BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khoa học công nghệ - góp phần xây dựng nông thôn mới 

Cập nhật ngày: 30/11/2023 - 23:52

BTN - Tây Ninh được đánh giá là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nên số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn so với các lĩnh vực khác

Đề tài Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp silica từ tro trấu.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chú trọng triển khai các nhiệm vụ KH&CN gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao để phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bước đầu đã và đang có những đóng góp nhất định, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và xây dựng NTM nói riêng.

 Giai đoạn 2018-2023, nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 43,5%, giúp người dân tiếp cận các giống cây trồng, vật nuôi, mô hình và kỹ thuật mới phục vụ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp.

Các nhiệm vụ KH&CN sau khi được công nhận kết quả thực hiện đều được chuyển giao cho các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, triển khai ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ trong công tác quản lý ở các cấp, các ngành, từng bước tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo Sở KH&CN, từ năm 2018 đến nay, đơn vị phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã và đang triển khai 26 đề tài, dự án liên quan phục vụ lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện khoảng 57,4 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước chiếm 58,9%, còn lại là vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện) trong đó đã nghiệm thu 18 nhiệm vụ KH&CN. Một số nhiệm vụ KH&CN đã được nghiệm thu mang lại những kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể như đề tài “Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho khu vực Chàng Riệc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam chủ trì thực hiện.

Kết quả đề tài góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết hiện nay về khai thác nước sạch cho người dân tại khu dân cư Chàng Riệc thuộc xã Tân Lập và công tác quản lý, quan trắc về sự thay đổi mực nước, chất lượng nước dưới đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân trong khu vực này.

Thả ong mắt đỏ ra ruộng mía.

Dự án sản xuất thử nghiệm “Nhân nuôi, sản xuất hàng loạt ong mắt đỏ phòng trừ sâu đục thân hại mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” do Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng Mía đường Thành Thành Công chủ trì thực hiện. Từ kết quả dự án, hiện Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng Mía đường Thành Thành Công đã cải tiến quy trình nhân nuôi ngài gạo, ong mắt đỏ thành quy trình sản xuất công nghiệp.

Từ 200 ha thả thử nghiệm, đến nay, diện tích thả hằng năm lên đến 7.000-10.000 ha, khả năng cung cấp lên đến 40.000 ha/năm. Việc sử dụng ong mắt đỏ giúp vùng nguyên liệu trồng mía giảm hơn 20 tấn thuốc trừ sâu thải ra môi trường mỗi năm.

Đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Tây Ninh” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II chủ trì thực hiện đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực.

Từ kết quả nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai ứng dụng thông qua việc thực hiện mô hình “Nuôi thâm canh tôm càng xanh”, “Nuôi bán thâm canh tôm càng xanh kết hợp lúa” tại các xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu; xã Thành Long, huyện Châu Thành; xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu và xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh. Qua theo dõi đánh giá, tôm sinh trưởng phát triển tốt, không xảy ra bệnh tật.

Đề tài “Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì tại tỉnh Tây Ninh” do Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện. Kết quả đề tài đã xây dựng được một quy trình chẩn đoán, giám định tác nhân gây bệnh virus khảm lá khoai mì; một quy trình quản lý tổng hợp bệnh virus khảm lá khoai mì và bọ phấn trắng truyền bệnh; 3 mô hình quản lý tổng hợp bệnh virus khảm lá khoai mì tại 3 huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành; đạt hiệu quả trên 65% so với đối chứng.

Đề tài đã xác định được cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết vấn đề cấp thiết của Tây Ninh về quản lý tổng hợp bệnh virus khảm lá khoai mì và bọ phấn trắng truyền bệnh giúp nông dân trồng mì tại địa phương yên tâm trong quá trình sản xuất.

Sở KH&CN đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là trong Chương trình xây dựng NTM vẫn còn tồn tại những khó khăn. Số lượng đề xuất, đặt hàng về các vấn đề KH&CN phục vụ Chương trình xây dựng NTM còn hạn chế, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm, chú trọng thường xuyên.

Vẫn còn một số nhiệm vụ chưa được triển khai ứng dụng sau khi nghiệm thu do độ trễ trong nghiên cứu khoa học và chưa tính toán được mức độ đóng góp của các kết quả nghiên cứu bằng con số cụ thể.

Mặt khác, nguồn nhân lực hoạt động KH&CN của tỉnh còn thiếu và yếu, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN lĩnh vực nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi, chưa có nhiều dịch vụ, mô hình chuyển giao mang lại hiệu quả rõ nét.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động KH&CN góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Sở KH&CN sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM theo Kế hoạch số 2382/KH-UBND ngày 31.7.2023 của UBND tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; thường xuyên giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, công nghệ tự động hoá, hiện đại, tuần hoàn...

Bên cạnh đó, nâng cao tiềm lực KH&CN tại địa phương; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp và nâng cao năng lực đổi mới và sáng tạo.

Tiếp tục định hướng nghiên cứu, ứng dụng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên nghiên cứu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, thích ứng được với biến đổi khí hậu; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển KH&CN.

Để hoạt động KH&CN có thể đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng NTM nói riêng rất cần có sự quan tâm, phối hợp nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực tham gia các hoạt động nghiên cứu KH&CN tại địa phương nói chung và xây dựng NTM nói riêng, trong đó, ưu tiên nguồn lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trúc Ly