Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khó quản dạy thêm, học thêm 

Cập nhật ngày: 20/07/2018 - 06:55

BTN - Việc kiểm tra các cơ sở, trung tâm dạy thêm đối tượng học sinh tiểu học vẫn còn lấn cấn, khi cụm từ kỹ năng là một khái niệm rộng, không rõ ràng. Nhiều nơi có vi phạm nhưng không thể xử phạt. Ngoài ra, quy định giáo viên không được phép dạy tại nhà trừ trường hợp gia sư, cũng khó thực hiện, vì điều kiện xử lý vi phạm là phải bắt tận tay.

Mặc dù đã có nhiều quy định để chấn chỉnh, xử lý, nhưng việc học thêm, dạy thêm vẫn đang tồn tại và âm thầm phát triển.

Có ý kiến cho rằng, đây là điều tất yếu, bởi có cung sẽ có cầu, vì nhiều nguyên nhân, như để con em theo kịp chương trình chính thức, áp lực điểm số, sợ con em không theo kịp bạn bè... nên việc học thêm, dạy thêm cho trẻ được hầu hết các phụ huynh ưu tiên lựa chọn.

Giờ kiểm tra môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Kim Ðồng, TP. Tây Ninh  (ảnh minh hoạ).

Mùa hè - mùa học thêm

Kết thúc năm học, thay vì cho con em mình nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các khoá trang bị kỹ năng sống, lớp năng khiếu thì đa phần các bậc phụ huynh lại đưa con em mình đến các trung tâm để học thêm.

Mùa hè năm nay của Nguyễn Quốc Việt (phường 3, TP. Tây Ninh) cũng không khác gì so với những năm trước đây, em chỉ được nghỉ vài tuần rồi bước ngay vào lịch học hè.

Năm nay, Việt lên lớp 7, ngoài việc tăng cường học thêm Toán và Tiếng Anh, mẹ em còn đăng ký thêm 2 môn Vật lý và Tin học, vì lo lắng con mình không theo kịp bạn bè. Với lịch học dày đặc, Việt hầu như không có nhiều thời gian để vui chơi.

“Bắt ép cháu đi học thêm cũng tội, nhưng tôi thấy hiện nay, hầu hết phụ huynh đều cho con mình học hết chương trình của năm học mới thông qua các lớp dạy thêm, nếu con mình không đi học thì làm sao học lại?”- chị Châu, mẹ của Việt chia sẻ.

Việc học hè không chỉ phổ biến ở các cấp THCS và THPT, ngay cả ở cấp tiểu học, dù đã có quy định về việc cấm dạy thêm, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con mình đi học thêm.

Chị Lê Ngọc Quỳnh Sang, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu có con gái đầu năm học mới sẽ vào lớp một, hiện bé đang theo một lớp học thêm. Chị Sang nói: “Tôi lo lắm, không cho con học thêm sợ khi vào học chính thức nó sẽ chậm tiếp thu hơn bạn bè. Như vậy học sẽ không giỏi được”.

Giải thích về nguyên do cho con đi học thêm sớm, chị Nguyễn Thị Kim Uyên (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) cho biết: “Chương trình học của các em học sinh bây giờ khác xa so với thời thế hệ chúng tôi đi học, nên nhiều kiến thức bậc cha mẹ không thể dạy kèm ở nhà. Nhiều bạn bè của tôi cũng cho con đi học hè để chuẩn vào cấp học mới không bị bỡ ngỡ”.

Có thể nói, nguyên nhân của việc đưa con đi học thêm, một phần từ áp lực của việc thi cử ngày càng khó khăn, vì thế, cha mẹ nào cũng sợ con em mình sẽ không đủ kiến thức để vượt qua các kỳ thi, nên ép con đi học hè.

Bên cạnh đó, đa phần phụ huynh vẫn suy nghĩ rằng, con trẻ học càng nhiều thì càng giỏi, học thêm sẽ giúp con mình tiếp cận nhanh các kiến thức trong năm học mới. Cũng có trường hợp cho con đi học thêm dịp hè để tránh sa đà vào trò chơi điện tử, điện thoại.

NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU

Không phải ai cũng ủng hộ chuyện học thêm, dạy thêm. Có ý kiến cho rằng, học sinh chỉ cần học tốt chương trình trên lớp, các bậc phụ huynh cần phải giúp con em có một thời gian biểu hợp lý giữa việc học và giải trí; tránh nhồi nhét kiến thức và phải phát hiện được sở trường của con mình để tập trung phát triển; nên cho trẻ tham gia các lớp học phát triển kỹ năng sống, lớp năng khiếu để trẻ có cơ hội khám phá, rèn luyện bản thân.

Chia sẻ quan điểm về việc học thêm, một giáo viên bộ môn Ngữ văn của một trường THPT trên địa bàn huyện Tân Biên cho rằng, bên cạnh những bất cập, tồn tại, việc học thêm cũng có ý nghĩa tích cực và cần thiết- nhất là đối với các em học sinh lớp 12, khi các em đã được định hướng nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, việc dạy thêm chỉ thực sự tốt khi nó mang ý nghĩa bổ túc kiến thức cho học trò. Giáo viên này chia sẻ: “Ðối với bộ môn Ngữ văn tôi đang giảng dạy, 30% kiến thức trong đề thi là ở sách giáo khoa, phần còn lại là kiến thức xã hội.

Vì vậy, để làm được bài, học sinh cần phải được bồi dưỡng thêm về kỹ năng tự luận. Trong khi đó, thời lượng giảng dạy trên lớp gần như không đủ để giáo viên truyền tải được hết những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em”.

Em Trần Nguyễn Phương Như (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Hoà Thành) nêu ý kiến: “Các bạn có thể tự học tại nhà bằng việc mua các loại sách nâng cao, học theo nhóm với bạn bè để chia sẻ kiến thức.

Hiện nay, bản thân em sử dụng phương pháp học mới, đó là lên các trang web về dạy học online để theo dõi các khoá học, giải bài tập nâng cao. Em nghĩ, đây là những phương pháp bổ ích để rèn luyện thêm khả năng tự học cho mỗi người, không nhất thiết phải đi học thêm mới có được kiến thức mình cần”.

Giờ học tại một trường tiểu học (ảnh minh hoạ).

Nhiều bất cập, hạn chế trong các quy định về dạy thêm

Tính đến hết tháng 7.2018, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã cấp 26 giấy phép dạy thêm trong nhà trường, 58 giấy phép dạy thêm ngoài nhà trường. Có 268 giáo viên THCS, THPT, giáo viên đã về hưu tham gia dạy thêm tại các cơ sở ngoài nhà trường. 

Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho hay, việc tập trung dạy thêm, học thêm theo hình thức cơ sở dạy thêm như hiện nay dễ quản lý hơn so với trước đây.

Và hằng năm, căn cứ vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm học của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Sở Giáo dục và Ðào tạo đều có văn bản chỉ đạo công tác kiểm tra năm học đến từng đơn vị, trong đó nhấn mạnh việc quản lý, kiểm tra dạy thêm, học thêm phải đi vào nề nếp.

Theo quy định, giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh mà mình dạy chính khoá. Ðây được coi là biện pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhưng trên thực tế, cả phụ huynh và học sinh đều muốn người dạy là giáo viên trực tiếp đứng lớp vì có nhiều thuận lợi. Và khi có sự thoả thuận giữa người dạy và người học, các cấp quản lý khó có thể kiểm soát được.

Thông tư 17/2012/NÐ-CP quy định, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Do đó, việc kiểm tra các cơ sở, trung tâm dạy thêm đối tượng học sinh tiểu học vẫn còn lấn cấn, khi cụm từ kỹ năng là một khái niệm rộng, không rõ ràng. Nhiều nơi có vi phạm nhưng không thể xử phạt.

Ngoài ra, quy định giáo viên không được phép dạy tại nhà trừ trường hợp gia sư, cũng khó thực hiện, vì điều kiện xử lý vi phạm là phải bắt tận tay.

Một khó khăn khác trong quản lý việc dạy thêm ở cấp tiểu học, là Phòng Giáo dục & Ðào tạo không có chức năng thanh tra, chỉ có chức năng kiểm tra, nhắc nhở. Muốn xử phạt phải chuyển hồ sơ về Phòng Thanh tra huyện.

Ở cấp độ ngành, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho rằng, các bậc phụ huynh không nên cho con mình đi học thêm, nhất là với cấp tiểu học.

Không nên nghĩ rằng, cứ nhồi nhét kiến thức vào đầu óc các em là các em sẽ giỏi, phải để các em vừa học vừa chơi mới có thể phát triển về mặt trí tuệ tốt nhất. Có phát triển được toàn diện các em mới dễ thành công.

HOÀ KHANG - VI XUÂN