Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khơi dậy văn hoá đọc
Thứ hai: 10:01 ngày 24/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo anh Ðặng Ngọc Bảo- cửa hàng trưởng nhà sách Fahasa chi nhánh Tây Ninh, sách là món ăn tinh thần bổ ích, kho tàng kiến thức sâu rộng của con người. Với hy vọng mang sách đến gần hơn với người dân, cải thiện văn hoá đọc, nhà sách tạo điều kiện tối đa cho khách hàng khi tìm đến.

Hội LHTNVN huyện Châu Thành tổ chức Thư viện sách lưu động phục vụ các em học sinh.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay, con người có nhiều cách để tiếp nhận tri thức, ngoài việc đọc sách truyền thống. Có ý kiến cho rằng, bây giờ đa phần mọi người có nhu cầu tra cứu tư liệu là tìm đến “gu gồ” nhanh nhất. Việc đến thư viện miệt mài đọc sách, ghi chép thông tin dần trở nên xa lạ với một bộ phận thanh thiếu niên.

Giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh cho rằng: “Giới trẻ tiếp nhận thông tin chủ yếu qua bài giảng từ thầy cô. Có khá ít học sinh, sinh viên đến thư viện mượn hay chủ động tìm mua sách. Việc lệ thuộc vào nguồn tri thức trên mạng xã hội luôn kèm theo những hệ luỵ như lượng thông tin thiếu chính xác, không hệ thống… lâu ngày khiến việc tư duy trở nên chậm chạp, mất dần khả năng sáng tạo”.

Còn một người dân ngụ phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh bộc bạch: “Tôi quan sát ở nhiều tuyến đường, khu vực trên địa bàn tỉnh, số người đọc sách nơi công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, họ sử dụng các phương tiện công nghệ cao như điện thoại, ipad, laptop… ”.        

Dạo quanh một số nhà sách trên địa bàn Thành phố, chúng tôi nhận thấy những nơi này bày bán rất nhiều đầu sách có hình thức bắt mắt, phong phú về thể loại. Tuy nhiên, theo một số người bán, khách hàng tìm mua các loại sách về nghiên cứu, quan niệm sống chủ yếu là người có tuổi; giới trẻ chỉ chọn truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình, kiếm hiệp...

Chị H- chủ một tiệm sách nhỏ trên địa bàn Thành phố cho biết, tiệm tồn tại do truyền thống gia đình, khách hàng đa phần là hàng xóm xung quanh, lợi nhuận thu được từ việc bán sách không nhiều. Hiện, tiệm chỉ tập trung bán sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng văn phòng phẩm, ít khi bán sách thuộc lĩnh vực đời sống, văn học.    

So với đô thị, nhu cầu đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại càng ít hơn. Trẻ em vùng quê vẫn còn thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội đọc sách, hầu hết phải xem sách báo cũ hoặc nghe kể lại. Anh Lê Tấn Kiệt, ngụ huyện Tân Biên kể, gia đình anh rất thích đọc sách.

Tuy nhiên, muốn tìm một quyển sách ưng ý tại cửa hàng sách ở Tân Biên là một điều khó khăn. Hầu như các tiệm chỉ bán sách giáo khoa, sách tham khảo, còn lại là dụng cụ học tập. Thông thường, khi có nhu cầu đọc sách, anh Kiệt phải đặt mua trên mạng hoặc đến cửa hàng sách ở thành phố Tây Ninh.

Gần 60 tuổi nhưng ông T.P, ngụ thành phố Tây Ninh vẫn còn khá mê đọc sách. Ông chia sẻ: “Tôi thích lật từng trang sách, cảm nhận mùi của giấy. Ðọc sách qua màn hình điện thoại sẽ không hứng thú, lâu ngày đôi mắt cũng bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ, tiếp nhận kiến thức qua từng trang sách vẫn là tốt nhất”.        

Ðể góp phần khơi dậy văn hoá đọc cho người dân, thời gian qua, nhiều mô hình, giải pháp được cá nhân, đơn vị triển khai thực hiện. Tại Nhà sách Fahasa chi nhánh Tây Ninh, khách hàng có thể tuỳ ý tham quan, đọc thử, chọn lựa sách. Ngay cả khi không cần mua sách, khách hàng cũng có thể tiếp cận với sách một cách dễ dàng và thoải mái.

Có người nói vui rằng: “Hàng hoá trong siêu thị còn không thể mở ra ăn thử, nhưng sách ở Fahasa có thể mở bao bì, xem nội dung xong rồi không mua cũng được!”. Theo anh Ðặng Ngọc Bảo- cửa hàng trưởng nhà sách Fahasa chi nhánh Tây Ninh, sách là món ăn tinh thần bổ ích, kho tàng kiến thức sâu rộng của con người. Với hy vọng mang sách đến gần hơn với người dân, cải thiện văn hoá đọc, nhà sách tạo điều kiện tối đa cho khách hàng khi tìm đến. Nhiều trẻ em có nhu cầu ngồi đọc lâu, nhà sách chủ động mang ghế cho các bé ngồi đọc thoải mái.         

Mô hình kết hợp cà phê - nhà sách là một không gian lý tưởng cho người yêu sách, góp phần xây dựng, phát triển văn hoá đọc của giới trẻ. Thời gian qua, mô hình cà phê sách của Công ty cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Tây Ninh ngày càng được giới trẻ yêu thích. Em V.H.N, học sinh Trường THPT Tây Ninh cho biết: “Em thường đến cà phê sách để đọc sách báo, cùng bạn bè trao đổi bài vở. Tại đây, em vừa thưởng thức các loại nước uống ngon, vừa thoải mái đọc các loại sách yêu thích mà không tốn thêm tiền”.                

Một trong những hoạt động để khơi lại văn hoá đọc cho người dân là tổ chức các ngày hội sách. Vừa qua, Hội LHTNVN huyện Dương Minh Châu phối hợp cùng Công ty phát hành sách Fahasa tổ chức ngày hội đọc sách thu hút hơn 200 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đến mua, đọc sách và tham gia các hoạt động vui chơi như Rung chuông vàng tìm hiểu về sách, trò chơi dân gian…

Em V.T.H.P chia sẻ, em thường tiết kiệm một phần tiền làm thêm để mua sách. Tuy nhiên, sách mới thường có giá cao, không thể mua nhiều. Khi hội sách tổ chức, có những chương trình chiết khấu và giảm giá hấp dẫn, H.P tranh thủ mua về “gối đầu giường” đọc dần.

Hay chương trình “Xây dựng văn hoá đọc trong thanh niên” do Hội LHTNVN huyện Châu Thành phối hợp Thư viện huyện tổ chức đã góp phần xây dựng, hình thành thói quen đọc sách, văn hoá đọc trong cán bộ, hội viên, thanh niên. Việc mở thêm Tủ sách thanh niên, tổ chức Thư viện sách lưu động, hỗ trợ các đầu sách về kỹ năng sống, sách nghiệp vụ, thiếu nhi, khoa học kỹ thuật… đã góp phần nâng cao trình độ, kiến thức cho đoàn viên, hội viên, thanh niên; tạo môi trường thân thiện, học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, thói quen đọc sách cần được tạo dựng như một nhu cầu tất yếu của con người. Ðể nâng cao văn hoá đọc cho người dân, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, không phải theo trào lưu, giúp người dân nhận thức lợi ích của việc đọc sách.

Nhà trường cần có giải pháp khơi dậy văn hoá đọc trong sinh viên, học sinh; khuyến khích các bạn trẻ tặng sách cho người thân, thầy cô, bạn bè trong dịp lễ, tết thay cho hoa, quà tặng khác. Ðây là cách thiết thực để khuyến khích nhiều người đọc sách và lan toả giá trị mà nội dung cuốn sách đem lại.

PHƯƠNG THẢO - ÐÀO NHƯ

Tin cùng chuyên mục