho một biên chế không chuyên trách. Chính vì lý do này mà cán bộ cấp xã thường xuyên thay đổi và không được đào tạo chuyên môn. Đài TT cấp huyện hầu như chỉ hỗ trợ cấp xã về mặt kỹ thuật và tập huấn chuyên môn hằng năm, về mặt tài chính thực hiện thì cấp nào cấp nấy lo. Cấp trên nên giao biên chế truyền thanh đài xã cho cấp huyện quản lý để được chuẩn hoá về mặt chuyên môn, kinh phí được chủ động, mặt khác, đài huyện cũng có cán bộ nằm tại cơ sở để kịp thời cập nhật thông tin”.
Cũng như các đài TT cấp huyện, hằng năm Đài TT thành phố Tây Ninh thường tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng, vận hành máy cho cán bộ truyền thanh xã, phường. Từ 2 năm trở lại đây, 8/10 xã, phường được nâng cấp thiết bị truyền thanh (còn phường 2 và xã Thạnh Tân chưa được đầu tư mới). Còn đối với các cụm, trạm truyền thanh ấp, khu phố, tổ tự quản, hệ thống đường truyền phát thanh ngắn (khoảng 10m), máy móc xuống cấp, cũ kỹ, lạc hậu, âm thanh không rõ, người trực tiếp làm công tác này thường là bí thư hoặc trưởng, phó trưởng ấp, trưởng khu phố được hưởng chế độ bồi dưỡng từ UBND cấp xã khoảng 50.000 đồng đến 150.000 đồng/tháng, nơi cao nhất là 200.000 đồng/tháng…
Bà Huỳnh Khánh Giang- Trưởng Đài TT thành phố Tây Ninh chia sẻ: “Hiện tại, đài TT cấp huyện chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật sửa chữa theo cơ chế tài chính tự chủ. Các trạm, cụm truyền thanh ấp, khu phố, khi sửa chữa trang thiết bị thì lấy kinh phí từ nguồn khu dân cư, ấp văn hoá.
Ngoài mức lương hưởng từ ngân sách Nhà nước đối với chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã thì cán bộ truyền thanh ở cơ sở không được hưởng thêm một khoản thù lao nào. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đội ngũ cán bộ làm công tác này không thiết tha gắn bó, không nhiệt tình với công việc của mình và nhân lực thường xuyên thay đổi”. Bà Giang đề xuất: “Nên giao đài TT cấp huyện quản lý trực tiếp cán bộ làm công tác truyền thanh tại cơ sở để thống nhất mô hình quản lý chung về các chế độ và kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, không còn quản lý trực thuộc từ UBND xã, phường, thị trấn”.
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề nhân lực cũng là một trong những yếu tố khiến công tác truyền thanh cơ sở khó có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Thiếu tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên phần lớn các cán bộ truyền thanh tại cơ sở đều chưa thành thục kỹ năng vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả đài TT và các thiết bị tác nghiệp cơ sở khác. Một thiệt thòi cho người làm công tác truyền thanh ở cơ sở nữa là hiện nay, vẫn chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc sản xuất tin, bài, duyệt tin, bài và chi trả nhuận bút cho công tác phát thanh cơ sở.
Ông La Văn Lợi- Phó trưởng Đài TT huyện Châu Thành cho biết: “Chế độ nhuận bút thấp cũng là một trong những yếu tố khiến công tác truyền thanh cơ sở khó có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp”. Chế độ nhuận bút mà các đài TT cơ sở hiện đang áp dụng chiếu theo quy định tạm thời của UBND tỉnh từ năm 1992 với mức: 10.000 đồng/tin, 20.000 đồng/bài.
Nếu áp dụng theo Quyết định số 57/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì đài TT cấp huyện không thể áp dụng chế độ nhuận bút như Đài PTTH tỉnh, vì không được công nhận như một cơ quan báo chí. “Nhuận bút tin, bài được trích từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, hiện chưa có một biểu mẫu nhuận bút nào cho các đài huyện, chúng tôi phải tự cân đối. Nếu muốn cấp thêm cũng chẳng có văn bản nào để tham mưu, mặc dù đài cũng đã tác nghiệp như một cơ quan báo chí”- ông Lợi nói.
Cần nâng cả lượng và chất
Từ thực tế trên có thể thấy đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở vừa yếu, vừa thiếu, không phù hợp, không được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hoạt động truyền thanh cơ sở không khuyến khích được sự đầu tư về số lượng và chất lượng chương trình phát thanh. Vấn đề này đã và đang là thách thức lớn đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đã đến lúc cần đánh giá lại một cách tổng thể về hiện trạng hoạt động, xác định rõ khả năng phát triển, những mặt hạn chế của các đài TT cơ sở, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp nhằm củng cố, năng cao chất lượng hoạt động, góp phần rút ngắn khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa người dân đô thị và người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Tâm Giang