Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khó quản lý thu thuế đối với kinh doanh qua mạng xã hội
Thứ bảy: 06:00 ngày 02/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, đa phần người bán hàng trên mạng không công khai hoặc bán hàng qua địa chỉ messenger riêng tư, nên ngành Thuế không thể kiểm soát nổi. Hơn nữa, kinh doanh qua mạng xã hội không có hoá đơn, chứng từ, không có địa chỉ và mã số thuế cụ thể. Do đó, cơ quan Thuế rất khó để có thể xác định được đâu là giao dịch có trị giá trên 1 triệu đồng.

Một tài khoản facebook kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, giày dép.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ có tài khoản facebook, zalo kinh doanh nhiều mặt hàng như túi xách, quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng, thực phẩm... băn khoăn, chưa hiểu rõ việc đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế, cũng như quy định về việc xác định thu nhập và các khoản thuế phải nộp như thế nào. Trong khi đó, trên thực tế, việc kiểm soát và quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng.

Vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được hoàn thiện. Hiện các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trên internet như Uber, Grab đã tự giác kê khai; một số người kinh doanh trên facebook cũng đã làm nghĩa vụ thuế.

Trong đề xuất quản lý nguồn thu từ kinh doanh qua mạng/bán hàng online, Bộ Tài chính đưa ra quan điểm, nếu hàng hoá bán qua mạng có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ bị thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ %. Bộ đề xuất không thu thuế đối với hàng hoá có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần, nhưng hàng hoá dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày bị đánh thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân…

Hiện nay, đa phần người bán hàng trên mạng không công khai hoặc bán hàng qua địa chỉ messenger riêng tư, nên ngành Thuế không thể kiểm soát nổi. Hơn nữa, kinh doanh qua mạng xã hội không có hoá đơn, chứng từ, không có địa chỉ và mã số thuế cụ thể. Do đó, cơ quan Thuế rất khó để có thể xác định được đâu là giao dịch có trị giá trên 1 triệu đồng.

Ngày 16.6.2017, Tổng cục Thuế có Công văn số 2623/TCT-CS về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Sau đó, Cục Thuế Tây Ninh triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, các Chi cục Thuế trực thuộc tăng cường công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các trang mạng xã hội, website, facebook, zalo, Instagram.

Theo Cục Thuế tỉnh, hoạt động kinh doanh online thường diễn ra dưới hình thức bán lẻ hàng hoá qua hệ thống cửa hàng trực tuyến, người mua truy cập vào trang chủ mua bán tìm kiếm hàng hoá, sau đó gửi thư điện tử để đặt hàng. Sau khi nhận được thư đặt hàng, bên bán sẽ kiểm tra yêu cầu xác nhận việc mua hàng và thoả thuận phương thức thanh toán, khi yêu cầu thanh toán được chấp nhận, người bán sẽ chuyển hàng cho người mua, việc thanh toán có thể bằng phương thức trả tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.

Về hình thức, kinh doanh qua mạng xã hội không có trụ sở giao dịch, không thực hiện giao dịch trên giấy tờ nên rất khó kiểm soát. Mỗi hình thức kinh doanh qua mạng khác nhau sẽ phát sinh các hành vi trốn thuế khác nhau như: đối với các hình thức bán hàng trực tuyến, trong trường hợp người mua là doanh nghiệp, do tính chất các giao dịch trong TMĐT đều thực hiện qua mạng, ít các bằng chứng để đối chiếu, nên người bán thường kê khai với giá trị thấp để trốn thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân; nếu người mua hàng là cá nhân, người bán thậm chí có thể không xuất hoá đơn, không kê khai hàng hoá xuất bán.

Để xác định doanh nghiệp hay cá nhân có kinh doanh qua mạng, cơ quan Thuế lập ra một đội giám sát, định kỳ rà soát các website, khi phát hiện doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh qua mạng không đăng ký sẽ tiến hành nhắc nhở thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh.

Nếu còn vi phạm, cán bộ Thuế sẽ gửi thông báo tới ngân hàng có liên quan, nếu thông tin về số tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp hay cá nhân thể hiện trên website, cơ quan thuế sẽ xử lý theo quy định; tìm kiếm địa chỉ của đối tượng liên lạc trên tên miền thông qua website kiểm tra tên miền; yêu cầu các ngân hàng cung cấp số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch qua mạng nhằm nhận diện các nhà cung cấp các dịch vụ qua mạng...

Ngoài việc tìm kiếm, thống kê trên các tài liệu có sẵn, ngành Thuế xây dựng một hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang mạng điện tử, cho phép người dùng tìm được tên và địa chỉ URL dựa trên các từ khoá tìm kiếm cụ thể, đường dẫn và thông tin khác trên trang điện tử một cách tự động nhằm nhận diện những người nộp thuế không rõ ràng.

THANH NHI

“… Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế mà không chấp hành việc kê khai, nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan; Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các tổ chức có liên quan (các nhà mạng, cơ quan quản lý khác của nhà nước... ) ngăn chặn các giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng có hành vi cố tình trốn thuế, chây ỳ nộp thuế”.

Trích Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16.6.2017 của Tổng Cục Thuế
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục