Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Các khu công nghiệp - khu chế xuất:
Khởi động sản xuất đầu năm
Thứ ba: 23:54 ngày 31/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều doanh nghiệp tổ chức họp mặt và lì xì, khích lệ, động viên công nhân - người lao động (CN-NLĐ).

Công nhân Công ty Happy Tex (KCN Trảng Bàng) khởi động làm việc trong ngày đầu tiên năm 2023.

Gần 100% lao động tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) hoạt động trở lại sau tết nguyên đán với không khí vui tươi, hăng say làm việc. Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều doanh nghiệp tổ chức họp mặt và lì xì, khích lệ, động viên công nhân - người lao động (CN-NLĐ).

Phấn khởi trở lại làm việc

Tại Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành (KCN Trảng Bàng), vào mùng 9 Tết (tức ngày 30.1.2023), gần 1.000 công nhân phấn khởi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Ông Nguyễn Qui Hoàng- Chủ tịch Công đoàn Cơ sở công ty cho biết, dù trong năm 2022 gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế - xã hội nhưng công ty bảo đảm việc làm, thu nhập, đặc biệt trong dịp trước tết, công ty thưởng tết và hỗ trợ các phúc lợi cho công đoàn viên, người lao động: vé xe về quê, tặng quà tết, tạo điều kiện cho công nhân ở lại Tây Ninh đón tết.

Anh Danh Hòn (24 tuổi), 4 năm làm việc tại Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành, năm nay là năm đầu tiên anh không về quê ăn tết cùng gia đình ở Bạc Liêu, anh là một trong 45 công nhân tình nguyện ở lại. “Tôi đăng ký trực bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công ty dịp tết để kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian này, tôi được công ty, công đoàn thăm hỏi, hỗ trợ chi phí ăn tết tại Tây Ninh. Sau kỳ nghỉ, tôi rất vui vì được gặp lại anh em đồng nghiệp. Ngày làm việc đầu năm, được công ty lì xì, động viên, chúng tôi có thêm tinh thần làm việc”- anh Danh Hòn chia sẻ.

Mùng 7 Tết, anh Ngô Văn Tính (30 tuổi) và gia đình đã rời Cà Mau lên Tây Ninh chuẩn bị trở lại làm việc. Hai vợ chồng cùng làm tại Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành, trong ngày làm việc đầu tiên sau tết, đối với anh “tất cả đều thuận lợi”. Anh Tính bày tỏ: “Trở lại làm việc, chúng tôi rất vui, nhất là khi gặp lại đồng nghiệp, được làm công việc mình yêu thích. Tôi gắn bó với công ty gần 10 năm rồi, công ty luôn chăm lo, tạo cho chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định. Trong năm mới, tôi mong rằng công ty sẽ ngày càng phát triển để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo gia đình”.

Cùng với công nhân Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành, hàng trăm ngàn CN-NLĐ tại các KCN-KCX trên địa bàn tỉnh cũng phấn khởi khi ngay từ đầu năm mới đã có việc làm, không phải chờ việc. Ông Lê Thanh Tuấn- Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Happy Tex (KCN Trảng Bàng) cho biết, trong ngày đầu tiên, công ty có gần 100% công nhân trở lại làm việc. Doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện các đơn hàng mới và có kế hoạch sản xuất dài hạn, bảo đảm việc làm ổn định cho CN-NLĐ.

Chị Trần Thị Tài Linh (27 tuổi, ngụ phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), công nhân Công ty Happy Tex nói: “Sáng mùng 9 Tết, tôi đến công ty sớm để tham dự lễ khai trương năm mới và bắt tay vào làm việc. Thời gian qua, nhiều công ty cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm khiến cuộc sống công nhân gặp khó khăn. Vì vậy, có việc làm ngay từ đầu năm mới là niềm vui lớn đối với tôi”.

Theo ghi nhận, từ mùng 6 Tết (27.1.2023) đã có một số doanh nghiệp khai trương hoạt động. Đến mùng 9, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN-KCX đồng loạt mở cửa hoạt động, chào đón công nhân - NLĐ trở lại làm việc, như Công ty TNHH Sai Lun (KCN Phước Đông) đón gần 5.000 công nhân, Công ty TNHH ACTR (KCN Phước Đông) tổ chức lì xì đầu năm mới cho 1.300 công nhân...

Khu công nghiệp Trảng Bàng nhìn từ trên cao.

Gần 100% lao động trở lại làm việc

Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, cuối năm 2022, toàn tỉnh có 532 công đoàn cơ sở doanh nghiệp (8 doanh nghiệp nhà nước, 524 doanh nghiệp ngoài nhà nước). Trong đó, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh có số lượng doanh nghiệp và công đoàn viên - người lao động cao nhất tỉnh, với hơn 115.342 lao động và 211 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, hiện có gần 100% lao động tại các doanh nghiệp trong KCN-KCX trở lại hoạt động. Tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào ngày đầu năm tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và không có biến động lớn về lao động. Dịp trước tết nguyên đán, toàn tỉnh có gần 1.800 công nhân ở lại Tây Ninh đón tết, trong đó có hơn 1.400 công nhân, công đoàn viên thuộc Công đoàn Khu kinh tế tỉnh.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công tác chăm lo đời sống, việc thực hiện các chế độ lương, thưởng cũng như tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chúc tết... của các cấp công đoàn đối với công nhân lao động được thực hiện kịp thời, mang đến cái tết ấm áp, vui tươi.

Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với công đoàn doanh nghiệp các cấp thực hiện các hoạt động chúc tết, lì xì cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Trước đó, dịp cuối năm 2022, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp cùng công đoàn doanh nghiệp các cấp thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho CN-NLĐ: tổ chức chợ tết công nhân, tặng quà tết cho công nhân, thăm và tặng quà cho công nhân không về quê ăn tết... Để động viên, khuyến khích công nhân quay lại làm việc đúng thời gian quy định, lãnh đạo các doanh nghiệp đến tận nhà máy gặp gỡ, trò chuyện và lì xì cho mỗi người từ 200.000 - 500.000 đồng.

Công đoàn Khu kinh tế tỉnh vận động doanh nghiệp mở rộng sản xuất; tuyên truyền, vận động người lao động trở lại làm việc ngay sau hết kỳ nghỉ tết; tạo động lực cho một năm mới thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân lao động.

Hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động từ 700.000 - 3.000.000 đồng/người

Với quan điểm “không để ai ở lại phía sau”, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch 6696/QĐ-TLĐ, ngày 16.1.2023 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm hợp đồng.

Theo đó, đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc sẽ được hỗ trợ từ 700.000 - 1.000.000 đồng, tuỳ theo đối tượng.

Đoàn viên,  người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ từ 1.400.000 - 2.000.000 đồng, tuỳ theo đối tượng.

Đoàn viên, người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ từ 2.100.000 - 3.000.000 đồng, tuỳ theo đối tượng.

Tâm Giang - Ngọc Bích

Báo Tây Ninh
Tin liên quan