Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Huyện Dương Minh Châu:
Khởi động kế hoạch chuyển đổi cây trồng mới
Thứ bảy: 07:49 ngày 08/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðịnh hướng của huyện Dương Minh Châu là sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở 4 xã Truông Mít, Lộc Ninh, Phước Minh, Phước Ninh với tổng diện tích khoảng 3.500 ha. Sắp tới, huyện sẽ tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng theo đúng định hướng, khuyến khích người dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sau này phát triển du lịch sinh thái trên những vùng này.

Theo Sở NN&PTNT, tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp, ngành đã đề xuất UBND tỉnh thành lập 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích trên 17.048 ha (trong đó đề nghị công nhận 4 vùng cơ bản đạt tiêu chí quy định và đề xuất quy hoạch 14 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Huyện Dương Minh Châu với vùng sản xuất thuộc 4 xã Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh cũng nằm trong các vùng này.

Ông Lê Minh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, trước đây, trên địa bàn xã, nông dân chủ yếu sản xuất lúa 2 vụ (Ðông Xuân và vụ Mùa) nhưng không hiệu quả. Ðến năm 2003, xã đã vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây mía. Tuy nhiên, đến năm 2016, do giá mía thấp, nên người dân tự chuyển đổi sang cây trồng khác. Ðến nay, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 75 ha mía. Qua khảo sát của xã, có khả năng sau thu hoạch mía vụ 2018-2019, người dân sẽ không còn trồng mía nữa.

Hiện tại, cây trồng chủ lực của xã là cây mì và lúa. Tuy nhiên, giá lúa không ổn định, cây mì lại đang đối mặt với dịch khảm lá nên năng suất, hiệu quả rất thấp. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chuỗi giá trị, xã đã chọn khu vực làm điểm từ kênh TN04 đến TN06 (ấp Phước An) với diện tích khoảng 300 ha, định hướng trồng các loại cây như xoài cát chu, thanh long ruột đỏ, khóm Queen…

Trong đó, dự kiến sẽ cung cấp phần lớn trái cây này làm nguyên liệu cho nhà máy Tanifood (xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu). Hiện nay, một số nông dân đã bước đầu mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, và xã sẽ kiến nghị Công ty Lavifood xem xét hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Ông Phương cho biết thêm, để chuyển đổi cây trồng thuận lợi, việc cải tạo kênh tiêu rất cần thiết. Trên địa bàn xã Phước Ninh có 44 tuyến kênh (trong đó, 8 tuyến kênh tiêu, 36 tuyến kênh tưới) với tổng chiều dài trên 68km. Trong vùng quy hoạch từ kênh TN04 đến TN06 chỉ có 1 kênh tiêu là TN03, còn lại TN04 và TN06 là kênh tưới. Hệ thống kênh tiêu không bảo đảm được nhu cầu tiêu nước, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng. Vì vậy, xã kiến nghị cấp trên cho nạo vét kênh TN04, TN06 thành kênh tưới, tiêu; ngoài ra trong quá trình nạo vét cũng thực hiện luôn việc tu bổ bờ để người dân có thể vận chuyển nông sản theo đường bờ kênh ra trục đường xã.

Một trong những nông dân chuyển đổi cây trồng sang cây ăn trái trên địa bàn xã Phước Ninh là ông Phạm Văn Nhân- Chủ tịch HÐQT Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Phước Ninh. Ông Nhân cho biết, trước đây ông trồng mì rồi cao su nhưng không có hiệu quả nên chuyển qua trồng xoài cát chu với diện tích 1 ha. Phía Công ty Lavifood cho biết giá thu mua xoài cát chu là khoảng 19.000 đồng/kg loại 1, 10.000 đồng/kg loại 2… Với mức giá này, người trồng sẽ có lãi khá. 

Ðến nay, vườn xoài của ông Nhân đã được khoảng 10 tháng, vốn đầu tư ban đầu khoảng 35 triệu đồng/ha. Mô hình này làm điểm, nếu có hiệu quả ông sẽ triển khai rộng ra cho thành viên HTX. “Nông dân ở đây chủ yếu trồng lúa, trồng mì nên chưa thấy hiệu quả của cây ăn trái, nên còn e ngại”, ông Nhân chia sẻ thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu, ở xã Phước Minh và Phước Ninh, vị trí dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng là vùng đất đen, trũng thấp, bị ngập nước trong mùa mưa. Hiện các vùng này trồng 1 vụ mì vào mùa khô và 1 vụ lúa vào mùa mưa nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Còn ở khu vực dự kiến chuyển đổi cây trồng xã Truông Mít, Lộc Ninh, những năm gần đây nông dân trồng lúa kém hiệu quả, cây đậu phộng giá cả bấp bênh trong khi giá công lao động, vật tư tăng cao. Do đó, nông dân có xu hướng và nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất lớn.

Riêng ở xã Lộc Ninh có khoảng 500 ha nhãn tiêu da bò và các cây ăn trái khác. Còn xã Truông Mít, qua điều tra sơ bộ của Phòng Nông nghiệp, diện tích đất trồng cây ăn trái, cây công nghiệp khoảng 2.500 ha trên các loại đất có mục đích sử dụng là đất lúa, cây lâu năm, hằng năm khác. Trong đó, có khoảng 1.200 ha đất trồng nhãn, còn lại là cao su và một số cây ăn trái khác.

Ðịnh hướng của huyện Dương Minh Châu là sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở 4 xã Truông Mít, Lộc Ninh, Phước Minh, Phước Ninh với tổng diện tích khoảng 3.500 ha. Sắp tới, huyện sẽ tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng theo đúng định hướng, khuyến khích người dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sau này phát triển du lịch sinh thái trên những vùng này.

Các loại cây ăn trái được định hướng sản xuất ở vùng này gồm nhãn, thanh long, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm… Trong đó, tập trung phát triển cây nhãn ở xã Truông Mít, Lộc Ninh; khóm ở xã Phước Minh, Phước Ninh. Riêng cây nhãn ở xã Truông Mít, Lộc Ninh hiện nay chủ yếu là nhãn tiêu da bò, chất lượng còn thấp. Do đó, Sở NN&PTNT có định hướng chuyển đổi qua một số giống nhãn chất lượng cao như nhãn xuồng (cơm vàng), nhãn Ido.

Trước những hạn chế về hệ thống thuỷ lợi, huyện Dương Minh Châu đã kiến nghị Sở NN&PTNT, hỗ trợ đầu tư hệ thống tiêu chính, tiêu nhánh ở các vùng chuyển đổi; đồng thời người dân sẽ đầu tư hệ thống kênh nhánh để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nông dân cũng mong muốn được kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cây ăn trái.

TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục