Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, dù số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trong năm 2018 có giảm so với năm 2017, nhưng tình hình phá rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vào dịp tết nguyên đán, các đối tượng “lâm tặc” rất manh động và liều lĩnh.
Một cây rừng có kích cỡ lớn bị “lâm tặc” đốn hạ vào ngày 21.12.2018 tại tiểu khu 37.
TRỘM CẮP LÂM SẢN VỚI QUY MÔ LỚN
Bà Trần Thị Ngân Hà- Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, trước đây, các đối tượng phá rừng chỉ đốn trộm 1-2 cây. Tuy nhiên, vừa qua, tại tiểu khu 37 (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu), “lâm tặc” đã triệt hạ đến 19 cây rừng.
Cụ thể, ngày 21.12.2018, BQL rừng tuần tra tuyến biên giới giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia, phát hiện tại các khoảnh 1, 2, 3, 6 và 13 của tiểu khu 37 có 19 cây rừng gồm các loại như dầu, sao, bời lời, đường kính từ 25cm - 85cm bị cưa hạ. Theo nhận định của BQL rừng, có thể số cây rừng trên bị “lâm tặc” đốn hạ và vận chuyển ra khỏi rừng trong khoảng thời gian từ ngày 18.12 đến ngày 21.12.2018.
Trong khi lực lượng chức năng đang điều tra để xử lý, đêm 25.12.2018, “lâm tặc” lại quay lại hiện trường cưa hạ tiếp 1 cây bời lời. Khi đưa gỗ lên xe để vận chuyển ra khỏi rừng, bị lực lượng Bảo vệ rừng phát hiện, các đối tượng “lâm tặc” đã bỏ chạy, để lại hiện trường 1 xe mô tô không biển số, 1 cù tự chế.
Ngày 26.12.2018, BQL rừng phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản kiểm tra hiện trường và đo đếm lại toàn bộ số lâm sản bị “lâm tặc” cưa hạ. Kết quả, có 20 cây rừng các loại đã bị cưa hạ với khối lượng gỗ khoảng hơn 39m3. Trong đó, các đối tượng đã lấy ra khỏi rừng hơn 18,7m3 gỗ, để lại hiện trường khoảng 20,3m3 gỗ.
Bà Hà cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ phá rừng có quy mô lớn, lực lượng Kiểm lâm đã ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Theo bà Hà, cứ đến các dịp trước, trong và sau tết nguyên đán, tình hình phá rừng, trộm cắp lâm sản trái phép tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng có nhiều diễn biến phức tạp, đáng lo ngại. Trong vụ phá rừng ngày 21.12.2018, có thể “lâm tặc” đã dùng cưa máy để cắt hạ cây, sau đó đưa lên cù tự chế để vận chuyển ra đường nhựa (đường biên giới 792) và vận chuyển lên xe tải lớn để chở đi. Tại hiện trường vẫn còn dấu vết xe tải và dấu vết của các đối tượng.
KHÓ QUẢN LÝ
Hiện nay, BQL rừng phòng hộ quản lý khoảng 33 ngàn ha rừng trên địa bàn 5 xã thuộc hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu. Lực lượng Bảo vệ rừng chỉ có 60 người, cùng với khoảng 10 nhân viên Kiểm lâm, việc tuần tra bảo vệ hết diện tích rừng trên thật sự rất khó khăn. Bên cạnh đó, do đặc thù rừng phòng hộ không có mương phân chia ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp để bảo vệ như vườn quốc gia; bên trong rừng phòng hộ còn có rừng trồng, rừng sản xuất của người dân có hợp đồng, nên không thể cấm người dân vào rừng.
Khó khăn nhất là trong rừng phòng hộ đang có dân cư sinh sống. Phía trước rừng là nhà người dân, còn phía sau là rừng bảo vệ. Những người dân sống ở khu vực này chủ yếu sinh sống bằng nghề đi rừng, rất khó kiểm soát và quản lý.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao trong dịp tết nguyên đán, tình trạng trộm cắp lâm sản có dấu hiệu gia tăng? Một lãnh đạo UBND xã ở huyện Tân Châu, nơi có rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho rằng, có thể gần đến tết, các đối tượng “lâm tặc” tranh thủ “phá sơn lâm” để kiếm tiền tiêu. Còn theo một người dân sống trên địa bàn xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, có thể do một số lao động nông nghiệp theo mùa vụ, hết việc làm vào dịp gần tết, tranh thủ đi rừng để kiếm thêm.
Ông Nguyễn Văn Quyết- Chủ tịch UBND xã Suối Ngô cho biết, trên địa bàn xã này, diện tích rừng phòng hộ khoảng 6.500 ha nhưng lực lượng bảo vệ khá mỏng. Mỗi tiểu khu chỉ có 3-5 bảo vệ, không thể nào quản xuể, trong khi có rất nhiều lối mòn đi vào bên trong rừng.
Dù BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng và chính quyền các địa phương đã thống nhất và thông báo cho người dân có hợp đồng trồng rừng trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng về quy định, khi có nhu cầu vận chuyển vật dụng ra vào rừng, phải thông báo cho BQL, nhưng thời gian qua, những người trồng rừng gần như không chấp hành quy định này.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN Ý THỨC BẢO VỆ RỪNG
Hằng năm, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng đều ký kết quy chế phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng với các lực lượng chức năng, chính quyền 5 xã có rừng phòng hộ. Ngoài ra, BQL rừng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Quyết- Chủ tịch UBND xã Suối Ngô cho biết, hằng năm, UBND xã đều phối hợp với BQL rừng tổ chức tuyên truyền về việc bảo vệ rừng cho người dân địa phương, cũng như phối hợp tuần tra, bảo vệ. Nhìn chung 3 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc địa bàn xã Suối Ngô đã giảm bớt.
Theo ông Quyết, để hạn chế tình trạng phá rừng tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của rừng để người dân chung tay cùng chính quyền bảo vệ “lá phổi xanh của cuộc sống”.
THIÊN TÂM
Một đối tượng cho biết, đi rừng chặt mây có thu nhập trung bình khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Thế nhưng khi vị cán bộ này giới thiệu một công việc khác, có thu nhập ổn định hơn nghề đi rừng chặt mây, đối tượng trù trừ, bảo là để từ từ suy nghĩ.
Từ đó cho thấy, vấn đề nâng cao ý thức của người dân sống gần rừng và sinh sống bằng nghề rừng về bảo vệ rừng không phải là điều dễ dàng trong một sớm, một chiều.