Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khoai mì từ món ăn dân dã đến đặc sản miền biên
Thứ bảy: 07:07 ngày 12/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ xa xưa, khoai mì đã trở thành món ăn quen thuộc với người nông dân Tây Ninh. Ở nông thôn bây giờ, vẫn thấy những vạt mì được người dân trồng ở khoảnh đất. Ðó là loại mì trồng 3 hay 6 tháng cho thu hoạch, củ có vị thơm bùi, béo khó quên trong ký ức trẻ quê. Ký ức này đã theo nhiều người lớn lên, là vị của một thời khốn khó nhưng dạt dào tình thương.

Ðược mùa. (Ảnh: Dương Ðức Kiên)

Chị Nguyễn Thị Ngọc Muội (ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) nói vui: “Củ mì vừa là ân nhân, vừa là nỗi sợ đối với tuổi thơ của tôi”. Chị Muội vẫn nhớ rõ những món ăn từ khoai mì được bà ngoại chế biến. Chị kể: “Ngày đó nhà tôi nghèo lắm. Lúc nào bên hông nhà, ngoại tôi cũng dành một khoảnh đất để trồng khoai mì lấy củ nấu ăn độn với cơm”.

Và theo chị, hình ảnh nồi cơm độn từng lớp khoai mì vẫn còn là nỗi ám ảnh đối những người trong gia đình. Ðể con cháu đỡ ngán, bớt kêu ca, bà ngoại chị bỏ công chế biến củ mì thành nhiều món ăn, món bánh. Trong số đó phải kể đến món bánh tằm đủ màu sắc.

Củ mì được mài nhuyễn bằng bàn mài tự chế từ tấm tôn đục lỗ. Bà trộn bột mì đem hấp với lá dứa, muốn có thêm màu sắc thì bà dùng các loại màu của rau củ khác. Sau khi bánh chín, bà đem xắt sợi, trộn với dừa tươi nạo sẵn, thêm ít đậu phộng rang hay nước cốt dừa là có ngay món ăn vặt ngon miệng.

Những ngày con cháu ngán cơm độn, bà lại chuyển sang món bánh củ mì luộc hay củ mì chiên. Từng miếng bánh từ bột củ mì được nêm nếm gia vị, mang đi luộc hay chiên chín, chấm cùng chén nước mắm pha chút gia vị chua ngọt - “bắt” đến không ngờ. Những đứa trẻ như chị Muội vừa hít hà vừa thích thú ăn ngon lành. Chị Muội chia sẻ: “Ðến giờ, tôi vẫn không quên hương vị những bữa ăn quê như vậy”.

Gian hàng đặc sản địa phương tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Ðông Nam bộ tổ chức tại Tây Ninh vào cuối tháng 6.2020.

Tại Lộc Ninh, theo chị Muội, những đứa trẻ trong tuổi đến trường thời đó đều quen với món “củ mì quay”. Ðến giờ, ngay góc chợ nhỏ cạnh chân cầu K8 vẫn còn bán món bánh có từ “thời bao cấp”. Một lần tình cờ, tôi được nếm thử vị ngon lạ của món bánh này.

Củ mì nấu chín, trộn cùng dừa nạo được quay 2 đến 3 lần bằng loại máy quay thả cho ra thành từng sợi nhỏ dẻo quánh. Sau đó chan lên ít nước cốt dừa cùng dầu hành, muối đậu. Với những người hảo ngọt, thích vị béo ngậy thì món ăn này thật sự thú vị.

Những người phụ nữ nông thôn, lúc nông nhàn, chỉ với củ mì là có thể sáng tạo ra các loại bánh, thức ăn khác nhau rất phong phú. Dẫu trong đói khổ hay lúc dư dả, những món ăn từ khoai mì đều được biến tấu với hương vị riêng. Trong ký ức nhiều người chắc khó có thể quên những chiếc bánh cay từ bột khoai mì trộn thêm ít mỡ, bột ớt, chút gia vị rồi chiên vàng lên.

Lớp ngoài giòn nhưng trong lại dẻo, bùi, mằn mặn, béo thơm, vừa ăn vừa hít hà vì cay. Hoặc chỉ cần đổi cách nêm gia vị sang đường thì sẽ biến thành món bánh ngọt để dụ trẻ con. Những tô canh khoai mì nấu không hoặc thêm ít thịt bằm (heo, ếch) nghi ngút khói trong ngày mưa, thoang thoảng mùi lá quế cùng mẻ kho cũng rất đưa cơm đấy chứ.

Chị Yến (bên trái) chuyên gói bánh ít khoai mì.

Ngày nay, khoai mì không còn dùng để ăn chống đói nữa nhưng vẫn được nhiều người biến tấu thành nhiều món ăn mới lạ. Ðó là bánh chuối chiên bột mì, bánh nướng bột mì với vị béo bùi khi pha chút đậu xanh, nước cốt dừa đưa hương lan toả.

Trên phố, bạn có thể bắt gặp những xe bánh khoai mì nướng thơm lừng. Khoai mì dùng nấu chè chuối chưng, hay chè viên với nhiều màu sắc hấp dẫn. Khoai mì còn làm nguyên liệu độn để ăn chung với vài món lẩu; hay có quán chọn khoai mì luộc làm món khai vị.

Khoai mì hấp nước cốt dừa mỗi nơi có một vị riêng nhưng đều ngon đến khó tả, khiến thực khách vấn vương. Có những người, thỉnh thoảng đến quán quen nào đấy vì nhớ đĩa khoai mì. Thật khó thể quên cái vị béo, bùi của khoai mì khi đã thấm đậm nước cốt dừa cộng mùi thơm của chút hành lá.

Những món bánh chế biến từ khoai mì cũng được nhiều phụ nữ chọn làm kế mưu sinh. Bà Ðinh Thị Thương (55 tuổi, ấp Long Hoà I, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu) nhiều năm rồi làm nghề bán bánh ít, bánh tằm, ít trần, bánh chuối chiên từ khoai mì. Nguyên liệu từ những củ khoai mì do chính bà trồng sau nhà. Các loại bánh làm từ bột mì của bà Thương không thường xuyên xuất hiện mà phải tuỳ vào vụ mì. Theo bà, củ mì phải thu hoạch đúng lứa thì làm bánh mới ngon.

Ðặc sản khoai mì hấp nước cốt dừa.

Ở ấp Sân Cu, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (65 tuổi) chuyên nghề gói bánh ít từ khoai mì. Mỗi ngày, bà Liên gói bánh với vài chục ký củ mì. Củ mì được bà đặt mối giao hàng từ chợ K13 (huyện Dương Minh Châu) nên không lo hết nguồn.

Bà Liên gói bánh bán ở chợ Long Hoa và tại nhà vào mỗi buổi chiều hoặc làm theo đơn đặt hàng của khách. Trung bình mỗi ngày bà gói vài trăm bánh ít, nhưng cũng có ngày bà gói miệt mài từ 10 giờ sáng cho đến 10 giờ tối mới kịp giao cả ngàn cái bánh cho khách. Vài năm nay, bánh ít khoai mì củagia đình bà Liên đã “vi vu” khắp trong, ngoài tỉnh; có cả những mối đặt hàng để mang sang Ðài Loan, Hàn Quốc... Ðến đâu những chiếc bánh dẻo, thơm cũng được người dùng yêu thích.

Chế biến củ mì quay.

Cuối tháng 6 vừa qua, bánh ít khoai mì của gia đình bà Liên được địa phương chọn trưng bày và phục vụ tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Ðông Nam bộ tổ chức tại Tây Ninh. Chị Nguyễn Thị Kim Yến, 29 tuổi, con gái bà Liên, người trực tiếp gói bánh phục vụ hội nghị chia sẻ: “Bánh ít bột mì do gia đình tôi gói thường được chọn phục vụ cho các lễ hội như Hội yến của đạo Cao Ðài, lễ cúng đình và vừa qua được giới thiệu tại hội nghị về phát triển du lịch.

Ðây là dịp giúp gia đình tôi quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Chúng tôi rất vui khi được góp thêm vào danh sách các món ngon quê hương giới thiệu cho bạn bè khắp nơi thưởng thức”. Theo chị Ðỗ Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN phường Long Thành Bắc: “Khi mang bánh ít bột mì phục vụ tại hội nghị, gian hàng của địa phương được rất nhiều người chú ý. Hơn 700 cái bánh được phục vụ gần hết. Nhiều đại biểu ngoài tỉnh đã rất bất ngờ và cảm thấy thích thú khi lần đầu tiên được thưởng thức món bánh ngon này”.

Có thể nói, những món ăn được chế biến từ khoai mì, một loại nông sản quen thuộc của miền đất biên giới Tây Nam đã góp phần đa dạng hoá nền ẩm thực dân dã của quê hương.

VI XUÂN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục