Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khoa học công nghệ Tây Ninh đang dần đi vào cuộc sống
Thứ tư: 17:36 ngày 05/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðoàn công tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường- Quốc hội khoá XIV do ông Phùng Ðức Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm trưởng đoàn vừa có chuyến làm việc với UBND tỉnh vào ngày 30.8.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Sau chuyến đi thực tế tại Công ty cổ phần nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công, Trại Thực nghiệm công nghệ sinh học - Trung tâm thông tin, Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN, doanh nghiệp tư nhân trà Hoàn Ngọc, đoàn đã có đánh giá tốt về những cố gắng của tỉnh trong việc phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật đối với phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), ông Phùng Ðức Tiến đã khẳng định tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN vào cuộc sống. Theo ông Tiến, đẩy mạnh hoạt động KHCN là cần thiết và đổi mới KHCN phải đổi mới từ cơ sở, từ thực tiễn.

Ðoàn đã lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 297 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Lan Hương- Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện nay, các hoạt động phát triển KHCN trên địa bàn được quan tâm, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Ðiển hình như hệ thống chính sách chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển, chưa thu hút nhân tài, chưa phát huy sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu; còn thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật hiện hành với văn bản trong lĩnh vực KHCN.

Một số văn bản pháp luật chưa có quy định đặc thù cho KHCN, chưa thực sự tạo điều kiện để phát triển KHCN, như chính sách thuế đối với hoạt động KHCN của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Qua đó, lãnh đạo Sở KH&CN nhận định hoạt động KHCN chưa phát triển tương xứng với tiềm năng kinh tế xã hội của địa phương. Quá trình đầu tư, đổi mới công nghệ còn chậm nên năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chưa có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phân tích thêm, qua hơn hai năm triển khai Nghị quyết số 297, Tây Ninh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực KHCN; hỗ trợ nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với cán bộ chuyên môn, tạo điều kiện để họ nghiên cứu khoa học.

Tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ cho một số doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện tỉnh có 1 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (doanh nghiệp tư nhân trà Hoàn Ngọc). Dự kiến từ đây đến năm 2020, tỉnh tiếp tục hỗ trợ thêm 2 đến 3 doanh nghiệp.

Ông Ngọc thừa nhận trên địa bàn tỉnh có ít doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, nhưng với những doanh nghiệp có tinh thần mạnh dạn nghiên cứu KHCN, tỉnh sẽ hỗ trợ về cơ chế chính sách ưu đãi, đất đai, giới thiệu sản phẩm… Tỉnh cũng ưu tiên việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký sản phẩm.

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, theo ông Ngọc, dù rất tâm huyết, nhưng Tây Ninh vẫn còn khó khăn. Các ngành như dệt may, chế biến cao su thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tây Ninh vẫn chỉ dừng lại ở việc thu hút những dự án đầu tư nước ngoài.

Tây Ninh đang phát triển theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển các sản phẩm tinh trong lĩnh vực nông nghiệp là các sản phẩm sau đường, sau mía. Nhưng hiện việc hỗ trợ này chỉ đang dừng lại ở cấp độ tỉnh, không nằm trong danh mục ưu tiên nhận hỗ trợ từ cấp trung ương. Theo ông Ngọc, đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngoài chính sách hỗ trợ riêng, Tây Ninh cũng nên được xếp trong nhóm được hỗ trợ theo Nghị định 111 của Chính phủ (ban hành 2015) về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn cũng được đặt ra tại buổi làm việc. Theo lãnh đạo tỉnh, có nhiều chính sách phát triển KHCN mà doanh nghiệp vẫn chưa thể thụ hưởng. Bởi doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðể đổi mới một dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn trong khi ngân hàng hiện nay vẫn còn e ngại vì sợ những rủi ro, nợ xấu.

Hơn thế, đối với việc nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ sản phẩm mũi nhọn, địa phương vẫn chưa có những chỉ đạo mang tầm quốc gia. Vì vậy, địa phương còn gặp lúng túng vì không đủ nguồn lực, kinh phí để đáp ứng nhu cầu; thủ tục cũng còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp nhìn vào đó e ngại nên không tham gia.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 297, các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển, đầu tư KHCN vẫn chưa bảo đảm để phát triển. Chính phủ cần rà soát, tiếp tục chỉ đạo. Ông Phùng Ðức Tiến cũng nhìn nhận thực trạng còn hạn chế trong phát triển KHCN hiện nay- đặc biệt là đối với công nghiệp hỗ trợ. Ông nhấn mạnh, KHCN chính là nền tảng để phát triển, và bày tỏ niềm vui khi thấy “KHCN Tây Ninh đang dần đi vào cuộc sống”.

NGÔ TUYẾT

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục