Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khoảng 90% diện tích mì trong tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá
Thứ ba: 09:02 ngày 30/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tây Ninh, tính đến ngày 22.5.2020, trên địa bàn tỉnh đã xuống giống 51.497 ha cây khoai mì, trong đó vụ Mùa 2019 là 7.329 ha, vụ Đông Xuân 2019–2020 xuống giống 42.427 ha; riêng vụ Hè Thu 2020 đã xuống giống được 1.741 ha, nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đang tiếp tục xuống giống mì.

Tính đến ngày 17.5.2020, diện tích cây mì nhiễm bệnh khảm lá hiện còn trên đồng là 44.651,4 ha. Trong đó vụ Mùa 2019 lũy kế diện tích nhiễm bệnh 6.788 ha, chiếm 92,6% diện tích xuống giống. Đã thu hoạch 709 ha với năng suất bình quân 30 tấn/ha, diện tích nhiễm bệnh còn lại trên đồng là 5.919 ha.

Người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh khảm lá trên cây mì

Vụ Đông Xuân 2019 – 2020 có 38.429,9 ha nhiễm bệnh, chiếm 90,6% diện tích xuống giống; tăng 18,3% (+5.910,1 ha) so cùng kỳ năm trước. Trong đó diễn tích nhiễm nhẹ là 30.409,9 ha, chiếm 79% diễn tích nhiêm; tăng 31,6% (+7.262,8 ha); diện tích nhiễm trung bình là 7.839 ha, chiếm 20,4% diện tích nhiễm; tăng 44% (+2.394 ha) và diện tích nhiễm nặng là 181 ha, chiếm 0,5% diện tích nhiễm, giảm 95,4% (-3.746,7 ha).

Do ảnh hưởng các cơn mưa trái mùa giữa tháng 4.2020, đã có 150 ha mì trồng trên đất ruộng (cơ cấu 1 vụ mì + 1vụ  lúa/ năm) ở giai đoạn 4 – 5 tháng tuổi bị ngập úng cục bộ. Hiện nay diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là 388.279,9 ha

Riêng vụ Hè Thu 2020 hiện có 292,5 ha nhiễm bệnh, chiếm 16,8% diện tích xuống giống, phân bố tại huyện Tân Châu.

Để phòng, chống dịch bệnh khảm lá cây mì có hiệu quả, thời gian qua, Chi cục đã hướng dẫn nông dân quy trình canh tác, quy trình sản xuất và tự sản xuất giống mì sạch bệnh khảm lá.

 

Người dân tiêu hủy cây mì bị bệnh khảm lá.

Các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nội dung tăng cường thông tin để người sản xuất thay đổi nhận thức về bệnh khảm lá, tăng tỷ lệ sử dụng giống sạch bệnh, từng bước loại bỏ giống HLS-11.

Triển khai một số khu vực xuống giống tập trung, sử dụng nguồn giống sạch bệnh và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu vụ, cũng như triển khai quy trình canh tác mì, quy trình sản xuất giống mì sạch bệnh khảm lá và quy trình tự sản xuất giống mì sạch bệnh khảm lá để người dân áp dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động người dân sử dụng cây giống sạch bệnh để trồng, giảm sử dụng giống nhiễm bệnh nặng HLS-11. Qua đó các huyện đã vận động người sản xuất sử dụng nguồn giống sạch bệnh trồng trên diện tích lớn, kết quả đã có khoảng 3.906 ha áp dụng.

Cụ thể, vụ Đông Xuân 2019 – 2020 với diện tích 3.906 ha, gồm các giống KM 140, KM 505, KM 419; vụ Hè Thu 2020 với diện tích 74 ha, trong đó tại huyện Châu Thành là 54 ha trồng giống KM 94 và KM 505 sạch bệnh (giai đoạn 10 – 15 ngày, chưa xuất hiện bệnh) và thị xã Trảng Bàng với diện tích 20 ha, giống KM 140 sạch bệnh (giai đoạn 30 ngày, chưa xuất hiện bệnh).

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, vụ Đông Xuân 2019 – 2020 có mức độ biểu hiện bệnh chủ yếu nhẹ; diện tích nhiễm nặng chỉ chiếm 0,5% diện tích nhiễm và đã giảm mạnh 95,4% so với vụ Đông Xuân 2018 – 2019.

Nguyên nhân nhờ áp dụng nhiều giải pháp như: một số vùng/khu vực triển khai xuống giống tập trung với nguồn giống sạch bệnh; hạn chế trồng giống nhiễm bệnh nặng (HLS-11); chăm sóc tưới nưới đầy đủ trong điều kiện thời tiết khô hạn giúp cây sinh trưởng phát triển tốt ít thiệt năng suất cuối vụ; luân canh (vụ lúa – vụ mì/ rau màu), chuyển đổi cây trồng khác để cắt, giảm nguồn bệnh khảm lá.

Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo người dân sử dụng nguồn giống mì sạch bệnh để xuống giống (ảnh một điểm bán giống cây mì đại trà trên đường 781, huyện Dương Minh Châu).

Tuy nhiên, bệnh khảm lá tiếp tục gây hại trên diện rộng tại tất cả các vùng trồng mì trên địa bàn tỉnh, chiếm trên 90% diện tích trồng. Nguyên nhân cây mì là loại cây trồng chủ lực, do dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có nguồn tiêu thụ ổn định, sản xuất có lãi so với một số loại cây trồng khác. Mùa vụ sản xuất liên tục tạo thuận lợi cho tiêu thụ nhưng là nguyên nhân chính làm lây nhiễm chéo dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất toàn tỉnh lớn (50.000 ha/năm) nên chưa có đủ nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho sản xuất đại trà và hiện chưa có giống mì chống chịu (kháng) với bệnh khảm lá cung cấp cho sản xuất, các loại giống phổ biến hiện nay đã nhiễm bệnh.

Đồng thời công tác kiểm soát bệnh khảm lá còn gặp nhiều khó khăn do chưa kiểm soát được bọ phấn trắng trong thời gian từ lúc trồng đến 25 ngày sau khi trồng; do mầm mì mọc không tập trung nên khó xác định thời điểm phun phù hợp (phun sớm mầm mì chưa mọc sẽ không tiếp xúc được thuốc, phun trễ thì mầm mọc sớm sẽ bị bọ phấn tấn công trước khi phun thuốc); chi phí phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng để kiểm soát bệnh khảm lá rất cao.

Thời gian 5 tháng sau khi trồng khó kiểm soát bệnh khảm lá hiệu quả do chưa có thiết bị cơ giới phun phù hợp, cây cao, tán rậm, ấu trùng bọ phấn trắng sinh sống và gây hại ở mặt dưới của các lá bên dưới.

Về giải pháp phòng, chống bệnh khảm lá vụ Hè Thu 2020, Chi cục tiếp tục thông tin tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp như xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực sản xuất; sử dụng nguồn giống sạch bệnh, giống ít nhiễm bệnh để làm giống; phun thuốc trừ bọ phấn giai đoạn mọc mầm đến 3 tháng để hạn chế bệnh hại; tiêu hủy cây mì bị bệnh và tàn dư sau thu hoạch, không sử dụng cây trên ruộng bệnh để làm giống. Trong thực tế người dân chủ yếu thực hiện cày vùi vào đất, phơi ải 1 – 3 tháng, sau đó làm đất để trồng lại vụ mới.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin liên quan