BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuỳ bút

Khoảng sân nhà nội 

Cập nhật ngày: 07/04/2019 - 23:49

BTN - Bà nội tôi đã đi xa từ lâu lắm rồi! Hai cây vú sữa cũng đã thành tro than từ thuở nào. Sân nhà nội giờ đã được lót gạch tàu, nhưng nhỏ hẹp hơn trước nhiều. Trẻ em trong xóm bây giờ nhiều hơn hồi đó nhưng không thấy đứa nào đến vui chơi trên sân nhà nội nữa.

Nhà nội ở giữa như một cái nhân bánh lớn. Ba bên là nhà tôi và nhà các cô, chú. Trước nhà nội là khoảng sân khá rộng. Tuy là sân đất, nhưng được nện kỹ, rất dẽ dặt. Vào mùa mưa, kể cả những khi mưa dầm, sân cũng không bị đọng nước. Mùa nắng, sân không bao giờ nổi cát.

Ở hai đầu sân là hai cây vú sữa cao to, toả bóng mát. Ðây là nơi lý tưởng cho anh chị em tôi cùng với bạn bè hàng xóm chơi đùa. Những buổi không đi học hay những đêm trăng sáng, chúng tôi kéo nhau đến sân bày đủ thứ trò chơi.

Bà nội tôi thường ngồi trong nhà nhìn lũ cháu vui chơi mà không bao giờ rầy la. Nội chỉ can thiệp, nhắc nhở là làm “trọng tài” khi thấy có sự cãi vã, tranh chấp hơn thua giữa mấy đứa trẻ. Chẳng những thế, nội còn chỉ cho chúng tôi một số trò chơi mà thuở nhỏ bà đã từng vui đùa.

 

Trên khoảng sân đầy yêu thương ấy, chúng tôi đã bày ra biết bao nhiêu trò chơi, mà ngày nay ít thấy, hoặc không còn thấy trẻ em vui chơi nữa. Trong các trò chơi hồi đó, tôi thích nhất là bắn đạn “ăn ủi”. Bắn đạn, cũng là hình thức bắn bi, nhưng khác hoàn toàn với bắn bi chai (hồi đó chúng tôi gọi bắn bi chai là bắn cu li).

Viên bi (chúng tôi gọi là cục đạn) dùng để bắn đạn được tiện bằng sừng trâu, hoặc gỗ tốt như gõ, trắc và to hơn nhiều so với viên bi chai. Ðể anh em tôi vui chơi, ba tôi tiện cho anh tôi một cục đạn bằng sừng trâu tròn vo, to bằng ngón chân cái, còn tôi một cục bằng cây gõ cũng tròn vo và to hơn cục đạn sừng của anh một chút. Những buổi trưa, đám trẻ trong xóm tập trung lại sân nhà nội bắn đạn.

Trước khi chơi, chúng tôi khoét 3 cái lỗ tròn thẳng hàng theo chiều dài sân. Các lỗ cách đều nhau khoảng 5-6 thước. Khi chơi phải có ít nhất hai đứa, nhiều thì ba, bốn đứa. Bắt đầu vào cuộc, những người chơi đứng ở một lỗ bìa (gọi lỗ nhất) bắn cục đạn (có thể bắn bật bằng ngón tay, hay bụm hai tay mà thảy) vào lỗ giữa, gọi là thi. Ai thi lọt vào lỗ giữa, hoặc gần lỗ giữa nhất được quyền đi trước.

Người đi nhất “ru” đạn (đưa đạn lọt vào lỗ) vào lỗ giữa. Ðạn lọt lỗ gọi là nhúng (hoặc chấm) tư. Nhúng tư xong, người chơi bắn cục đạn về lỗ thứ 3, gọi là về năm. Nếu người nào “ru” giỏi, đứng từ lỗ giữa mà đưa đạn lọt xuống lỗ năm (nhúng năm) thì tiếp tục ngược về sáu (trở lại lỗ giữa).

Nếu người nhất không ru lọt lỗ năm, thì theo thứ tự đến người thứ hai ru vào lỗ tư. Nhúng tư thì người thứ hai cũng về năm như người thứ nhất. Nếu người thứ hai về năm mà bắn trúng đạn người thứ nhất, thì người thứ hai có quyền đi trước và ru vào lỗ năm trước. Nhúng năm thì về lỗ sáu (lỗ giữa). Nếu người thứ hai không ru lọt lỗ năm, thì đến lượt người thứ ba ru vào lỗ tư, như hai người trước...

Cách chơi như vậy, nhúng lỗ sáu xong thì về lỗ bảy (lỗ bìa chỗ đứng thi, khi mới vào cuộc). Nhúng bảy xong, người chơi về  tám (lỗ giữa). Nhúng lỗ tám rồi thì ru về lỗ chín (lỗ thứ ba). Nhúng chín xong thì về mười (lỗ giữa). Ai nhúng mười trước, thì đứng từ lỗ mười mà bắn đạn mình vào đạn những người khác.

Ðạn người nào bị đạn người nhúng mười bắn trúng là người đó “chết” (kết thúc hiệp chơi). Người thắng cuộc lấy cục đạn của người thua cuộc đặt gần miệng lỗ, rồi dùng đạn của mình bắn mạnh vào đạn người thua cuộc cho văng đi càng xa, càng tốt. Người thua cuộc dùng nắm tay “ủi” cục đạn (không được bật, hoặc thảy như khi bắn đạn- nên gọi chơi “ăn ủi”) về phía lỗ, cho đến khi nào đạn lọt lỗ mới xong một hiệp chơi. Nếu thích thì bày hiệp khác...

Trong khi bọn con trai chúng tôi chơi bắn đạn, đám con gái lại chơi trò nhảy dây, hoặc đánh đũa dưới bóng cây vú sữa. Nhảy dây, đánh đũa chán, tụi con gái lại chuyển qua bắn thun khoanh. Cách chơi bắn thun khoanh cũng có ít nhất từ hai người trở lên và có ăn thua rõ ràng bằng những sợi thun.

Ðầu tiên, người chơi vạch xuống đất hai đường thẳng song song, cách nhau chừng một thước rưỡi, đến hai thước, gọi là mức. Những người tham gia chơi đều phải thi bằng cách đứng hàng ngang dưới mức một rồi thảy 1 sợi thun đến mức hai. Ai cán mức, hoặc gần mức nhất được đi trước và theo thứ tự ai gần kế thì đi thứ hai, thứ ba...

Tuỳ theo giao ước, sau khi thi xong, những người chơi đưa số lượng những sợi thun tập trung cho người chơi trước (có cả thun của người đi trước). Người đi trước rải những sợi thun giữa hai mức. Người đi sau có quyền lựa một sợi thun nào cho là khó “bắn” nhất chỉ cho người đi trước.

Người đi trước lấy sợi thun mạnh nhất trên tay để bắn. Cách bắn là người chơi chằng sợi thun vào ngón cái và ngón trỏ trái, rồi chống hai ngón tay xuống đất, giữa sợi thun mà người đi sau vừa chỉ. Sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ tay mặt kéo dãn sợi thun trên tay ra mà bắn sợi thun dưới đất.

Nếu sợi thun nằm dưới đất văng lên khỏi mức trên thì người bắn thắng cuộc, gom hết những sợi thun dưới đất. Còn nếu bắn trật, hoặc sợi thun cũng trúng nhưng không văng lên khỏi mức thì người đi trước tạm dừng để đến lượt người thứ hai bắn..

Thích nhất là những đêm trăng sáng tỏ, khoảng sân nhà nội rất đông vui. Trẻ em cả xóm kéo đến vui chơi, chúng tôi chia ra mấy nhóm. Nhóm chơi đá lon, nhóm chơi tạt lon, nhóm chơi trò “kêu số ăn cõng”. Ðá lon, tạt lon có lẽ nhiều người biết, còn “kêu số ăn cõng” ít người biết. Trò chơi này được chia thành hai đội. Mỗi đội có vài đứa và được cho số từ 1 đến 2, 3...

Hai đội đứng cách nhau khoảng 10 mét. Ở giữa vẽ một vòng tròn. Trong vòng tròn đặt một vật dụng (có thể là cành cây, chiếc dép, cái lon) gọi là “đồ”. Trò chơi cũng cần có một trọng tài. Trọng tài ngồi gần đó để kêu số. Vào cuộc chơi, trọng tài gọi số nào thì thành viên của hai đội có số đó nhanh chân chạy vào giữa sân giựt đồ.

Người nào giựt được đồ và chạy trở lại phía mình mà không bị đối phương đánh trúng thì thắng cuộc. Ðội thua cuộc phải sang bên đội thắng cuộc cõng người thắng cuộc về phía sân mình. Trò chơi đòi hỏi người chơi nhanh nhẹn và có sức khoẻ để cõng người khác khi thua cuộc....

Bà nội tôi đã đi xa từ lâu lắm rồi! Hai cây vú sữa cũng đã thành tro than từ thuở nào. Sân nhà nội giờ đã được lót gạch tàu, nhưng nhỏ hẹp hơn trước nhiều. Trẻ em trong xóm bây giờ nhiều hơn hồi đó nhưng không thấy đứa nào đến vui chơi trên sân nhà nội nữa. Những đêm trăng sáng hoàn toàn vắng bóng trẻ em chơi đùa trước sân nhà, vì thế những trò chơi tuổi thơ mà tôi từng yêu thích cũng dần mai một đi.

T.L