Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khơi lại những huyền thoại núi
Thứ sáu: 21:59 ngày 16/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một là truyện về cô gái Lý Thị Thiên Hương tài sắc vẹn toàn, quê ở Trảng Bàng. Hai là truyện về nàng Đênh là con một vị quan trấn người Khmer ở vùng núi Một. Cả hai nàng đều có căn duyên với đạo Phật.

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha…

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm, đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta

                                                            (Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm)

Su Jong- Cô sinh viên Hàn Quốc khám phá núi Bà.

Ngày 29.12.2014, Chính phủ đã ra quyết định ban hành “Danh mục dự án đầu tư vào Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nhiều cuộc khảo sát, hội thảo khoa học đã diễn ra- bàn về bảo tồn phát triển khu du lịch quốc gia trọng điểm này.

Nhưng có lẽ chưa có ý kiến nào bàn tới việc khơi dậy, phát huy những huyền thoại từng có xưa nay ở núi. Vậy cũng nên “kiểm kê” lại, giúp những người làm du lịch tỉnh nhà. Bởi chính những huyền thoại ấy sẽ khơi gợi, đánh thức trí tưởng tượng của con người, làm tăng sức hấp dẫn bội phần cho núi.

 

Huyền thoại xa xưa nhất phải là sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu. Nhà sưu khảo Huỳnh Minh trong "Tây Ninh xưa" đã chép lại cả hai sự tích được lưu truyền. Một là truyện về cô gái Lý Thị Thiên Hương tài sắc vẹn toàn, quê ở Trảng Bàng. Hai là truyện về nàng Đênh là con một vị quan trấn người Khmer ở vùng núi Một. Cả hai nàng đều có căn duyên với đạo Phật.

Nhưng nàng Lý lại thầm yêu chàng trai Lê Sĩ Triệt, sau chàng đầu quân cho tướng quân Võ Tánh. Còn nàng Đênh lại từ chối việc hôn nhân với con trai quan trấn ở Trảng Bàng. Về sau, Lý Thị Thiên Hương bị bức hại ở núi. Nàng Đênh thì bỏ nhà tầm đạo rồi biệt tích. Cả hai chuyện có chung một đoạn kết là đều “hiển thần” và báo mộng cho người sau được biết.

Riêng nàng Lý lại từng “đối thoại” với quan tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt khi ngài lên núi tìm hiểu thực hư. Còn nàng Đênh, sau thành Bà Đênh, lại thường hiển linh phò trợ Nguyễn Ánh trên đường trốn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn.

Xem ra, chẳng sự tích nào kém cạnh sự tích nào. Tuy nhiên, chuyện nàng Lý Thị Thiên Hương còn có cơ sở hiện thực ở một vài trang sử triều Nguyễn.

Như “Đại Nam thực lục” có ghi về đội quân Võ Tánh, nơi Lê Sĩ Triệt đầu quân để cho Lý thị đợi chờ. Sách này có chép: “mùa hạ, tháng 4 (âl) năm 1788 Võ Tánh đem quân về theo Nguyễn Ánh. Tánh là người Bình Dương thuộc Phiên Trấn, trí dũng hơn người… Giặc (ở đây ý nói nhà Tây Sơn) thường răn nhau rằng: Gia Định có ba anh hùng, Võ Tánh là một… chớ nên xâm phạm”.

Đến tháng 5 (âm lịch), năm 1801 thì Võ Tánh tuẫn tiết trong trận hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây đánh thành Bình Định (trang 439, 447). Chuyện truyền tụng ở núi Bà còn cho biết chính sư tổ Đạo Trung Thiện Hiếu là người được Lý Thị Thiên Hương báo mộng.

Theo sách “Ngọn đuốc cửa thiền” của Phan Thúc Duy, thì Đạo Trung là tổ đời thứ 38 dòng Thiền Lâm tế! Ông đến núi khoảng năm 1863 và đến 1894 lại về Thủ Dầu Một lập chùa Long Hưng. Như vậy, câu chuyện về Lý Thị Thiên Hương chỉ có thể diễn ra vào cuối thế kỷ XIX, căn cứ vào truyền tụng và lịch sử.

Quan trọng hơn nữa là sự tích này sinh ra một lễ hội lâu đời nhất ở núi Bà Đen: lễ Vía Linh Sơn Thánh Mẫu 3 ngày, từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 5 (âm lịch). 3 ngày, có lẽ là do câu báo mộng này chăng: “Xác ta dù đã 3 ngày vẫn còn nguyên vẹn. Hoà thượng nên xuống triền núi phía Đông Nam mà tìm thi hài chôn cất giùm”.

Kể từ đấy, mới có lễ Vía Bà dịp tết mùng 5 trên núi Điện Bà, đến nay đã ngoài 200 năm có lẽ. Lễ hội rực rỡ và hoành tráng nhất là dưới thời sư tổ Tâm Hoà (tự Chánh Khâm)- trụ trì vào các năm từ 1919 đến 1937.

Đến cuối năm 2017, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ đề nghị Bộ công nhận lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

“Ông Đá Nứt” ở núi Bà.

 Một huyền thoại gần hơn, từng được quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức chép lại từ trước năm 1820 trong sách “Gia Định thành thông chí”. Phần viết về núi Linh Sơn (Bà Đen) có đoạn: “Chân núi sát với hồ chằm, cảnh trí đẹp đẽ, rừng hố hiểm sâu… Tương truyền trong hồ có thấy chiếc chiêng đồng, giống như việc “khánh nổi ở bến sông Tứ” và việc “Được chuông ở sông Trường Giang” nhưng đến gần thì biến mất. Lại có khi giữa đêm thanh vắng thấy thuyền rồng lênh đênh, múa hát du dương, có rùa vàng nổi chìm lớn chừng hơn một trượng. Đó là do khí thiêng đúc kết, không phải việc quái đản…”.

Cái hồ chằm trong đoạn mô tả trên, tiếc thay không còn nữa. Theo các nhà sư cao tuổi, trước đây nó nằm ở phía sau chùa Trung, đón nước suối Vàng. Nay, sau những năm bom đạn tơi bời và những năm phục hồi xây dựng đã mất hết dấu tích, nhường đất cho các công trình mới. Bù lại là có một hồ mới nằm giữa lòng khu du lịch núi rợp bóng rừng thuỳ dương.

Liệu có thể tạo nên một cảnh trí của hơn 200 năm trước ở chính hồ này chăng? Đây là điều mà bà con có đạo Cao Đài từng làm trong các gian triển lãm nhân lễ Vía Đức Chí Tôn từ mùng 8 tết. Dù ở quy mô nhỏ hơn nhưng cũng có những “thuyền rồng lênh đênh, rùa vàng nổi chìm ẩn hiện…”.

Một số huyền thoại nữa về núi Bà cũng được tác giả Huỳnh Minh chép lại trong sách “Tây Ninh xưa” in năm 1973 (Nxb Thanh Niên tái bản năm 2001). Đấy là những chuyện: “Dấu chân ông Khổng lồ trên núi; Đạo binh vô hình ở vùng núi Cậu Tây Ninh; Chúa Nguyễn Ánh gặp thần nữ và Huỳnh Trung, ngọn đèn hồn tử sĩ hay là lão bộc”.

Huyền thoại đầu tiên về dấu chân khổng lồ còn liên quan đến cây dầu lớn ở Trại Bí (nay thuộc huyện Tân Biên), có tảng đá nặng khoảng một tấn nằm trên “một cái chảng ba, bề cao lối nửa thân cây”.

Theo câu chuyện thì vào năm 1930, vật chứng của huyền thoại này vẫn còn và tác giả đã được tận mắt nhìn thấy. Trên núi, trước chùa Linh Sơn, là “tảng đá lớn có in một dấu chân rất to lún xuống… Từ ngón cái ra gót chân dài lối 5 tấc”.

Cây dầu xưa ở Trại Bí đã mất dạng từ lâu, đến hồi kháng chiến chống Pháp không thấy ai nhắc đến. Huyền thoại có chi tiết là ông Khổng lồ từ núi Bà bước một chân qua núi Cậu. Ông giậm chân hơi mạnh nên làm lún đá để lại vết chân.

Ông nhặt một viên đá ném con quạ và viên đá ấy đã mắc lại trên cây dầu cổ thụ. “Vết chân ông Khổng lồ” nay vẫn còn. Chính xác thì nó nằm trên tảng đá trước nhóm tháp mộ dưới chân dốc Thượng (theo con đường bộ lên núi).

Nhưng dấu vết cũng đã mờ nhạt lắm, chỉ dài độ hơn 3 tấc mà thôi. Nhưng dẫu 3 hay 5 tấc thì cũng không xứng tầm với huyền thoại. Vì nếu ông Khổng lồ chỉ một bước đã sang núi Cậu thì dấu chân ông phải có kích cỡ bằng một... sân bóng đá.

Cúng Dinh Quan lớn Trà Vong ở Suối Vàng.

Một huyền thoại khác của núi còn để lại dấu vết vật chất là truyện về đạo binh vô hình ở vùng núi Cậu- Tây Ninh. Xin nhắc lại kẻo lầm, là núi Cậu thời trước nay là núi Phụng, nằm rất gần tỉnh lộ 785 nối TP. Tây Ninh với huyện Tân Châu, cách Thành phố chỉ 12km. Huyền thoại này cho rằng, có một đạo “âm binh” của Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản thường xuất hiện về đêm, mỗi tháng một đôi lần.

Dấu tích vật chất chỉ còn một ngôi miếu thờ Quan Lớn Trà Vong. Nay thì miếu đã được xây sửa khang trang thành một dinh thờ lớn, được rất đông người sùng tín. Theo truyền tụng dân gian thì vùng suối Vàng, núi Phụng là nơi quân binh Quan Lớn Trà Vong luyện quân tập ngựa.

Do câu chuyện này mà dinh thờ có cả một gian rộng phía sau bày hàng trăm tượng ngựa. Vào đầu thế kỷ XX, nơi đây còn xuất hiện một huyền thoại về “ông Tuấn”. Vẫn còn một dòng suối mang tên ông “thấm thía chảy ra” từ núi Đất (núi Heo). Theo bản đồ phân khu quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, thì cánh đồng và ngôi dinh thờ đều nằm trong tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng Ma Thiên Lãnh.

Có một huyền thoại nữa, được Huỳnh Minh xếp vào sự tích lịch sử, đó là truyện “ông Đá nứt hai trên núi Điện Bà”. Cũng là có lý, bởi chuyện này liên quan đến một vị sư tổ có thật tu hành trên núi.

Đấy là “Tổ thứ ba của Linh Sơn, tự là Tánh Thiền”. Chuyện rằng có một tảng đá to chắn đường từ khu Điện Bà tới chùa Hang. Tổ Tánh Thiền đã đến nơi mỗi đêm, tụng kinh Kim Cang và khấn nguyện các bậc bề trên. Sau đúng 100 ngày, tảng đá nứt đôi, tạo lối đi rộng 1,5 mét cho người đi qua lên viếng chùa Hang.

Tham khảo sách cũ, cũng như hỏi các bậc cao tăng trên núi, được biết sư tổ Tánh Thiền- Quảng Thông còn gọi là Kim Tiên- Huệ Mạng chính là vị tổ đời thứ hai của Linh Sơn Tiên Thạch tự (chùa Bà). Vậy truyền thuyết này chỉ có thể có từ cuối thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX mà thôi.

Lễ hội ở chùa Khe Đon, Bắc núi Bà Đen.

Trên dưới 200 năm. Du khách hôm nay vẫn mỗi ngày đi qua ông Đá nứt ngày xưa. Chỉ qua ngôi Điện vài chục mét, ngoặt vài khúc quanh, lên mươi bậc đá đã thấy ngay vách đá phẳng phiu cao chừng 3 mét ở tảng bên trong, gần 2 mét ở tảng bên ngoài.

Hai tảng nứt và tách ra vừa một lối cho 2 người đi lọt. Người ta cũng đã mở thêm một lối đi rộng rãi phía bên ngoài. Ai đó đã vẽ lên mặt đá nứt một chùm cành lá. Hẳn là người vẽ đã không biết đến huyền thoại ấy, để có thể vẽ nên một bức Graffiti xứng tầm hơn.

Núi Bà! Một thiên nhiên lộng lẫy, cảnh trí sinh động. Sẽ càng đa dạng và sinh sắc hơn với những huyền thoại hiển hiện đó đây, lấp lánh những hồi quang quá khứ… Để mọi người có thể tự hào như Nguyễn Khoa Điềm đã từng thốt lên trong bài thơ của mình: “Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm, đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”.

N.Q.V

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục