Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiên Thuận, Bến Cầu:
Khổ vì quy hoạch di tích
Thứ sáu: 05:58 ngày 04/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 1998, Khu di tích Bến Đình, diện tích 7,5 ha, nằm ở ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Trong khu vực này có hơn 30 hộ dân làm ăn sinh sống, nhiều năm liền khổ sở vì vướng… quy hoạch.

Nhiều nhà dân cất tạm bợ trong Khu di tích Bến Đình. Họ đang chờ xem có được ở lại khu di tích hay phải di dời đến định cư mới.

Chứa nhiều giá trị lịch sử

Khu di tích này nằm sát chân cầu Bến Đình. Năm 2015, chỉ mới khai quật một diện tích nhỏ khoảng 400m2 mà Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ đã tìm thấy tổng cộng gần 20 cọc gỗ với nhiều kích thước lớn, nhỏ khác nhau và hàng ngàn mẩu gốm sứ… Trong đó, có nhiều mảnh cổ vật như vòi của loại bình có kích thước khá to. Trên những mảnh vỡ này có hoa văn rất đẹp. Theo nhận định ban đầu của giới chuyên môn, đây là loại bình có niên đại hàng trăm năm trước.

Một người dân tên Phạm Văn Giai- 52 tuổi, nhà ở sát địa điểm khai quật khu di tích cho chúng tôi xem một lưỡi rìu đá mà ông cất giữ. Lưỡi rìu có chiều dài khoảng 8cm, chiều ngang, nơi lớn nhất khoảng 4cm. Đầu phía trên nhỏ dần, đầu phía dưới rộng ra và sắc bén theo kiểu ghè đẽo chứ không phải đá tự nhiên. Ông Giai cho biết, những năm trước, trong quá trình cày cuốc đất để làm ruộng rẫy phía sau nhà, ông nhặt được 3-4 mảnh đá như thế này.

Ông Phan Văn Ga, 59 tuổi, nhà ở trong khu di tích cũng khoe một lưỡi rìu đá tương tự. Ông Ga kể: hơn 15 năm trước, trong lúc cày đất bón phân cho vườn cao su gần khu di tích, ông nhặt được một vài mảnh đá như thế này. Ông đã cho một số người dân để họ đặt dưới gối nằm, với “niềm tin” là có thể xua đuổi tà ma.

Ở Khu di tích Bến Đình có thể nhận ra nhiều dấu hiệu của một nền văn hoá cổ xưa. Dễ nhận thấy nhất là ngôi miếu bà Chúa Xứ. Miếu nhỏ, xây bằng tường gạch, xung quanh bên trong, bên ngoài được dán gạch men màu trắng. Nóc lợp tôn. Bên trong ngôi miếu thờ tượng bà Chúa Xứ, có đôi hạc nhỏ chầu hai bên và một vài tranh, tượng khác. Trên bàn thờ, nhang đèn, hoa quả, khói hương nghi ngút. Phía trước ngôi miếu có một ngôi nhà tiền chế khá rộng, dùng làm nơi họp mặt cúng kiếng vào ngày lễ, tết hằng năm.

Ông Cái Văn Ni, 66 tuổi, Trưởng Ban quý tế miếu bà Chúa Xứ Bến Đình cho hay, theo lời ông nội của ông tên Cái Văn Kỷ, sinh năm 1900 kể lại, hồi ông Kỷ còn nhỏ đã thấy có ngôi miếu và ngôi đình này. Tuy nhiên, lúc đó, ngôi miếu và ngôi đình đều được cất bằng gỗ và toạ lạc gần bờ sông Vàm Cỏ Đông, tại Bến Đình chứ không phải ở đây. Trong những năm chống Pháp, cả hai công trình này đều bị hư hỏng. Năm 1960, Ban Hội tề của xã quyết định xây dựng lại ngôi đình mới- hiện nay là đình Trung- cách ngôi đình cũ vài trăm mét về phía Nam, đồng thời xây dựng lại ngôi miếu bà Chúa Xứ tại vị trí gò cao này.

Một trong những vật lạ khiến ông Ni quan tâm đến là một tảng đá khá to nằm bên cạnh ngôi miếu. Ông dẫn chúng tôi đến xem tảng đá có hình tam giác, khá to lộ trên mặt đất, bề mặt mòn nhẵn. Ông Ni kể, thấy tảng đá này lạ, có lần ông đào đất lên để xem thử thì thấy nó có bề mặt rộng gần bằng mặt bàn, nhưng giờ chỉ ló lên mặt đất có một góc như thế này thôi.

Thấy mặt đá mòn nhẵn, ông nghĩ có thể đây là hòn đá mà ngày xưa quân lính dùng để mài gươm, giáo. “Tôi lấy dao rựa trong nhà đem ra hòn đá này mài thử. Quả thật mài mau bén y như đá mài dao”- ông Ni nhận xét. Bên trên tảng đá, hiện được Ban quý tế bài trí một bộ bàn ghế bằng đá rửa, dùng làm nơi dừng chân nghỉ mệt cho khách thập phương.

Ông Ni còn chỉ cho chúng tôi xem, cách tảng đá lạ này vài mét là một trụ bê tông xi măng hình núm tròn. Trên bề mặt khối bê tông này có đính một miếng đồng dày, kích thước to cỡ hai bàn tay người lớn. Trên mặt miếng đồng có khắc một số chữ nổi, với nội dung: “SG co. On. Trian N0. 287”. Ông Ni nói: “Trụ bê tông này được lắp đặt từ thời Pháp và đã tồn tại ở đây khoảng 100 năm. Đến nay, người dân ở đây vẫn chưa hiểu những thông tin trên miếng lam đồng có ý nghĩa gì. Bà con chỉ đoán, có thể đây là trụ bê tông đánh dấu một toạ độ gì đó”.

Khổ vì quy hoạch

Hàng chục năm nay, có nhiều hộ dân đang làm ăn sinh sống trong khu di tích và họ đang gặp nhiều khó khăn vì vướng quy hoạch. Gia đình ông Phan Văn Ga là một ví dụ. Ông sinh ra và lớn lên trong Khu di tích Bến Đình. Hiện ông có 1 ha đất trong khu di tích và đến nay không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Trước đây, gia đình ông kiếm sống nhờ vào việc làm dịch vụ vận chuyển cây tầm vông từ Bến Đình về miền Tây và chuyển phân tro, xi măng từ miền Tây lên Bến Đình.

Để thuận tiện cho việc vận chuyển này, năm 2010, ông đầu tư 110 triệu đồng, lắp đặt ở bờ sông một băng tải để thay cho công nhân bốc vác. Nhưng vì đất của ông không có giấy CNQSDĐ nên ông không xin được giấy phép kinh doanh, do vậy bến ghe của ông bị ngưng hoạt động. Cuối cùng, ông Ga đành phải bán lại băng tải cho người khác với giá rẻ chỉ 15 triệu đồng. “Bây giờ, nhắc lại chuyện đó, tôi còn thấy buồn não ruột. Tôi đề nghị, nếu Nhà nước thu hồi đất làm khu di tích thì bồi thường cho dân. Nếu không thì xoá bỏ quy hoạch khu di tích để bà con làm ăn sinh sống”- ông Ga nói.

Tương tự như thế, ông Cái Văn Hải, 57 tuổi, con trai của ông Cái Văn Kỷ than thở, ông bà, cha mẹ, của ông định cư ở đây từ thời Pháp, giờ đến anh em, con cái của ông, nhưng đến nay chưa được cấp giấy CNQSDĐ, vì vướng quy hoạch. Hiện tại, 5 người con của ông đã lớn, cất nhà ra ở riêng, nhưng không được phép cất nhà kiên cố trên mảnh đất của ông bà để lại, đành kéo nhau cất nhà tạm bợ sát vách với gia đình ông.

Hằng ngày, cha con ông chỉ biết kiếm sống bằng cách xuống sông Vàm Cỏ Đông chài lưới bắt cá chứ không biết làm nghề gì khác. Lão ngư dân này bày tỏ: “Tôi muốn biết nếu Nhà nước quy hoạch khu di tích này thì có chính sách hỗ trợ gì không? Nếu không quy hoạch thì cho chúng tôi cất nhà kiên cố để ở cho đàng hoàng”.

Liên quan đến miếu bà Chúa Xứ, ông Cái Văn Ni cũng có nỗi niềm. Ông kể, hằng năm, vào ngày 16.3 âm lịch, có khoảng 50 người dân địa phương và một số khách từ nơi khác đến đây cúng viếng. Thấy ngôi miếu hơi nhỏ, năm ngoái, ông Ni làm đơn xin chính quyền địa phương và ngành chức năng cho nâng cấp, mở rộng, nhưng không được. Ngành chức năng trả lời, ông phải thuê đơn vị chức năng khảo sát xem phía dưới mặt đất của diện tích định xây dựng mở rộng có cổ vật hay không, rồi mới được thi công. “Chúng tôi làm gì có đủ tiền để thuê đơn vị khảo cổ làm việc ấy. Từ đó đến nay, đành chấp nhận cúng kiếng với ngôi miếu nhỏ này chứ biết làm sao bây giờ” - ông Ni chia sẻ.

Ông Phan Văn Hoà- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu cho biết, hiện có khoảng 30 hộ dân làm ăn, sinh sống trên phần diện tích đã được quy hoạch, trong đó, có hai hộ dân đã được cấp giấy CNQSDĐ. Huyện uỷ, UBND huyện đã vận động người dân sống trong khu di tích và vùng lân cận chung tay bảo vệ, tránh trường hợp xâm phạm, phá hoại khu di tích.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỉnh chậm triển khai công tác quy hoạch, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Huyện Bến Cầu đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL xem xét hai phương án. Thứ nhất, quy hoạch gọn lại khu vực 1, với diện tích khoảng 1,5 ha. Phần còn lại giao cho dân để bà con ổn định cuộc sống. Phương án 2, quy hoạch toàn bộ khu di tích, nhưng phải có chính sách đền bù, giải toả để người dân ra khỏi khu di tích.

Ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, năm 1993, Viện Khoa học TP. Hồ Chí Minh và Viện Khảo cổ Hà Nội đến khảo sát và đánh giá Khu di tích Bến Đình có giá trị rất lớn về góc độ lịch sử, kiến trúc. Khu di tích này thuộc niên đại thế kỷ thứ VII, thứ VIII nền văn hoá Óc-eo và hậu nền văn hoá Óc-eo. UBND tỉnh đã có quy hoạch, nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên đến nay chưa thực hiện được. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2020 sẽ tiến hành khai quật. Đây là điều kiện để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Hy vọng hai năm nữa, Khu di tích Bến Đình sẽ được khai quật để biết rõ những giá trị lịch sử còn đang nằm sâu trong lòng đất; và hàng chục hộ dân làm ăn sinh sống ở đây cũng biết được mình có được ở lại đây, hay phải di dời đi nơi khác.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh