Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thực tế cho thấy, hiện nay chế tài xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ hãy còn quá nhẹ. Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP: cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng; hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có sẽ bị phạt từ 5-15 triệu đồng; hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2-5 triệu đồng…

|
Một tiệm cầm đồ trong tỉnh Tây Ninh (Ảnh minh hoa).
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hàng trăm cửa hàng cầm đồ hoạt động với nhiều hình thức khác nhau. Thực chất đây là hoạt động cho vay thế chấp bằng hiện vật với lãi suất cao đến “chóng mặt”. Đặc điểm chung của các cơ sở dịch vụ cầm đồ này là thủ tục nhanh gọn, giao tiền ngay mà không cần giấy tờ, kể cả giấy chứng minh nhân dân. Đây cũng chính là chiêu hút khách của họ.
Trên đường Trần Phú, phường Ninh Sơn hay dọc đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc địa bàn TP Tây Ninh và một số tuyến đường ở huyện Hoà Thành đều có rất nhiều tiệm cầm đồ. Các tiệm này đều sử dụng những lời quảng cáo hấp dẫn như: cầm đồ lãi suất thấp, cầm đồ uy tín, cầm đồ nhanh... Vốn bỏ ra không lớn nhưng các tiệm cầm đồ hưởng thu nhập cao từ lãi suất cao ngất ngưởng hoặc từ khoản tiền lời khi thanh lý hàng cầm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các tiệm cầm đồ mọc lên ngày càng nhiều.
Vào tiệm cầm đồ, đương nhiên là phải có “đồ” để “cầm”; hay còn gọi là tài sản thế chấp. Đó có thể là xe máy, điện thoại, máy móc, vàng bạc, giấy tờ... Ở hầu hết các cửa hàng cầm đồ, lãi suất được tính từ 2.000 đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày tuỳ từng mức vay. Thời hạn tối thiểu cho món đồ được cầm là 10 ngày, còn thời hạn tối đa thì… “vô biên”, miễn là khách cầm chịu khó đóng tiền lãi đúng hạn để chủ dịch vụ cho phép gia hạn cầm đồ. Cách tính lãi suất cũng phụ thuộc vào một vài yếu tố như: quen thân, uy tín, chất lượng tài sản...
Trong vai người cần tiền gấp, tôi mang cái laptop hiệu Sony đi cầm. Điểm đến đầu tiên là một tiệm cầm đồ ở phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh. Sau vài lần liếc cặp mắt chuyên nghiệp để kiểm tra hàng, anh chủ tiệm ra giá: “8 triệu đồng, lãi suất 6%. Như vậy là hết giá rồi”. Điều ghi nhận là chủ tiệm không hỏi một câu nào về xuất xứ của cái laptop. Chưa biết cách tính ấy là lãi ngày hay lãi tháng, tôi thắc mắc: “Nếu ngày mai em chuộc liền thì lãi suất là bao nhiêu?”. Câu trả lời là tôi phải trả lãi tối thiểu cho một tuần với số tiền 336.000 đồng- quy ra là 6.000 đồng/triệu đồng/ngày. Lấy cớ số tiền cầm ít quá không đủ chi cho công việc, tôi ôm máy tính đứng dậy đi về. Anh chủ tiệm không quên dặn với theo: “Không có chỗ nào cao hơn thì về lại chỗ anh nha”.
Tiếp tục, tôi đến một tiệm cầm đồ khác ở huyện Hoà Thành và hỏi: “Ở đây có cầm giấy chứng minh nhân dân không anh?”. Chủ tiệm lịch sự trả lời: “Chỗ anh chỉ cầm những thứ hoá giá được thôi, em thông cảm”. Lấy ngay cái máy tính trong ba lô ra và chỉ luôn chiếc xe máy, tôi nhờ anh cầm giúp hai món này vì cần tiền gấp. Sau một lúc thẩm định 2 món hàng, chủ tiệm nói: “10 triệu, nếu em cầm lâu thì anh tính lãi suất 40.000 đồng/ngày, sau 1 tháng phải đến gia hạn nếu không sẽ thanh lý hàng”. Vậy là nếu đồng ý cầm, tôi sẽ phải trả 1,2 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 10 triệu trong vòng một tháng, tính ra là lãi 4.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nếu không xoay đủ tiền để chuộc đúng hạn, cái laptop và chiếc xe máy coi như “bán rẻ” cho tiệm cầm đồ.
Theo tìm hiểu, các mặt hàng thường được cầm cố tại các cửa hàng cầm đồ chủ yếu là xe máy, điện thoại di động, máy tính… thỉnh thoảng cũng có người cầm cả xe ô tô. Khoản tiền vay qua món đồ đem cầm thế càng cao thì lãi suất càng giảm. Không thể phủ nhận rằng, dịch vụ cầm đồ đã kịp thời đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận khách hàng cần tiền gấp để giải quyết những việc cần thiết, tuy nhiên trong nhiều trường hợp các cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã trở thành “địa chỉ đen”- nơi “lưu trữ” những thứ của cải, tài sản do phạm tội mà có. Về mặt pháp luật, các chế tài xử phạt dành cho những hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này chưa đủ mạnh nên chưa có tính răn đe, giáo dục. Thông thường, các loại tài sản như xe máy, ô tô… có thể chứng minh được “chính chủ” thông qua giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhưng các loại khác như vàng bạc, máy tính, điện thoại… thì rất khó để kiểm chứng. Đây cũng là một trong những đều chưa được quy định chặt chẽ, rất dễ cho các đối tượng lách luật.
Theo Thông tư số 33/2010-TT-BCA, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Theo quy định, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không được nhận cầm đồ đối với hàng hoá, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do hành vi phạm pháp mà có. Khi có dấu hiệu nghi ngờ hàng hoá, tài sản bất minh- do phạm tội mà có thì chủ cơ sở phải thông báo ngay với cơ quan (công an) có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại nhiều cửa hàng cầm đồ trên địa bàn Tây Ninh, có thể thấy đa số các tiệm cầm đồ đều không yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, cũng không lập hợp đồng, nói chi đến việc chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản cầm đồ. Thậm chí có nơi chủ tiệm còn không ghi tên người cầm đồ hoặc có trường hợp người cầm đồ khai tên giả trong tờ biên nhận. Thường các chủ cơ sở cầm đồ chỉ quan tâm đến việc định giá hàng cầm sao cho khỏi lỗ. Muốn vậy thì phải định giá thấp để phòng ngừa trường hợp khách không chuộc lại đồ đã cầm thì chủ tiệm cũng không thiệt thòi gì mà còn được lợi khi thanh lý hàng quá hạn với giá cao.
Một người từng có thâm niên trong nghề cầm đồ cho biết: thật ra, không khó để nhận biết người đi cầm đồ có phải là “chính chủ” của món đồ được cầm hay không, vì những đối tượng đi cầm “đồ gian” thường không biết rõ về giá trị thực của món hàng. Bên cạnh đó là tâm lý muốn tẩu tán hàng càng sớm càng tốt nên chúng dễ bị chủ tiệm cầm đồ “bắt thóp” để chỉ định giá thật thấp. Biết rõ nhưng vì lợi nhuận nên nhiều chủ tiệm vẫn “giả lơ” để hưởng lợi nhiều hơn (thông thường những đối tượng cầm đồ gian thường không có nhu cầu quay lại chuộc đồ).
Công tác quản lý, kiểm tra các tiệm cầm đồ đã được Công an TP. Tây Ninh triển khai định kỳ, phối hợp với đơn vị nghiệp vụ các cấp tổ chức kiểm tra giấy phép kinh doanh, sổ sách của các cơ sở kinh doanh dịch vụ này. Cụ thể, từ tháng 11.2015 đến tháng 5.2016, Công an TP Tây Ninh phát hiện và xử phạt hành chính 7 trường hợp, phạt tiền 25.750.000 đồng với các lỗi vi phạm hành chính như: cầm cố tài sản không đúng chủ sở hữu mà không có giấy uỷ quyền hợp lệ; không thực hiện các điều kiện an ninh trật tự; kinh doanh không đúng nội dung, địa điểm.
Thực tế cho thấy, hiện nay chế tài xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ hãy còn quá nhẹ. Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP: cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng; hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có sẽ bị phạt từ 5-15 triệu đồng; hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2-5 triệu đồng… Qua đó, có thể thấy mức xử phạt… chưa thấm vào đâu so với lợi nhuận đem lại từ việc kinh doanh sai phạm. Một vấn đề khác đang tồn tại là tuy hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ đều có giấy phép do các cơ quan chức năng cấp- có thể gọi là đầy đủ điều kiện hoạt động nhưng hình thức tính lãi suất, phương thức cầm cố tài sản của họ như thế nào thì gần như không có đơn vị nào quản lý, kiểm soát.
Được biết, trong thời gian tới, Công an TP. Tây Ninh sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên các tiệm cầm đồ trên địa bàn quản lý; đồng thời tăng cường công tác chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ cầm đồ theo hướng minh bạch hơn.
THANH NHI