Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khởi nghiệp với nghề đan giỏ nhựa
Thứ hai: 09:15 ngày 05/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong căn nhà, với hầu hết không gian để sản phẩm, nguyên phụ liệu, chị Lê Thị Yến Nhi (35 tuổi, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) mỗi ngày cần mẫn đan những chiếc giỏ từ sợi đai nhựa. Đây là niềm đam mê của người phụ nữ nông thôn này.

Chị Nhi cho biết, chính thức khởi nghiệp với nghề đan giỏ được hai năm, nhưng trước đó, chị đã mày mò tự học nghề khá lâu. Trong một lần đi Đồng Nai, khi nghỉ chân uống nước, chị thấy một bà cụ ngồi đan giỏ bằng dây nhựa nên hỏi thăm vì thấy khá thú vị.

Nhưng rồi, công việc mưu sinh kéo chị ra khỏi suy nghĩ về việc làm giỏ. Một lần tình cờ, chị lại đọc được một bài báo viết về bà cụ làm nghề này nên tìm đến để học. Chị được bà chia lại 2 cuộn dây nhựa nặng vài chục ký để tập làm. Ngoài đan giỏ, chị Nhi còn tự học móc len.

Tốt nghiệp trung cấp ngành kỹ thuật điện tại Tây Ninh nhưng không xin được việc, chị Nhi có nhiều năm đi đi về về giữa Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc ổn định. Khi rảnh rỗi, chị lại đem dây ra đan giỏ. Hết dịch Covid-19, hai vợ chồng chị Nhi quyết định về hẳn Tây Ninh để được sống gần mẹ và lập nghiệp.

Chị Lê Thị Yến Nhi tham gia ngày hội khởi nghiệp.

“Sau khi bàn bạc cùng gia đình, tôi chọn nghề đan giỏ thay vì móc len gia công. Chiếc giỏ thương phẩm đầu tiên tôi làm mất một ngày và bán được 35 ngàn đồng. Tôi vui lắm, dẫu lúc đó giỏ chưa được đẹp”- chị cười vui vẻ nhắc lại. Lý giải về việc chọn nghề đan giỏ nhựa, chị Nhi cho biết, ngoài niềm đam mê còn vì dễ tiếp cận với nhiều khách hàng. Hơn nữa, nghề này ít cạnh tranh vì trên địa bàn tỉnh phổ biến. 

Tuy số tiền kiếm được ít ỏi nhưng chị Nhi vẫn chọn theo nghề. Nhận được sự ủng hộ của gia đình nên chị càng quyết tâm theo đuổi công việc. Chị tự học rồi dạy nghề lại cho người thân. Đến giờ, gia đình chị có 3 nhân công đan giỏ chính, có thể đan từ 50-70 giỏ xách hoàn chỉnh/tuần. Sau đó đến mỗi cuối tuần, chồng chị Nhi đem giỏ đi bán tại các chợ trong tỉnh. Chị Nhi dành thời gian đan giỏ và thử nghiệm những mẫu mới cho sản phẩm. “Khi người thợ đã vững nghề thì nhìn mẫu sẽ đan được thôi. Để tìm kiếm hay học mẫu mới không khó, tôi học trên YouTube hay bạn bè trong các hội nhóm trên Facebook. Tuy không thể học được hết nhưng có nhiều cái mới để mình sáng tạo”- chị Nhi cho biết.

Đến giờ, ngoài giỏ xách thông dụng, chị Nhi còn biến tấu sản phẩm thành những chiếc giỏ với đa dạng hoa văn, kiểu dáng nhỏ gọn; có khi chị lại làm túi cầm tay, túi đeo, móc khoá, kẹp tóc và các vật dụng văn phòng. Ngoài ra, còn có loại giỏ sợi đai nhựa kết hợp thêm len; sắp tới, chị sẽ phối hợp thêm da, vải, quai gỗ, hạt để sản phẩm được nâng tầm giá trị.

Theo chị Nhi, hàng handmade thì thường đắt nhưng sản phẩm này giá khá ổn, lại tiện dụng. “Khả năng mình tới đâu thì sẽ tiếp cận khách hàng ở phân khúc đó. Nếu muốn tiếp xúc phân khúc khách hàng cao hơn thì tôi phải biết tìm cách nâng tầm sản phẩm lên”- chị Nhi chia sẻ. Theo ước tính của chị, với dòng sản phẩm từ sợi đai nhựa này, món bình dân giá sẽ từ vài chục ngàn đồng. Nếu được phối với các phụ liệu khác, giá cũng không quá 300 ngàn đồng/sản phẩm.

Công việc đang dần ổn định, thế nhưng, cái khó ở đây là thiếu nhân công nên chị đào tạo nghề cho những lao động có nhu cầu và cho nhận sản phẩm để gia công đối với lao động địa phương. Chị hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người tham gia, bởi vì: “Từ những cơ duyên trong cuộc sống, sản phẩm của tôi đã dần được nhiều người biết đến. Nhưng hiện tại tôi chưa thể đẩy mạnh quảng bá, đợi sau khi có đủ nhân lực sẽ thực hiện việc này tốt hơn, đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Những sản phẩm phụ kiện cũng được làm tỉ mỉ.

Chị Trịnh Thị Thoa- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thành Long cho biết: “Năm ngoái, Hội có hỗ trợ làm hồ sơ khởi nghiệp cho cơ sở của chị Nhi. Năm nay Hội bắt đầu giới thiệu sản phẩm trong các hoạt động của Hội LHPN các cấp tổ chức, giúp sản phẩm được nhiều người biết hơn. Mới đây, chị Nhi mang sản phẩm của mình lần đầu tham gia Ngày hội Nông dân - Phụ nữ - Thanh niên khởi nghiệp năm 2024 và nhận được nhiều sự chú ý”.

Từ hành trình khởi nghiệp của mình, chị Nhi tâm sự: “Khó khăn là những điều luôn có trên con đường khởi nghiệp của mỗi người. Nên khi quyết định làm mình phải tính toán, có giải pháp cho những khó khăn đó. Chính bản thân mình phải tự tìm cách để vượt qua”.

Khi chọn khởi nghiệp với đồ handmade, chị Nhi luôn xác định sẽ khó khăn trong bảo hộ sản phẩm độc quyền nhưng chị cũng không lo cạnh tranh trong lĩnh vực này. Bởi hàng handmade phụ thuộc vào ý tưởng, thẩm mỹ riêng biệt của từng người. Nếu có sự trùng lặp, thay vì cạnh tranh, chị sẽ chọn hợp tác với nhau để cùng phát triển, cùng nhau tạo ra đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Là một người có nhiều đam mê với hàng thủ công nên chị dành hầu hết thời gian tìm ý tưởng, thử sản phẩm mới, móc len trang trí. Chị chia sẻ: “Với niềm đam mê của mình, mỗi khi làm xong một sản phẩm tôi thấy rất vui. Càng vui hơn khi sản phẩm vừa làm ra đã có người chọn mua”.

Chọn khởi nghiệp với đam mê, hiện tại dẫu còn nhiều khó khăn nhưng chị Nhi luôn tin tưởng vào chọn lựa của bản thân: “Theo tôi, nghề nào cũng có giá trị và vị trí nhất định trong xã hội. Khi đã xác định được con đường đi của mình thì cứ tự tin, kiên định theo đuổi nhưng phải linh động để bước tiếp. Trong quá trình phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu thật sự có đam mê, bạn hãy quyết tâm đến cùng, đừng từ bỏ”.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục