Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Khó quản các lò giết mổ gia súc
Thứ tư: 11:23 ngày 13/05/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quản lý hoạt động giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ và nâng cấp, di dời, xây dựng, quản lý các lò giết mổ gia súc trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Thực trạng giết mổ gia súc tràn lan ở Tây Ninh đang báo động về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường.

 

Tại lò giết mổ gia súc ở khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 65- 67 tấn thịt và thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ động vật, tương ứng với 700 - 730 con heo, 57 - 60 con trâu bò. Riêng những ngày cao điểm như lễ, tết, nhu cầu tiêu thụ gia súc, tăng thêm 20 % - 50%, đạt khoảng 80 -100 tấn thịt gia súc mỗi ngày.

Trên địa bàn Tây Ninh có khoảng 79 lò giết mổ gia súc lớn, nhỏ và 710 quầy sạp bán sản phẩm gia súc tại các chợ, trong đó tập trung nhiều nhất tại Trung tâm Thương mại Long Hoa và các chợ trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Công suất giết mổ gia súc của các cơ sở trên địa bàn tỉnh rất lớn mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh. Riêng về nguồn thịt heo, các cơ sở giết mổ trong tỉnh chỉ đáp ứng được 80% (với tổng công suất giết mổ khoảng 600 con heo/ngày). Như vậy, 20% còn lại do các điểm giết mổ tại nhà- nói nôm na là giết mổ lậu đảm nhiệm, và dĩ nhiên nguồn thực phẩm ra đời từ các điểm giết mổ lậu không được kiểm soát thú y.

Nguồn thực phẩm khó yên tâm

Hiện tại, có nhiều điểm giết mổ gia súc do các hộ gia đình, cá nhân tự lập ra và hoạt động hoàn toàn tự phát. Khu giết mổ thường được bố trí ngay trong khu vực sinh sống của gia đình. Các hộ này tự mua gia súc từ các nơi về giết mổ rồi bán thịt cho các điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn.

Ở  Châu Thành, gia súc bị giết mổ (lậu) ngoài lò mổ chiếm số lượng không nhỏ: mỗi tháng có đến 109 con heo và 197 con trâu bò. Lượng thịt từ đây được đưa thẳng ra thị trường, không hề qua khâu kiểm dịch.

Hiện nay, các trạm thú y trên địa bàn tỉnh gần như chỉ thực hiện công tác kiểm phẩm, chưa quản lý tận gốc các đầu mối cung cấp gia súc và các đầu mối phân phối sản phẩm gia súc.

Ở Châu Thành, công tác quản lý các lò mổ trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, tồn tại nhiều cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ với điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và ý thức chấp hành các quy định về vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc của người dân chưa cao.

Điều này có nghĩa, không ai dám chắc chắn nguồn thực phẩm từ thịt gia súc mà người dân vẫn mua về sử dụng trong bữa ăn hằng ngày là bảo đảm an toàn về mặt chất lượng, và không tiềm ẩn mầm mống dịch bệnh nguy hiểm.

Ở một khía cạnh khác, tình trạng giết mổ gia súc tràn lan, không có sự kiểm soát cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chỉ cần tính đơn giản: mỗi đêm các cơ sở thực hiện giết mổ khoảng 600 con heo, trâu, bò thì Tây Ninh sẽ có thêm chừng… 9 tấn chất thải và 300 m3 nước thải cực kỳ dơ bẩn.

Không ít cơ sở giết mổ gia súc chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Chẳng hạn cơ sở của bà Nguyễn Thị Lành ở ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Cơ sở này chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y và điều kiện vệ sinh môi trường.

Cùng huyện Trảng Bàng còn có cơ sở giết mổ gia súc Đỗ Văn Hùng tại ấp An Phú, xã An Hoà, cũng chưa đáp ứng được điều kiện vệ sinh thú y; hố sát trùng không bảo đảm lượng nước; không có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại cơ sở này, năm 2014 Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh đã đến kiểm tra và xử phạt 35 triệu đồng do không thực hiện đúng quy định về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ sở này “thà đóng phạt chứ không khắc phục”.

Hiện nay, mỗi huyện trong tỉnh đều có lò giết mổ gia súc tập trung, với công suất từ 45 - 50 con/ngày. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ hình thành tự phát, nằm phân tán trong các khu dân cư và hoạt động một cách tuỳ tiện.
 
Theo quy định, các điểm giết mổ gia súc phải tách rời khu dân cư 100m, cách đường giao thông chính 100m; có hầm rút nước và điểm xử lý chất thải; có nguồn nước sạch, tường rào bao quanh, thuận tiện đi lại; các hộ gia đình có lò mổ không được nuôi gia súc…
 
Tuy nhiên, các quy định này chưa được chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ. Sự tồn tại của các lò mổ nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư đã gây bất lợi cho các lò mổ được đầu tư bài bản với quy mô lớn.

Kiểm soát giết mổ: làm “đằng  ngọn”

Công tác kiểm soát giết mổ gia súc được giao cho các Trạm Thú y trên địa bàn huyện phụ trách. Trên thực tế, nhiều trường hợp chưa thực hiện lăn dấu kiểm soát tại nơi giết mổ. Vì vậy, gia súc kể từ khi được các chủ lò mổ mua về nuôi nhốt đến khi bị giết thịt đưa ra chợ bán đều không qua khâu theo dõi, kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều Trạm Thú y hợp đồng thêm cán bộ thú y cơ sở để làm nhiệm vụ lăn dấu kiểm dịch tại các chợ. Tuy nhiên, cách làm này chỉ là kiểm soát “đằng ngọn” và không thực hiện đúng theo Quyết định số 87/2005 ngày 26.12.2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Ban hành quy trình kiểm soát giết mổ động vật”. Cụ thể, gia súc phải có giấy xác nhận vệ sinh thú y, kiểm dịch, phải đưa đến cơ sở giết mổ ít nhất 6 giờ đồng hồ và được cán bộ thú y, kiểm dịch viên theo dõi, khám kiểm tra kỹ càng cả trước, trong và sau khi giết mổ.

Cơ sở giết mổ tại khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh có công suất giết mổ trung bình là 10 - 15 con heo mỗi đêm, còn ban ngày trung bình 4- 5 con. Khi đoàn kiểm tra đến “hỏi thăm” đột xuất thì tại cơ sở này không có mặt cán bộ thú y, phải một hồi sau vị này mới có mặt và giải thích: đây là lò giết mổ tạm và chủ lò không báo cho Trạm Thú y xuống kiểm dịch.

Việc giết mổ và vận chuyển gia súc bắt buộc phải bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng công tác quản lý trong lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập. Nguyên nhân một phần cũng do lực lượng cơ quan chức năng còn mỏng, trong khi nhiều người kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định của Nhà nước và các chế tài xử phạt thì chưa đủ tính răn đe.

Một cán bộ của Trạm thú y huyện Châu Thành thừa nhận, do lực lượng ngành mỏng, các lò giết mổ gia súc phân tán trên địa bàn trải rộng và chủ yếu hoạt động vào ban đêm nên công tác kiểm soát, kiểm tra gặp nhiều trở ngại. Thực phẩm đã ra chợ thì việc kiểm tra cũng chỉ là kiểm tra chất lượng bằng cảm quan chứ không thể làm rõ được nguồn gốc xuất xứ của nó.

Thịt heo được chở thẳng đi tiêu thụ mà không hề được kiểm dịch. (Ảnh chụp tại lò giết mổ gia súc khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn).

Vì sức khoẻ cộng đồng

Trên địa bàn Tây Ninh hiện có rất ít lò giết mổ gia súc đạt tiêu chuẩn. Tình trạng kinh doanh giết mổ rải rác theo hộ gia đình với công suất 2 - 3 con heo/ngày vẫn khá phổ biến. Vì vậy, nhu cầu xây dựng, quy hoạch khu giết mổ gia súc của tỉnh là bức thiết. Điều này không chỉ giúp cho công tác quản lý tốt hơn mà còn giúp cải thiện được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giết mổ gia súc là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần được quản lý chặt chẽ. Nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phải tổ chức quy hoạch và kiểm soát thường xuyên. Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, có hàng loạt giải pháp mà đơn vị cần tiếp tục triển khai.

Đó là quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và  tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm giai đoạn 2012 - 2020. Theo dự kiến, hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Tây Ninh từ đây nay năm 2020 sẽ đưa vào tập trung 53 cơ sở, với tổng công suất giết mổ 280 - 320 con trâu bò/ngày, 1.600 - 1.800 con heo/ngày. Đơn vị sẽ chủ động mời gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ  và chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm với diện tích xây dựng khoảng 10 - 15ha, tổng vốn đầu tư khoảng 50 - 100 triệu USD.

Vị cán bộ lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết thêm, hướng tới sẽ đề nghị các cơ sở giết mổ có thiết kế lạc hậu, hư hỏng, xuống cấp tiến hành sửa chữa, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng mô hình giết mổ tập trung hiện đại, bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm quy trình giết mổ sạch với lực lượng công nhân lành nghề. Từ đó, phần nào sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

THANH NHI

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh