Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Góc nhìn
Khoe con, cháu trên mạng - tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thứ hai: 08:52 ngày 04/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều hôm qua, giữa hai cha con em tôi đã xảy ra một cuộc cãi vã. Tức quá, nó đuổi con về. Nguyên nhân là trước đây nó đã nhiều lần nhắc nhở con gái không nên đăng hình ảnh hai đứa cháu lên mạng.

Con không nghe mà lại còn đăng khoe nhiều hơn bởi đợt dịch Covid-19 được nghỉ, rảnh quá, chẳng biết làm gì, nó đăng hàng loạt, đủ kiểu... Em tôi yêu cầu gỡ xuống, chẳng những con gái không gỡ mà còn lớn tiếng: “Người ta đăng đầy trên đó có sao đâu!”.

Em tôi quát: “Người ta kệ người ta, đăng lên chẳng ai khen đâu, được thì ít, mất thì nhiều, lành thì ít dữ thì nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro lại có thể vi phạm pháp luật…”.

Nhiều người nhận xét khoe khoang ngày nay đã trở thành “mốt”. Người ta khoe đủ thứ nhưng nhiều nhất có lẽ là khoe của; khoe con, cháu. Theo tiết lộ của các công ty bảo vệ an ninh mạng thì 20% trẻ em chưa chào đời, 75% trẻ em dưới 2 tuổi được cha mẹ, ông bà (chủ yếu là quý bà) đăng tải hình ảnh lên mạng; và tỷ lệ đó đang tăng lên một cách đáng lo ngại.

Từ mong muốn lưu giữ khoảnh khắc hình ảnh đáng yêu của con cháu, các bậc phụ huynh không ngần ngại đăng ảnh với những dòng status tâm huyết, yêu thương để chia sẻ với người thân, bạn bè.

Có gia đình khi người vợ vừa mang thai, hai vợ chồng đã lập một trang fanpage riêng ghi lại từng giai đoạn của thai kỳ cho đến khi chào đời, một tháng, hai tháng, ba tháng... rồi post lên facebook với mong muốn “Tôi muốn chia sẻ hạnh phúc khi có con của mình cho cả thế giới biết”.

Nhiều gia đình không ngần ngại đầu tư để thuê nhiếp ảnh gia chụp những bộ ảnh nghệ thuật cho con từ khi chào đời đến thôi nôi... Những ngày tránh dịch Covid-19 này, lướt qua các trang mạng, bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn hình ảnh, video clip trẻ em đủ mọi lứa tuổi với hình dáng, hành động, việc làm... đi kèm là những dòng status được những người thân đăng tải trên mạng.

Nào là: “Bi Bo hạnh phúc đong đầy; Tóc đẹp; Nắng nóng quá mà; Hoàn thành việc ăn cơm; Gái yêu 4 tuổi; Ro, cầu thủ tương lai; Tác phẩm đầu tay của Rubi; Một thiên tài hội hoạ; Con gái đảm đang; Tiếng đàn ngân nga; Sinh nhật hai con tôi: Nuôi hoài chẳng mập...”.

Những người có con, cháu lớn thì khoe thành tích học hành, có người post giấy khen, phần thưởng, lời nhận xét của thầy cô giáo. Có người khoe điểm học tập của con toàn 10, chỉ có một môn 9,5, xếp hạng 3 với lời nhắn nhủ đầy khiêm tốn trước bàn dân thiên hạ: “Mẹ vui nhưng chưa hài lòng. Con sẽ còn phải cố gắng thêm vì vẫn còn có bạn giỏi hơn”.

Chúng ta có thể xem những đoạn phim, những hình ảnh của những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi với trạng thái vui, cười, khóc, la hét, buồn bã... do chính những người thân đăng tải trên các trang mạng thu hút rất nhiều lượt xem với những lời bình phẩm, có khen, có chê, có cả giễu cợt...

Kiên trì theo dõi, tôi thấy lời khen không nhiều. Đáng quan ngại là những lời khen, thiếu tính khách quan, chủ yếu là của người thân, bạn bè, thuộc cấp của chính người đăng tải. Giáo viên khoe con thì học sinh khen. Hiệu trưởng, hiệu phó đăng hình con thì có một loạt giáo viên, nhân viên dưới trướng hoạ theo. Sếp đăng hình con lên thì một loạt nhân viên like, khen tới tấp. Bà nội, bà ngoại đăng ảnh cháu lên thì những người dưới quyền khen cháu bà này nọ... Việc chê bai, giễu cợt thường ít hơn nhưng có lẽ đau hơn.

Trên facebook của N.T.V đăng một đứa trẻ đang khóc vì bị phạt với lời diễn giải: “Khóc nhè mà trông dễ thương chưa mọi người, con tớ đó!” đã thu hút được 5.000 lượt xem và chia sẻ. Bên cạnh những bình luận: “Nhóc dễ thương quá; Đáng yêu quá!”… thì cũng có người chất vấn: “Con khóc thì có gì vui đâu mà khoe?”.

Facebook của Q.A cũng đăng đoạn phim một bé gái 4,5 tuổi mếu khóc vì bị mắng, phạt với chia sẻ: “Thấy buồn cười quá nên mình đăng lên facebook, không ngờ có cả ngàn like”. Người mẹ đó chắc không ngờ nhận được những lời nhận xét: “Con còn bé mà đã cãi lại mẹ lem lẻm mà vẫn để vậy được; Con hư con khóc thì có gì vui mà ba mẹ cười dữ vậy”...

Có lẽ phần đông phụ huynh đăng hình ảnh, khoe con cháu trên mạng khá vô tư, không hiểu và lường được những tiềm ẩn nguy hại. Họ không ngờ được việc chia sẻ hình ảnh con, cháu trên mạng sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu và những người thiếu hiểu biết về pháp luật dùng những hình ảnh đó vào việc phi pháp hoặc đùa giỡn để câu like.

Mới đây, trên nhiều facebook xuất hiện hình ảnh những đứa bé để câu like tuyên truyền cho việc phòng, chống dịch Covid: Hình ảnh một bé trai khôi ngô mang tấm bảng trước ngực: “Chống giặc thì phải xông pha/Chống dịch thì phải ngồi nhà, nhớ chưa?”; hay hình ảnh một bé trai bụ bẫm gò lưng đu sau xe máy, yêu cầu mẹ không được chạy xe ra ngoài.

Tôi tin rằng những đứa trẻ này không phải là con cháu của chủ nhân facebook đó. Các bậc phụ huynh nghĩ gì khi phát hiện ra những đứa trẻ trong hình là con, cháu mình? Cần phải hiểu rằng tuy là trẻ con nhưng chúng cũng có đời sống riêng tư. Khi còn nhỏ, các cháu có thể chưa biết cho nên “thích” nhưng từ 5 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển ý thức về bản thân, khi các bậc phụ huynh đăng tải hình ảnh, đặc biệt là các hình ảnh nhạy cảm, các cháu cảm thấy xấu hổ nhưng bất lực.

Các chuyên gia cho rằng việc khoe con, khoe cháu lên mạng phần lớn chỉ để thoả mãn sự tự hào của người lớn chứ không phải của đứa trẻ. Con đẹp, con ngoan, con có năng khiếu, con học giỏi, đạo đức tốt là điều tự hào đối với bất kỳ ai, nhưng việc khoe con, cháu nhiều khi không phải là động lực để con, cháu tiếp tục, ngoan, giỏi giang mà vô hình trung lại gây áp lực cho đứa trẻ.

Khen không đúng khiến trẻ xấu hổ, khen rầm rộ khiến trẻ kiêu căng. Muốn khen để tạo động lực thì phải  có cách thức khen hợp lý, tinh tế nếu không sẽ gây áp lực, dẫn đến trầm cảm- nhẹ thì sợ, chán ghét việc học, xa lánh cha mẹ, người thân, nặng thì có thể dẫn đến những hành động tự huỷ hoại bản thân.

Cần phải hiểu rằng rất nhiều nước quy định về việc đăng tải hình ảnh của trẻ em trên mạng. Ở Pháp, cảnh sát kêu gọi các bậc cha mẹ hãy cân nhắc kỹ về việc đăng hình ảnh con cái lên mạng, vì hình ảnh có thể xâm phạm sự riêng tư và an toàn của con cái, để lại nhiều hậu quả về tâm lý khi trẻ lớn lên. Họ mở chiến dịch bằng câu viết hoa: “Cha mẹ có nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh của con cái”. Nếu vi phạm phải phạt 45.000 euro và ngồi tù 1 năm.

Ở Nhật Bản, cha mẹ không chia sẻ hình ảnh con cái mình. Họ cũng không đem việc con mình đẹp, chiều cao, cân nặng bao nhiêu, thông minh, tài năng hay học giỏi... để khoe khoang với người khác, vì đó là những thông tin cá nhân; nhưng họ vẫn có những cách lưu giữ những khoảnh khắc đáng yêu của con mình trên nhật ký hay blog, chỉ chia sẻ với gia đình và bạn bè thân thiết.

Ở nước ta, Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ 1.6.2017 quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác... (Điều 21).

Ngày 9.5.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1.7.2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Điều 33 giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khoẻ và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em, tài sản cá nhân, số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân, thông tin về nơi ở, quê quán, về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em, thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Mới nhất là Nghị định 15/2020 thay thế Nghị định 174/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15.4.2020 có quy định: Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh phải được cá nhân đó đồng ý... tự ý đăng hình ảnh người khác lên facebook mà chưa được sự đồng ý cũng coi là vi phạm bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng...

Trẻ em là một phần của xã hội nên chúng có quyền xuất hiện trên mạng xã hội. Điều đáng lưu ý là các bậc phụ huynh cần cân nhắc, để biết khi nào có thể đăng hình ảnh con, khoe con cháu trên mạng xã hội.

Vấn đề đặt ra không phải là nên hay không nên mà chính là ở cách chúng ta thực hiện thế nào cho đúng, bởi khoe con cái trên mạng được ít mất nhiều, lành ít dữ nhiều, lợi ít hại nhiều và có thể vô tình vi phạm pháp luật; và khi đó thì “yêu con cũng thể bằng mười hại con”.

D.M

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục