Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỗ trợ Khởi nghiệp:
Khởi động những ước mơ
Thứ sáu: 05:45 ngày 16/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Tây Ninh, trong năm 2017, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có những bước triển khai hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên đối với đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ.

Thanh niên thành phố Tây Ninh tham gia tuyển dụng tại một chương trình khởi nghiệp.

Động thái hỗ trợ bước đầu

Từ đầu năm 2017, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được Hội LHPN các huyện bắt đầu triển khai thực hiện. Mô hình đã  tạo điều kiện giúp cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ khó khăn có điều kiện kinh doanh, cải thiện thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Tại Hoà Thành, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện đã tích cực vận động các nguồn lực tại địa phương hỗ trợ cho 22 chị em với số tiền hơn 100 triệu đồng. Tại Dương Minh Châu, Hội LHPN huyện bước đầu thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Thị trấn và xã Bàu Năng, khảo sát đưa vào danh sách hỗ trợ 27 phụ nữ có nhu cầu. 

Bà Trần Thị Sâm (SN 1951, ngụ khu phố 1, thị trấn Hoà Thành) là một trong những phụ nữ tại địa phương được hỗ trợ từ mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Trong vài ngày tới, bà sẽ nhận được một chiếc xe bánh mì mới, thay thế cho phương tiện buôn bán cũ sử dụng gần chục năm nay. Trung bình mỗi ngày bà Sâm bán bánh mì và nước ngọt, thu nhập khoảng 100 ngàn đồng. Tuy không nhiều, nhưng đối với bà cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Hiện bà Sâm mong có thêm vốn liếng để giúp cậu con trai đầu tư làm ăn, không phải vất vả với công việc làm thuê, làm mướn bấp bênh.

Chị Võ Thị Kiều Dung (ngụ khu phố 2, thị trấn Dương Minh Châu) rất vui mừng khi biết mình được hỗ trợ vốn để đầu tư kinh doanh từ mô hình “Hỗ trợ khởi nghiệp” của Hội LHPN Thị trấn. Chị Dung đang kinh doanh mặt hàng muối ớt, bánh tráng. Chị cần thêm vốn gắn mái che di động để thuận tiện buôn bán hơn. Chị cho biết: “Được Hội Phụ nữ hỗ trợ tôi vui lắm, vì việc tránh nắng, tránh mưa để buôn bán có chút khó khăn, trong khi khả năng của tôi có hạn.

Đối với tổ chức Đoàn, khuyến khích thanh niên dấn thân lập nghiệp là chủ trương được các cấp từ Trung ương tới địa phương quan tâm trong suốt thời gian qua. Mới đây, Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình khởi nghiệp cho thanh niên với tổng số vốn hơn 2 tỷ đồng.

Dự kiến nhiều hoạt động sẽ được triển khai trong năm 2017 như tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, tập huấn kiến thức, giao lưu toạ đàm về khởi nghiệp… dành cho thanh niên. Đồng thời Tỉnh đoàn có kế hoạch trao vốn cho những dự án hay kế hoạch kinh doanh có tính đột phá, muốn trải nghiệm dấn thân của giới trẻ tỉnh nhà.

Anh Nguyễn Tuấn Cảnh, 28 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Thành, Tân Châu- một điển hình cho thanh niên lập nghiệp với quyết tâm kiên định. Do gia đình khó khăn, anh Cảnh phải nghỉ học từ năm lớp sáu. Sau đó, Cảnh đi học nghề hàn cửa sắt, làm thuê nhiều năm trời. Không muốn mãi làm thuê, Cảnh quyết tâm mở một cửa hiệu cho riêng mình.

Với số tiền tích góp 15 triệu đồng từ nhiều năm làm thuê, anh Cảnh mở một cơ sở hàn cửa sắt. Sau 6 năm, cơ ngơi mà Cảnh gầy dựng có tổng vốn trên 300 triệu đồng; ngoài ra, cơ sở của anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Anh Cảnh chia sẻ, với trình độ của mình, lúc đầu anh cũng gặp khó khăn, chẳng hạn như việc tính toán chi tiết sản phẩm. Nhưng bấy nhiêu đó, không đủ cản trở quyết tâm làm chủ của anh. Anh nói: “Lúc nghỉ học, tôi cũng đi làm thuê nhưng sức yếu không làm nổi. Tôi quyết tâm theo nghề để tạo dựng sự nghiệp cho mình.

 Có thể nói, phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp như luồng gió khơi dậy đam mê khởi nghiệp trong thanh niên, từ đó nhiều bạn trẻ đã tích cực dấn thân, nhanh chóng tiếp cận con đường khởi nghiệp, bước đầu thành công trên một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kinh tế trang trại.

Những khó khăn

Tuy nhiên, để thực hiện việc hỗ trợ khởi nghiệp, bước đầu triển khai, các tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở cũng còn nhiều khó khăn, lúng túng. Nhiều nơi vẫn còn loay hoay chưa biết thực hiện thế nào để giúp thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp. Việc khởi nghiệp như thế nào, bắt đầu từ đâu, trang bị những kiến thức gì vẫn là điều khá mới với nhiều người.

Theo anh Lê Tấn Phát- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh, nguồn vốn là khó khăn chung của đa phần thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Nếu ý tưởng của các bạn trẻ thực sự hay, khả thi và có tính thuyết phục, họ vẫn có thể vận động được nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Riêng Thành đoàn đang lên kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, và sẵn sàng hỗ trợ nhiệt tình cho những bạn trẻ có tinh thần nhiệt huyết với khởi nghiệp. Điều quan trọng là các bạn trẻ phải thoát khỏi suy nghĩ thụ động “làm công ăn lương”, nỗ lực vươn lên làm giàu.

Đối với các bạn thanh niên nông thôn như ở huyện Tân Châu, thực sự khi khởi nghiệp họ gặp không ít trở ngại. Ông Trịnh Đình Hà, Chủ tịch Hội LHTNVN huyện cho rằng, ngoài cái khó về tiếp cận vốn, thanh niên vùng nông thôn còn gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, đa số thanh niên trên địa bàn huyện khi khởi nghiệp, chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi,  trong khi sản phẩm nông nghiệp đầu ra luôn bấp bênh, không ổn định. Nhiều bạn trẻ gặp khó khi muốn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do xung quanh vẫn còn tư tưởng sản xuất cổ truyền. Khi tiếp cận một số nguồn vốn hỗ trợ để khởi nghiệp, thanh niên nông thôn cũng gặp khó khăn với những quy định như phải có kế hoạch, dự án kinh doanh, quy định về thủ tục vay vốn ngân hàng…

Vì khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hầu hết thanh niên chỉ khởi sự từ nguồn vốn gia đình, hoặc vay ngân hàng có thế chấp tài sản nên chưa có sự mạnh dạn, bứt phá trong cách thức sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Sâm với công việc mưu sinh hằng ngày.

Tương tự, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ cũng vấp phải nhiều vấn đề nan giải. Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoà Thành, do có nhiều chương trình, hoạt động của các đơn vị, tổ chức kêu gọi quyên góp từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nên việc vận động nguồn lực để có vốn hỗ trợ cho chị em khởi nghiệp rất khó khăn.

Các cấp Hội chủ yếu vẫn dựa vào việc vận động mạnh thường quân được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Vì thế, mức hỗ trợ khá eo hẹp, chỉ có vài triệu đồng, chủ yếu giúp hội viên đầu tư cho hoạt động sinh kế đã có sẵn hoặc buôn bán nhỏ.

Ngoài việc hỗ trợ vốn để khởi nghiệp, các chị em phụ nữ rất cần được cập nhật, bổ sung kiến thức mới trong việc trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh doanh dịch vụ phù hợp với khả năng của chính họ.

Trong thực tế vẫn có các tổ chức Hội ở cơ sở khởi động việc hỗ trợ khá tốt. Cụ thể như tại thị trấn Dương Minh Châu, Hội Phụ nữ có cách tích luỹ vốn hiệu quả, cần được nhân rộng trong thời điểm khó vận động nguồn vốn như hiện nay. Bà Phạm Hải Trinh, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn cho biết, từ tháng 5.2017, Hội đã phát động tại 4 khu phố, mỗi khu phố 25 sổ tiết kiệm Vì Phụ nữ nghèo để tạo nguồn vốn giúp đỡ hội viên phụ nữ khởi nghiệp.

Hội vận động mỗi tháng một hội viên có điều kiện góp 100.000 đồng vào sổ tiết kiệm để gây quỹ tạo vốn hỗ trợ phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp. Hình thức huy động vốn này nhận được ủng hộ của nhiều người, và số sổ tiết kiệm cũng ngày một tăng lên tại các khu phố.

Con đường khởi nghiệp không dễ dàng, nhất là đối với thanh niên hay những phụ nữ yếu thế. Họ là những người chưa có nhiều trải nghiệm, không ít người đang lúng túng, chưa thật sự hiểu khởi nghiệp phải bắt đầu từ đâu. Họ cần hiểu rằng muốn khởi nghiệp đầu tiên phải chính từ việc phát huy nội lực bản thân, xác định đam mê và luôn tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước.

Bên cạnh đó chính là sự quan tâm, tạo điều kiện, chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan. Có như vậy mới thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích những người trẻ phát huy tính sáng tạo và mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình.

Chị Trương Thị Thu Hương- Bí thư Phường đoàn Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh là một gương mặt trẻ kinh doanh giỏi. Từ việc làm thêm tại quán cà phê để tích luỹ kinh nghiệm, đến nay Hương đã sở hữu 2 quán cà phê ở mặt tiền đường CMT8 và Võ Thị Sáu, thu hút một lượng khách thường xuyên, mang về nguồn thu ổn định. Chị Hương chia sẻ: “Người trẻ cần chọn lựa những nghề vừa phải với sức mình, cứ bắt đầu từ những cái nhỏ, tích luỹ đầu tư dần dần. Quan trọng nhất, mỗi người cần phải xác định thế mạnh của bản thân, niềm đam mê mới có thể nỗ lực hết sức và gặt hái được thành công”.

VI XUÂN - HOÀNG KHA

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh