Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kết nối du lịch địa phương vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh:
Khoảng cách còn xa
Thứ hai: 20:45 ngày 09/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thời gian qua, nhiều địa phương chưa biết phải kết nối như thế nào, kết nối từ đâu và ai sẽ là đầu mối kết nối tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Các huyện, thành phố chỉ mới tập trung phát huy các giá trị của di tích lịch sử mà địa phương đang quản lý.

Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ của UBND tỉnh tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đã yêu cầu lãnh đạo địa phương các huyện, thành phố phải xây dựng nét đẹp văn hoá trong phát triển du lịch; đồng thời đánh giá tiềm năng phát triển du lịch, xác định lại những điểm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo của địa phương nhằm “kết nối” vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

 

Thời gian qua, nhiều địa phương chưa biết phải kết nối như thế nào, kết nối từ đâu và ai sẽ là đầu mối kết nối tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Các huyện, thành phố chỉ mới tập trung phát huy các giá trị của di tích lịch sử mà địa phương đang quản lý.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Gò Dầu- cơ quan tham mưu cho UBND huyện về phát triển du lịch ở địa phương cho biết, từ nhiều năm nay, Phòng chỉ thực hiện duy nhất một nhiệm vụ là thống kê, báo cáo về sở các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện.

Việc xúc tiến du lịch ở địa phương còn rất lúng túng. Huyện cũng có dự kiến kết nối một số điểm du lịch có tiềm năng của huyện với các tour, tuyến lữ hành của tỉnh nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và phải làm như thế nào.

Ngoài ra, theo ông Minh, hằng năm, khi đánh giá kết quả hoạt động và tiêu chí thi đua trên lĩnh vực du lịch, Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thành phố thường gặp nhiều khó khăn, vì lĩnh vực du lịch ở các địa phương chưa được cụ thể hoá.

Do đó, việc kết nối du lịch của các huyện, thành phố với việc phát triển du lịch chung của tỉnh vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Thịnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện nay, Trung tâm đang tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt chương trình xúc tiến du lịch năm 2018. Theo đó, trong chương trình chưa có nội dung kết nối. Vì vậy, các huyện, thành phố  đã và đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và định hướng phát triển du lịch ở cấp huyện”.

Tây Ninh là một tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên, ngoài chủ trương kêu gọi đầu tư trọng điểm của tỉnh, các địa phương cũng nên chủ động làm du lịch cho mình, trong đó, việc kết nối du lịch địa phương vào quy hoạch chung của tỉnh là cần thiết.

Trước hết, có thể bắt đầu từ việc kết nối di sản văn hoá- những địa điểm là di tích lịch sử văn hoá của mỗi huyện, thành phố có tiềm năng thu hút du khách. Làm sao để mỗi di tích lịch sử - văn hoá trở thành một sản phẩm du lịch. Hiện việc phát triển du lịch ở địa phương đang trong quá trình “thai nghén”. Nói cách khác, chỉ là mới khởi động và cũng chưa biết thời gian khởi động là bao lâu.

 Theo số liệu mới nhất của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 88 di tích lịch sử văn hoá. Trong đó có các di tích cấp quốc gia như Trung ương Cục miền Nam, di tích lịch sử - văn hoá núi Bà Ðen... Ở các huyện, thành phố cũng đều có điểm di tích thu hút du khách nếu được đầu tư đúng mức.

Như, huyện Trảng Bàng có tháp cổ Bình Thạnh, di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Bời Lời; huyện Gò Dầu có di tích khảo cổ học gò Dinh Ông, lăng mộ Ðại thần Huỳnh Công Thắng; huyện Bến Cầu có Thành Bảo Long Giang, Căn cứ Ðịa đạo Lợi Thuận, chùa Bửu Long, di tích khảo cổ Bến Ðình; huyện Châu Thành có di tích khảo cổ gò Cổ Lâm; huyện Tân Biên có lăng mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, tháp Chót Mạt, di tích lịch sử Tua Hai, huyện Tân Châu có di tích lịch sử địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City,

Căn cứ Xử uỷ Nam bộ (X40 Ðồng Rùm); huyện Dương Minh Châu có di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; huyện Hoà Thành có căn cứ Huyện uỷ Toà Thánh (Năm Trại), đình Long Thành; thành phố Tây Ninh có Thiên Hậu miếu, đình Thái Bình, chùa Phước Lâm..v.v.

Tất cả các địa điểm di tích lịch sử văn hoá nêu trên có thể trở thành các “địa chỉ đỏ” của du lịch Tây Ninh nếu được sự quan tâm của các ngành, các cấp- nhất là cơ quan chức năng quản lý và xúc tiến du lịch.

Vừa qua, UBND tỉnh đã công bố “Ðồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm văn hoá - lễ hội - tâm linh núi Bà Ðen”. Ðây là chủ trương phát triển du lịch ở tầm vi mô của tỉnh. Thiết nghĩ, các địa phương cần sớm có kế hoạch để phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, kết nối các “địa chỉ đỏ” này làm những điểm du lịch vào quy hoạch chung của tỉnh.

 V.H.M

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục