Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến nay vườn mãng cầu của anh Lợi đã thu hoạch được 4 năm, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, trung bình mỗi vụ đạt khoảng 10 tấn, cho lãi gần trăm triệu đồng.
Xuất thân trong một gia đình nhà nông, anh Trần Hoà Lợi, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Bình (Thị xã) có cuộc sống bình thường cũng như bao thanh niên ở các vùng quê nông thôn khác. Gắn bó với ruộng vườn từ khá sớm, anh Lợi nghỉ học từ năm lớp 6. Mới 13 -14 tuổi đầu, anh đã phải cặm cụi làm việc ngoài đồng cùng cha mẹ, anh em. Hết làm cho gia đình lại đi chăn trâu, làm mướn cho người khác.
Cứ thế tuổi thơ của anh Lợi là những tháng ngày vất vả trên đồng. Lớn lên một chút, các anh em trong gia đình đều lần lượt lập gia đình, người cha cũng qua đời. Thế là chỉ còn anh Lợi với mẹ già. Lúc ấy, Lợi cũng chỉ biết đi làm thuê cho người khác, còn 3 mẫu đất của gia đình mỗi năm chỉ làm một vụ mì. Đến một lúc anh Lợi chợt nghĩ: “Sao mình cũng có đất mà lại phải đi làm thuê cho người ta?”. Thế là anh quyết định tìm hướng đi khác. Anh quyết định trồng mãng cầu. Lúc ấy, ở ấp Tân Lập không mấy ai trồng mãng cầu, nên anh Lợi phải nghe không ít “lời ra, tiếng vào” của mọi người. Nhưng mặc, chàng trai cần mẫn này cứ tự ươm giống mãng cầu và trồng được 1 ha.
Anh Lợi (bìa trái) bên vườn mãng cầu đang mùa thu hoạch |
Đến nay vườn mãng cầu của anh Lợi đã thu hoạch được 4 năm, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, trung bình mỗi vụ đạt khoảng 10 tấn, cho lãi gần trăm triệu đồng. Anh Lợi cười chia sẻ: “Ngoài việc phải chăm sóc mãng cầu thường xuyên, còn phải biết tính toán thời điểm để không bị rớt giá, thất mùa. Nhưng có lẽ một phần cũng nhờ mình hên”.
Để tích luỹ kinh nghiệm làm vườn, anh Lợi đã không ngừng học hỏi, cho đến tận bây giờ, anh vẫn luôn học hỏi thêm bất cứ thứ gì có liên quan đến nghề vườn. Trước khi bước vào vụ đầu, anh đã bỏ ra không ít thời gian đến thăm vườn của người quen, xem cách họ cắt cành, bón phân, phun thuốc. Lúc đầu do học vấn hạn chế, anh cũng gặp khó không ít trong việc đọc và nhớ tên thuốc cũng như công dụng của nó, nhưng sau hơn 4 năm “sống nhờ mãng cầu” anh đã có thể nắm rõ từng loại thuốc và biết phun xịt vào thời điểm nào là thích hợp. Anh sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm làm vườn của mình cho người khác “mà người ta lại làm tốt hơn mình nữa”- anh cười cho biết.
Trồng mãng cầu thành công, kinh tế gia đình anh Lợi có phần dễ chịu hơn trước. Thực hiện việc lấy ngắn nuôi dài, từ tiền bán mãng cầu anh đem đầu tư chăm sóc mì và cao su. Tự hào chỉ căn nhà khang trang vừa mới xây xong cuối năm 2009 thay thế cho căn nhà rách rưới trước kia, anh Lợi khoe: “Đều nhờ vào tiền mãng cầu mà tui xây được căn nhà này”. Cuộc sống hiện tại với anh là khá tốt, một căn nhà đẹp và một người vợ xinh vừa mới cưới. Niềm hạnh phúc đã đến từ những nỗ lực không ngừng của anh. Anh Lợi chưa có ý định dừng kế hoạch làm ăn: “Tôi dự định mướn thêm một vài phần đất để tiếp tục trồng mãng cầu. Vì hiện tại kinh tế gia đình vẫn chưa thật phát triển lắm”. 32 tuổi đời, thời gian vẫn còn dài để chàng trai nông thôn này có thể vững vàng hơn trong những bước đi có phần chậm rãi nhưng chắc chắn của mình.
NGÔ TUYẾT