Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bao nhiêu năm tháng đã lướt qua mấy món đồ cổ lỗ ấy. Chả hiểu sao chúng vẫn còn vững chãi, vẫn ánh lên vẻ đẹp thời gian trên những ống tre lên nước màu mận chín.
Tổng biên tập cử tôi đến hội trường Tỉnh uỷ để đưa tin về một cuộc họp quan trọng, nghe nói có cán bộ Trung ương về chủ trì. Đang bước dọc hành lang, đã nghe ông chánh văn phòng oang oang qua loa phóng thanh: Kính mời đồng chí Đinh Công Cường- Vụ trưởng Vụ X lên truyền đạt nội dung nghị quyết.
Hội trường chật ních người. Lách từ hàng cuối lên hàng ghế đầu, tôi đứng lom khom mở máy ảnh tác nghiệp. Từ trên bục giảng, nhận ra tôi, Cường kín đáo nháy mắt. Tôi khẽ bật ngón tay cái thay lời chào. Dễ đến mươi năm rồi, chúng tôi không gặp nhau.
Chỉ loáng thoáng nghe tin, từ Bộ Quốc phòng, Cường đã chuyển ra ngoài Dân Chính. Con đường quan chức của nó thăng tiến vù vù. Thời gian gần đây, tháng ít nhất vài lần, Cường xuất hiện trên màn hình ti vi, khi tháp tùng mấy cụ cỡ bự, khi trong vai trò khách mời quan trọng của những hội nghị vô cùng quan trọng.
Hai chúng tôi xa nhau từ đận nó lặn mất tăm trong chiến trường B sáu, bảy năm trời. Cộng với ngần ấy năm trước đấy nó theo học chuyên ngành đặc biệt gì đó bên Liên Xô, nghe đồn chỉ con cháu các cụ lão thành cách mạng mới được tuyển.
Bây giờ nó cũng như tôi, cưng cứng tuổi rồi. Tóc tôi sợi trắng lẫn sợi hoa râm. Tóc nó vẫn đen nhanh nhánh. Nếu kể từ lúc mỗi thằng mỗi ngả vào đời thì, đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội gần nhau đến mức này. Thời học sinh, nó còm nhom, cao hơn chúng tôi nửa cái đầu. Bây giờ đường bệ, sang trọng trong bộ đồ vét tông sáng màu.
Thân hình mập ra, đương nhiên cái bụng cũng to ra, vậy mà gương mặt nó vẫn nguyên vẹn đầy góc cạnh, vẫn linh lợi điển trai như thuở cùng tôi trọ học trên thị xã gần trọn mấy năm cấp ba. Riêng mái tóc loăn xoăn rủ gần kín vầng trán phẳng phiu, rộng rãi và hai dẻ xương quai hàm vững chãi đưa cái cằm vuông chành chạnh như được đẽo bằng mấy nhát rìu, cứng cỏi nhô ra phía trước, đặc điểm truyền đời bất di bất dịch của đại tộc Đinh Công làng tôi, ở nó, càng lớn tuổi càng rõ nét.
Định bụng sẽ gặp nhau sau khi bế mạc hội nghị, mãn họp buổi sáng, tôi chọn cách đi lẫn vào giữa đám đông. Nó vẫn tìm ra, sấn tới vỗ vai cái bộp: Mày chuyển về tỉnh này hồi nào? Sao không cho tao biết. Tôi ý tứ ấp úng: Dạ… dạ… Nó hất cằm, ghé sát bộ râu lún phún cứng như đầu hạt thóc chọc vào vành tai tôi đau điếng, nói nhỏ: Dạ, dạ cái con khẹc.
Khách sáo như vầy, coi kỳ lắm ông tướng ạ. Tôi nhướng mắt về phía mấy vị yếu nhân hàng tỉnh gần đấy. Hiểu ý, nó xoay người nắm chặt cánh tay tôi dặn đi, dặn lại: Tối nay đến nhà khách tỉnh nhé. Chỉ chúng mình thôi. Có chuyện muốn nhờ mày đấy. Nghĩ bụng, tao cũng đang muốn hỏi mày một chuyện, chuyện này phải biết thực hư, không thì…
Chao ôi! Cái thằng này, làm quan lớn rồi tính nết vẫn chẳng hề thay đổi. Chả biết cái tật mê gái và bị gái mê, bây giờ có giảm chút nào không? Chứ như ngày ấy, mười đứa con gái cùng trường, dám chắc tám chín em chẳng giấu nổi bối rối mỗi lần nó vui vẻ bắt tay thân mật.
Hồi ấy, nhiều thằng bạn học ghen tuông đã phịa ra cái chuyện thằng Cường có đôi bàn tay ma quái. Hễ đụng vào kẻ nào thì kẻ đó bị mất ý thức, xây xẩm mặt mày như là bị chích điện. Huống hồ mấy em thịt da non bấy, nó chạm vào thì hồn vía lên mây, tâm thần không mẩn mẩn mê mê mới lạ.
Tôi trọ học cùng nó ba năm. Từng bị nó đùa dai thọc tay cù lét, có bị điện giật tê tê gì đâu. Bố láo tất. Thời học phổ thông, nó là đối tượng hàng đầu, là gói mì chính cánh trong mắt bọn con gái, cũng dễ hiểu thôi. Vừa học giỏi, vừa điển trai tuấn tú, lại vừa là quý tử con ông cán bộ trung ương, em nào chẳng ham.
Câu được con cá bự này, trượt xuất du học Đông Âu, thì cũng chắc như bắp hộ khẩu Hà Nội, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Mà có vẻ như thằng này cũng có chút bí ẩn thì phải. Từ hồi học cấp hai tôi đã hơi ngạc nhiên khi nghe nó thì thào: Hình như cái mũi tao được cấu tạo toàn bằng nơ ron thần kinh của loài ếch xanh châu Úc mày ạ.
Cái loài bé tí bằng ngón chân cái ấy, chúng cách xa nhau hàng cây số, con đực vẫn nhận ra mùi con cái thế mới thần kỳ. Còn tao, trong vòng bán kính mấy chục mét, mũi tao vẫn phân biệt được cái mùi dậy thì thơm ngất thơm ngây luôn toả ra từ làn da mát rượi của bọn con gái căng mọng như quả táo chúng mình vẫn xem trên phim ảnh Liên Xô ấy. Mỗi đứa nồng nàn mỗi cách. Mỗi đứa ngòn ngọt một vị riêng. Tao chẳng biết chúng mày có khả năng ấy không? Nói thật, nếu không ngán bị đánh đòn thì khối lần tao đã…
Ấp úng đến đó, nó đỏ tía mặt mày, vặn vẹo hai bàn tay kiểu như người xấu hổ vì biết mình đang mang một căn bệnh gì xấu xa ghê sợ lắm. Ơn trời, hai mông đít nó còn biết sợ hãi chiếc roi mây trong tay ông bố nó. Leo lên đến cương vị hôm nay, sự nghiêm khắc dạy dỗ của gia đình nó góp phần không nhỏ.
Thời ấy, tình bạn của chúng tôi mộc mạc chân tình, chẳng giấu nhau chuyện gì. Đến tấm áo, manh quần cũng hồn nhiên chung chạ. Nó bảo tôi: Mỗi đứa nhõn hai bộ đồ, mặc đổi nhau thành bốn bộ, có phải chúng mình cùng ra dáng công tử nhà giàu con ông lớn không.
Tôi chọc nó: Thì mày đúng là con ông lớn trên Thủ đô đấy thôi. Nó nhe răng cười: Bố tao làm lớn thật, nhưng khác người lắm mày ơi. Rồi bụm miệng nhại giọng ông bố: Đang thời cả nước thắt lưng buộc bụng vì miền Nam ruột thịt, lớn tồng ngồng còn được ngồi trên ghế nhà trường là ưu tiên lắm rồi. Phải biết rằng nơi chiến trường bao nhiêu chiến sĩ bằng tuổi mày đang xả thân vì nước, họ có đòi hỏi gì đâu. Thế là tao chẳng dám hó hé xin xỏ gì.
Những năm tháng đang thời triệt để bao cấp ấy, cái gì cũng hiếm, cái gì cũng phân phối theo bìa A, B, C, E… Cô tôi là cán bộ cấp tỉnh, được mua hai mét vài Pô pơ lin hiệu Song Hạc nổi tiếng của Trung Quốc trắng mịn như bột mì. Cô thưởng cho tôi vì thành tích học tập xuất sắc cuối năm lớp chín.
Đầu năm lớp mười, buổi đầu tiên đến nhà trọ, tôi mở túi đồ, nó đã nhặt đúng chiếc áo tôi chưa kịp xỏ tay ấy, vô tư khoác luôn vào người rồi khịt khịt mũi cười nhăn nhở: Mày thông cảm, xa em Liên ba tháng hè rồi, tối nay gặp nó, cho tao lấy le một chút. Hôm sau nó ngẩn mặt bảo: Cả trường chỉ có một cái áo đặc biệt này, mày diện vào, em Liên lật tẩy tao, xấu hổ chết.
Thôi cất kỹ, đừng thằng nào mặc nhé. Tất nhiên tôi đồng ý liền. Nhờ vậy, đến ngày cưới vợ, chiếc áo ấy vẫn còn mới tinh, tôi lôi ra chưng diện. Đêm tân hôn, vợ tôi hít hà mãi, lặng thinh mãi, rồi thì thầm nghi hoặc: Áo anh có mùi gì khó tả lắm. Son phấn con gái thì không phải, cảm giác gây gây mùi con trai là lạ, không phải mùi của anh. Tôi chẳng dám tiết lộ nửa lời. Chỉ nằm thin thít nhớ thằng Cường đang chiến đấu trong chiến trường B đã mấy năm rồi. Sống chết chả biết thế nào.
Sự kiện ông bố thằng Cường đột ngột chạy xe U-oát đến gặp ban giám hiệu nhà trường xin rút học bạ của nó giữa lúc chỉ còn hai tháng nữa đến kỳ thi tốt nghiệp cấp ba, ai cũng ngạc nhiên nghĩ có cái gì bí ẩn.
Đến thầy giáo chủ nhiệm cũng chẳng biết mô tê cớ sự. Thầy trấn an chúng tôi: - Cường là con cán bộ cấp Trung ương, em ấy chuyển lên Hà Nội nội học, thầy nghĩ đấy là khoá học đặc biệt gì đấy. Sáng hôm sau, chú tài xế chở thằng Cường đến trường chào từ biệt thầy cô, bạn bè. Nó chỉ cười cười, không lời giải thích.
Mấy đứa con gái không giấu đôi mắt đỏ hoe. Tôi lén nhìn con Liên thấy nó thẫn thờ đứng trong cửa lớp, tay vê vê gấu áo. Phải chờ đến khi thằng Cường ở nước ngoài về, đi tiếp chiến trường B mấy năm nữa, nước nhà thống nhất rồi, nó về quê cưới vợ, tôi mới biết nguyên do.
Thực ra chuyện ấy chẳng có gì to tát. Cũng chỉ tại cái tật mê gái của nó mà ra. Nó kể, tối ấy tao hẹn em Liên ra gốc bàng đầu cầu Đá. Liên bảo đến nhà em an toàn ấm áp hơn. Tao nghĩ cũng được. Đống rơm nhà Liên ở sau chuồng gà cạnh chái bếp, cách biệt nhà trên.
Chúng tao yên tâm rút rơm trải ổ, muồi mẫn với nhau quên cả giờ giấc. Tới cao trào, hơi thở em Liên hồi hộp nóng rẫy phả vào tai tao. Tao thì coi mòi tới giai đoạn chẳng giữ được mình nữa rồi. Sợ quá đà, tao bảo em cắn mạnh vào dái tai anh đi. Nó nghiến răng cắn thật. Khi nhận ra đầu nhọn hoắt của chiếc răng khoé cắm cái sật, đau quá tao kêu rú lên.
Bị đánh động, lũ gà trong chuồng loạn xạ vỗ cánh tao tác. Anh nó cầm gậy mở cửa chạy ào đến, vừa lúc chúng tao lồm cồm bò dậy. Tóc tai hai đứa rơm bám bờm xờm. Bố tao được bố con Liên đang công tác trên tỉnh gọi điện lên Thủ đô báo cáo vụ này.
Kết quả, chủ nhật ấy, tao bị nọc nằm sấp trước cửa từ đường nhận một trận roi mây quằn quại. Vừa vun vút quất vào mông tao, bố tao vừa mắng: - Mới nứt mắt đã nhiễm tật chó dái. Không gửi vào môi trường quân đội thì có ngày mày làm tiêu ma danh giá các cụ tổ đang hiện diện nơi đây. Đoạn sau thì mày biết rồi. Em Liên giờ đã có một gia đình yên ấm với thằng con năm tuổi. Tao thì cũng sắp đeo cái gông vợ con vào cổ. Cứ an phận làm cái anh phóng viên quèn như mày hoá sướng.
Nhà tôi cách nhà Cường một thửa vườn nhỏ bốn bề rào kín rặng hóp gai. Hồi nhỏ, có củ khoai luộc hay miếng bánh đa bé tẹo, chúng tôi thường thò tay chia cho nhau qua kẽ hở mấy thân cây hóp già óng vàng. Bố nó và bố tôi đỗ bằng cao đẳng tiểu học cùng một năm.
Bố tôi chọn công việc anh giáo làng. Bố nó bỏ làng biệt tăm. Sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, ông về thăm nhà cùng hai anh bảo vệ đeo súng ngắn, mặc áo trấn thủ, đội mũ ca lô đi kèm. Oai vệ lắm. Thời kháng chiến chín năm, chỉ nghe nói ông chỉ huy bộ đội đánh Pháp xa tít tận chiến trường Tây Nguyên.
Bọn Tây mũ nồi đỏ, mũ nồi đen hễ nghe tên ông là mặt như chàm đổ. Đất nước thống nhất, ông ra Bắc, công tác trên Trung ương. Thi thoảng về thăm nhà vài ngày. Thằng Cường đã học cấp ba vẫn bị ông bắt nằm sấp cho vài ba roi đau quắn đít mỗi khi gây ra chuyện gì lếu láo. Cường là cháu đích tôn của cụ Đồ. Chữ Nho xếp xó lâu rồi. Cụ cũng bị xếp xó mấy chục năm nay.
Bây giờ tôi chỉ còn nhớ láng máng, hằng ngày cụ ngồi không nhúc nhích trên chiếc ghế tràng kỷ bằng tre, trước mặt bày bộ đồ trà màu đất nung. Da mặt trắng bệch, lốm đốm những nốt rỗ hoa. Từ hai xương quai hàm bành bạnh đến chiếc cằm vuông vức, ngay đơ chẳng loé lên chút biểu cảm gì.
Đến khi được gặp ông bố thằng Cường, tận mắt quan sát, tôi đã giật mình nhận ra, từ thằng Cường, ngược lên cha nó, ông nó, đều là những phiên bản ra đời từ cái khuôn di truyền bền vững đặc trưng của đại tộc Đinh Công làng tôi. Có điều, vẻ mặt cụ Đồ thì am ám những nét buồn buồn, còn ở cha con thằng Cường thì tràn đầy sinh lực.
Một lần thằng Cường hỏi tôi: - Tao chẳng hiểu ông tao cứ như tượng Phật ngồi im lặng suốt ngày mà chịu được. Lại còn ngón tay cái cứ liên tục vê vê hai đầu ngón trỏ và ngón giữa là sao nhỉ. Tôi ngẩn tò te: - Ờ nhỉ! Mà chuyện các cụ chúng mình quan tâm làm gì. Phải đến tận lúc trải nghiệm nhiều lăn lóc sự đời, hiểu được hai chữ lạc thời, tôi mới láng máng hình dung ra bao nhiêu nông nỗi ngổn ngang bên trong cái vẻ bất động, cam phận của cụ Đồ ngày ấy.
Năm đầu tiên của thập niên sáu mươi thế kỷ trước, cả xã tôi chỉ có năm học sinh gạo đùm, củi bó lên tỉnh trọ học cấp ba. Ba năm sau, chúng tôi đều trúng tuyển vào mấy trường đại học danh tiếng. Sau này họ đều được giữ cương vị trọng trách ở mấy cơ quan Trung ương.
Chỉ riêng tôi bị vướng vào cái sự ú ớ không đâu nên suốt đời lẹt đẹt, làm cái chân sai vặt đi lấy mấy tin vặt vãnh cho mấy tờ báo địa phương, lúc ở tỉnh này, lúc thuộc biên chế tỉnh kia. Nguyên do cũng là từ cha tôi. Cả đời ông an phận thầy giáo làng. Vậy mà hồi cải cách ruộng đất có kẻ đã xưng xưng khai rằng ông từng sinh hoạt cùng chi bộ Quốc dân đảng với hắn.
Tới năm ông bố thằng Cường về làng, nghe xã báo cáo, ông đã phán ngay một câu không chút đắn đo: - Cái ông ấy, tôi biết nhát như thỏ đế, cho vàng cũng chẳng dám ho he Việt quốc với Việt cách? Chuyện nhảm nhí vậy mà các đồng chí cũng tin.
Dù đã được lãnh đạo cấp cao xác tín mồm như vậy, chẳng hiểu sao, lý lịch tôi vẫn đen sì vết nhọ tồn nghi cha là phần tử hoạt động đảng phái phản cách mạng. Sau này thằng Cường làm lớn rồi, nó tìm tôi bảo: - Tao sẽ đưa mày về chỗ tao công tác. Lẹt đẹt mãi phí uổng tài năng, phí uổng đời người.
Tôi đã thẳng thắn từ chối: - Mày biết tại sao cha mày là bạn thân của cha tao, ông đã không tác động vào con đường sự nghiệp của tao, đâu phải ông cũng cho lý lịch tao có vấn đề hay là ghét bỏ tao. Đấy chính là ông đã bảo vệ tao, không biến tao thành một thằng hèn, thằng núp bóng ăn bám vô tích sự đấy. Tao kính phục nhân cách cha mày bởi cử chỉ ấy đấy.
Câu chuyện tôi nóng lòng muốn trực tiếp hỏi thằng Cường, có điều gì đấy còn nghi hoặc. Nguyên do từ một chuyến đi tìm tư liệu để viết bài cho số báo kỷ niệm hai mươi năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Buổi sáng ấy, vừa bước qua cửa văn phòng Uỷ ban nhân dân xã X, tôi đã thực sự choáng váng tưởng mình đang đứng đối diện thằng Đinh Công Cường vào cái thời chúng tôi còn học phổ thông. Trước mặt tôi, anh cán bộ đeo bảng tên: Lê Dũng Sĩ- Phó Chủ tịch ngồi sau bàn giấy giống Cường như đúc.
Từ mái tóc loăn xoăn, hai dẻ xương quai hàm bành bạnh và chiếc cằm vuông đầy nghị lực, đặc điểm truyền đời của dòng giống Đinh Công làng tôi, cơn cớ nào lại mồn một nảy nòi ở cái anh cán bộ một xã xa tít tận miền Nam này. Theo tôi biết, chắc chắn dòng họ Đinh Công không có dây mơ rễ má nào cư ngụ ở đây.
Nhẩm tính giai đoạn thằng Cường đi B cho tới bây giờ, so với tuổi Lê Dũng Sĩ cũng gần suýt soát. Chợt nghĩ, giả sử anh ta là giọt máu của thằng Cường thì có gì sai hay đúng nhỉ. Biết tính nó hám gái, ở đâu cũng được các em sủng ái nhiệt tình thì hậu quả thế này rất dễ xảy ra lắm.
Nhưng mà tầm tuổi này, thằng Cường tuấn tú theo cách khác. Nó không có đuôi mắt phượng, không có đôi môi phơn phớt màu hồng và hai hàm răng cửa sáng bóng xếp đều tăm tắp như ở trên khuôn mặt anh phó chủ tịch đang hiện diện.
Nếu đích thực là con rơi của Cường thì cái phần xinh đẹp đầy nữ tính kia, anh chàng này chỉ có thể được thừa hưởng từ người mẹ. Người mẹ ấy phải có gì đặc biệt mới lung lạc được thằng bạn của tôi. Hám gái đấy nhưng nó tuyệt nhiên không phải phường lăng nhăng bừa bãi.
Trong lòng đầy nghi hoặc, tôi tìm đến nhà Dũng Sĩ. Người đầu tiên tôi gặp là một thiếu phụ da trắng như trứng gà bóc, nền nã trong bộ bà ba màu đen may rất khéo đang ngồi trong bóng mát cây điều che gần kín khuôn sân nho nhỏ lát gạch tàu. Hai bàn tay chị thoăn thoắt đan chiếc lồng nhốt gà, mái đầu hơi cui cúi mang búi tóc đen nháy to tròn gọn ghẽ đè lên chiếc gáy nõn nà, đầy đặn.
Nghe tiếng động, chị ngẩng khuôn mặt phúc hậu nhìn lên, nở miệng cười chào khách. Anh Dũng Sĩ giới thiệu tôi với mẹ. Tôi đã linh cảm đúng. Cái miệng cười và đôi mắt phượng của hai mẹ con chị giống hệt nhau đến lạ lùng. Một lát sau, cha Dũng Sĩ mới tập tễnh chống nạng chui qua cổng vườn.
Ông ta trạc tuổi ngoài năm mươi. Nhiều hơn tôi và Cường khoảng chục tuổi. Còn vợ ông, tôi đoán, chưa qua tuổi bốn mươi. Mọi đường nét nơi thân thể chị đang kỳ phơi phới. Ông chồng thì ngược lại, da đã sạm màu chì, vẻ mệt mỏi hiện ra trên gương mặt hốc hác.
Tôi biết hai người không chỉ là cựu chiến binh thời chống Mỹ, mà hiện vẫn là hai tấm gương luôn được nhắc đến trong nhiều cuộc tuyên dương khen thưởng của tỉnh N. Hiện Dũng Sĩ chưa vợ con gì. Anh lúi húi vào bếp chuẩn bị bữa cơm trưa để tôi có nhiều thời gian tiếp xúc với ba mẹ mình.
Mẹ anh kín đáo, ít kể về mình, chỉ thỉnh thoảng khe khẽ gật đầu mỉm cười xác nhận câu chuyện chồng mình rủ rỉ với khách. Cái lý lịch anh từng tham gia cách mạng từ ngày Bến Tre đồng khởi, rồi xung vào bộ đội chiến đấu một lèo tới ngày ba mươi tháng tư, bị mất một giò vì pháo kích thì tôi từng biết.
Nhưng chị từng là lính giao liên, rồi kết hôn với anh được mấy tháng thì hoà bình, bây giờ tôi mới nghe chị kể. Đêm ấy, anh còn tiết lộ: - Thằng Dũng Sĩ sinh ra vào đúng ngày tổng thống nguỵ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Sáng hôm ấy, anh đã bắn cháy một xe tăng địch, được phong thêm một danh hiệu dũng sĩ nên lấy luôn tên Dũng Sĩ đặt cho con làm kỷ niệm.
Đêm ấy, ở nhà khách cơ quan, Cường và tôi quên luôn địa vị hai đứa cách nhau một trời một vực, cứ nằm gác chân lên bụng nhau thoải mái như thời trọ học cấp ba. Sau cả tiếng hàn huyên đủ chuyện, nó ngập ngừng: - Tao muốn mày tìm hiểu cho tao một chuyện.
Tôi gí một ngón tay thọc vào sườn nó: - Thôi để tao đoán xem chuyện ấy là gì, nếu đúng thì chẳng phải lôi thôi mò mẫm đáy biển mò kim nữa. Tao tìm ra rồi. Giống mày như lột. Nó thoi cho tôi một quả đau quằn quại: - Cái con khẹc.
Phát hiện ra chuyện tày đình vậy mà không sốt sắng báo cáo thượng cấp. Ghi nợ cho mày thêm một tội đấy. Tôi căn vặn nó: - Thế hồi chiến tranh đơn vị mày có tác chiến ở vùng này không? Nó đáp ngay: - Gần như suốt suột. Địa bàn ở đây tao thuộc làu.
Tôi vỗ tay, xác quyết: - Thế thì đúng trăm phần trăm rồi. Sau hội nghị này tao sẽ chở mày đi gặp lại người xưa tình cũ. Và con mày nữa, thằng bé đẹp lồng lộng. Bằng tuổi nó bây giờ, mày chả bằng phân nửa. Nó thở dài: - Tình xưa người cũ gì đâu.
Đến cái tên, cái mặt tao còn không tường tận, chỉ được gần em gái giao liên ấy khoảng ba bốn tiếng đồng hồ, mà lại vào thời khắc nhập nhoạng tối nên chỉ mập mờ trông thấy búi tóc như trái dừa nằm gọn dưới tấm khăn rằn và nghe chất giọng đặc Nam bộ của em êm ái lắm trong độc một câu: - Đồng chí chú ý giữ bí mật, tuyệt đối không nói chuyện trên đường đi.
Trừ phi ngắn gọn truyền mệnh lệnh. Nhưng tao cảm nhận em đẹp lắm, trinh trắng lắm. Đến bây giờ, cam đoan với mày, nếu gặp lại em, nhắm mắt tao cũng nhận ra. Bởi cái mùi hương vừa lạ lùng, vừa bâng khuâng phảng phất nơi em, tao đã ghi trọn vào bộ nhớ tuyệt vời của tao rồi. Tao biết chắc, hương hoa từ những làn da thịt trắng trinh, xao xuyến ấy, ông trời chỉ đặc biệt phú cho một ít người thôi mày ạ.
Theo kinh nghiệm của tao, họ đều là những tuyệt thế giai nhân của cõi đời này. Nếu đúng thằng bé ấy là con tao thì đấy là sự sắp đặt của số phận. Trước phút giây tao và em mê muội vượt qua cái ranh giới vững chắc như Vạn lý trường thành kia, tao vẫn còn là thằng con trai trăm phần trăm trinh trắng.
Tao thề với mày đấy. Bởi thế tao đã mang cái khoảnh khắc linh diệu ấy theo suốt cuộc đời. Chiến tranh kết thúc, bằng nhiều mối liên hệ, tao đã nhờ họ tìm kiếm, nhưng đều rất mong manh, vô vọng. Mày tính, chỉ với mỗi thông tin em quay đầu nói nhỏ lúc bàn giao tao cho người dẫn đường khác: - Nhà em ở vùng này.
Thì đúng là đáy biển mò kim còn gì. Để chắc chắn thêm, tôi hỏi: - Mày có biết cái phút lên tiên liều lĩnh ấy ở chỗ nào không? Cường quả quyết: - Địa danh thì không biết. Nhưng đó là bên kia một con suối nhỏ nước nông và chảy không xiết lắm.
Khi chúng tao chỉ còn mấy bước nữa là chạm bờ thì pháo sáng chớp loé trên đầu. Kinh nghiệm sắp xảy ra một trận mưa bom B52. Em chỉ kịp đẩy tao lọt vào cái bụng rỗng của gốc cây gì to lắm, rồi em lèn thân mình che chắn cho tao, cả hai đã vô thức ôm siết lấy nhau mới lọt qua khe cửa hẹp.
Ngay tức khắc, bom đã nổ rần rần tứ phía. Quái quỷ, trong những phút giây sống chết gang tấc kề bên ấy, tao chẳng nghe thấy tiếng nổ, chẳng ngửi thấy khói bom. Chỉ sực nức cái mùi hương bâng khuâng kỳ diệu vẫn lởn vởn man mác suốt chặng đường vừa rồi.
Lúc này dường như nó cô đặc lại, lại như nở phình ra tạo thành tấm màn bền vững chẳng bom đạn nào công phá nổi. Lúc ấy, với chúng tao, chiến tranh không hiện hữu. Sống chết không mảy may hiện hữu. Chỉ hiện hữu duy nhất hai tấm thân rừng rực, hai sinh linh bé bỏng của mẹ Đất với cha Trời.
Và giây phút trẻ thơ bất tử ấy, chúng tao đã hoà vào nhau, tự nhiên hoan lạc như hoa như bướm, như cỏ cây nguồn cội thuở hồng hoang. Một khoảnh khắc thôi mà sự sống và cái chết, mà nỗi đau đớn và hoan lạc đã khôn nguôi đau đáu trong tao đến suốt cuột đời.
Tôi biết cái bọng cây tình cờ trở thành nơi động phòng hoa chúc dưới mưa bom của thằng Cường và cô giao liên ấy, ở gần chỗ gia đình tôi đang cư trú. Đó là một cây Kơ-nia đơn độc gốc lớn mấy người ôm, ruột rỗng thành một bọng chứa nổi hai ba người lớn.
Bây giờ nó vẫn còn đứng chơ vơ nơi đầu dốc con đường liên huyện. Con suối ấy, ngày xưa mang tên Tha La. Hiện đã trở thành một con hồ nhỏ liên thông với hồ Dầu Tiếng. Tôi khẳng định với thằng Cường: - Không nghi ngờ gì nữa, ngày mai tao sẽ dẫn mày thăm lại cái hang Từ Thức ấy và cô tiên bằng da bằng thịt của mày.
Nhà nàng cách nhà tao khoảng vài chục cây số. Có điều tao thông tin thêm để mày suy nghĩ. Hiện giờ nàng đang thời sồn sồn xuân sắc. Còn đẹp hơn mày tưởng tượng rất nhiều. Nguy hiểm lắm. Còn chồng nàng là thương binh, bị cụt chân tới đầu gối. Tuổi chưa cao, sức khoẻ rất hom hem do nhiễm chất độc da cam.
Họ đã hai lần sinh ra hai cục thịt. Đó là lý do cái tổ ấm đớn đau hạnh phúc của họ chỉ có mỗi mình thằng Dũng Sĩ. Tao muốn mày nghĩ cho thấu đáo trước khi có một động thái nào. Tao nghĩ, nếu không được anh thương binh ấy che chở, vào thời điểm cam go ấy, liệu em có yên ổn không? Kỷ luật thời chiến mày còn lạ gì nữa.
Sau cả đêm trằn trọc, bảnh sáng hôm sau, nó nói với tôi bằng một giọng đều đều không âm sắc: - Mày nói đúng. To nhỏ gì tao bây giờ cũng là tấm thân của triều đình. Nông nổi chút sẽ gánh hậu quả khôn lường cả về tổ chức, cả về đạo đức con người thông thường nữa. Thôi thì đành im lặng, phải nhất quyết im lặng thôi. Tao và mày cùng quyết định vậy nhé. Nhưng mà mày phải cho tao chỉ lần này thôi, được trông thấy con tao, trông thấy mặt nàng.
Bế mạc hội nghị, tôi chờ Cường đến xã N. Để không lộ diện, tôi hoá trang cho nó bộ đồ nông dân lam lũ, đầu và mặt trùm kín bằng chiếc khăn rằn, chỉ chừa hai con mắt. Ngồi sau lưng tôi trên chiếc xe máy chạy cà tàng cà rịch, thằng Cường chốc chốc lại nôn nóng: - Sắp đến chưa? Khi chạm cổng nhà Dũng Sĩ, nó rụt rè đẩy tôi đi trước.
Trưa hôm ấy, quang cảnh nhà Dũng Sĩ vẫn vắng lặng khuôn sân gạch tàu, lác đác mấy chiếc lá điều vàng úa. Lần này thì anh thương binh cha Dũng Sĩ ngồi trên đoạn cây tròn cưa làm ghế, bên chân lành duỗi về đằng trước, bên chân cụt kẹp chiếc cần xé đang đan dở.
Nghe tiếng chồng chào hỏi khách, chị vợ từ trong bếp bước ra, vẫn nền nã trong bộ bà ba may rất khéo, vẫn búi tóc to tròn, đen nhưng nhức sau gáy. Chúng tôi cùng ngồi trên tấm ngựa kê góc sân. Tôi để ý lưng áo Cường đầm đìa mồ hôi.
Còn chị, sau mấy lời run run chào hỏi của nó, hình như một khoảnh khắc sâu kín nào đấy thời chiến tranh đã vụt trở về, khiến chị sững sờ mở to đôi mắt rất đẹp, lặng người đăm đăm nhìn nó, hai mí không chớp lấy một lần.
Cháu Dũng Sĩ bận họp gì đó trên huyện. Thằng Cường không gặp được con. Khi ra về, vừa qua khỏi cổng, thằng Cường đã túm áo tôi hổn hển: - Chính xác rồi. Từ nàng vẫn nguyên vẹn búi tóc như trái dừa tròn trĩnh và cái mùi hương bâng khuâng xao xuyến hai chục năm rồi vẫn chưa phai nhạt chút nào. Mày bảo tao phải làm sao đây. Tôi chỉ biết nắm hai bàn tay run rẩy của nó, không an ủi được lời nào.
Hình như bằng linh cảm đàn bà, chủ nhật ấy, chị cựu giao liên mẹ Dũng Sĩ đã tìm đến nhà tôi chỉ hỏi mỗi một câu: - Cái ông khách Bắc kỳ bữa nọ, ngày xưa có tham gia chiến đấu ở vùng này không? Tôi phải nói dối: - Anh bạn tôi, suốt những năm đánh Mỹ, không hề một ngày mặc áo lính.
Chỉ là dân văn phòng láng cháng như tôi thôi chị ạ. Chị buông nửa câu có vẻ nghi ngờ: Không lẽ… rồi im bặt. Từ đấy, chúng tôi đã có vài lần gặp nhau, chị không đả động đến cái bộ dạng đáng ngờ của chúng tôi hôm ấy nữa. Nhưng qua vẻ mặt, tôi biết chị vẫn đầy nghi hoặc.
Ông bố của Cường nghỉ hưu, trả nhà công vụ rồi về quê. Căn nhà cũ ông cho sửa chữa qua loa tí chút, vẫn giữ ba gian hai chái với hai mái lợp ngói mũi hài đã lên màu xanh rêu tự thuở thân phụ ông còn tại thế. Anh em dòng tộc chê ông dại.
Ông mắng: - Các chú chỉ tầm bậy. Chẳng giải thích thêm. Vợ ông qua đời mấy năm sau đó, ông ở một mình. Ông bị mất trí nhớ hoàn toàn, vừa đúng lúc Cường đến tuổi nghỉ hưu. Nó để vợ và hai con gái ở Hà Nội, về quê chăm bố. Năm ngoái tôi ra Bắc, đến thăm, thấy ông ngồi đúng chiếc ghế trường kỷ nan tre ngày xưa thân phụ ông thường ngồi.
Bao nhiêu năm tháng đã lướt qua mấy món đồ cổ lỗ ấy. Chả hiểu sao chúng vẫn còn vững chãi, vẫn ánh lên vẻ đẹp thời gian trên những ống tre lên nước màu mận chín. Tôi chào, ông gật đầu: - Mời đồng chí ngồi. Cái vụ ấy, tôi cho đồng chí ba mươi phút.
Báo cáo ngắn gọn thôi. Nói đoạn, ông cúi đầu nhìn xuống bàn cờ trước mặt lộn xộn những quân tròn tròn nằm không đúng vị trí. Năm xưa, cụ Đồ ngồi bất động liên tục vê mấy đầu ngón tay. Bây giờ một bàn tay con trai cụ nắm gọn mấy con cờ. Bàn tay kia liên tục nhón một con rồi bặm môi đập chan chát vào một con khác. Miệng lẩm bẩm: - Ai bảo mày không lượng sức, nhảy vào chân mã. Nó đá gãy lưng, chết là đáng lắm!
Tôi với Cường ngồi đối diện nhau gian bên kia. Tóc nó bạc nhanh quá, trắng không sót sợi nào, trắng hơn cả mái tóc tôi. Tôi hỏi: Biết thằng con ông vừa trúng cử Bí thư Huyện uỷ chưa? Nó im lặng. Lại hỏi: - Biết ông thương binh ấy mới mất hồi đầu năm nay chưa? Nó vẫn im lặng.
Tôi bồi thêm: - Bây giờ mẹ nó ở một mình trong khu vườn ấy. Buồn lắm. Nó giật thót người nhưng vẫn không nói gì. Cuối cùng tôi làm như bất chợt bâng quơ: - Con đường quan chức của thằng Dũng Sĩ thăng tiến vù vù. Như ông ngày xưa ấy, không biết có sự tác động của cụ lớn nào không. Vẫn chẳng nghe nó lộ ra chút cảm xúc nào.
Vãn chiều, tôi buồn bã nắm tay thằng Cường chào từ biệt. Quay sang kính cẩn cúi đầu trước ông thân sinh nó, ông cụ ngẩng lên buông một câu: - Ơ cái thằng Cường, muộn rồi không bảo mẹ mày về chuẩn bị bữa ăn tối. Đói muốn chết rồi!
V.T.K