Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khởi nghiệp với rượu mãng cầu
Thứ tư: 22:32 ngày 23/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không phải là người đầu tiên thử nghiệm sản xuất, nhưng gần đây, khi nói đến rượu mãng cầu ở Tây Ninh, nhiều người đã tìm đến chị Âu Vương Ngọc (37 tuổi), một nữ doanh nhân trẻ đầy nhiệt tâm. Chị luôn khát khao biến rượu mãng cầu thành đặc sản, thành quà tặng mang ý nghĩa “Cầu như ý” đến mọi người.

Chị Ngọc giới thiệu sản phẩm với khách

Từ năm 1988, những người dân ở khu vực ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành đã biết đến gia đình chị Ngọc với nghề sản xuất xà bông, dầu ăn, sau này là kinh doanh, phân phối một số mặt hàng thực phẩm chay. Dù cũng đã tìm hiểu về nghề gia truyền nhưng sau đó chị lại thích học nghề thẩm mỹ, với ước muốn làm đẹp cho mọi người.

Những năm sau, việc kinh doanh sản phẩm nhà làm khó lòng cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp đa dạng và tiện lợi, công việc sản xuất của gia đình gặp khó khăn, chị và gia đình chuyển dần hướng kinh doanh phân phối một số mặt hàng. Chị Ngọc phải phụ giúp việc kinh doanh của gia đình nên chị đành rẽ hướng sang học tài chính.

Sau khi lập gia đình, người thân hay khuyên chị nên an phận tiếp nối sự nghiệp của gia đình. Nhưng vốn tính thích khám phá, chị nhìn đâu cũng có thể nảy ra ý tưởng kinh doanh. Và từ ý tưởng, chị Ngọc quyết tâm biến thành hiện thực. Chị kể: “Có lần tôi đi đường thấy những vỏ dừa tươi chất đống bỏ đi thì nảy ra ý nghĩ xay nhuyễn chúng để làm phân và ủ nấm.

Tôi luôn nghĩ mọi thứ đều có giá trị riêng nếu được đặt đúng chỗ”. Rồi chị gọi xe chở đống vỏ dừa về nhà, đặt mua máy từ Bến Tre về hì hụi xay. Do không xử lý tốt vỏ dừa bốc mùi khó chịu không ai chịu làm, vậy là chị đeo găng, mang ủng tự mình xay cho hết, ròng rã một tháng trời. Chị nói: “Có lúc người bê bết nhưng tôi không nghĩ mình sẽ bỏ cuộc”.

Không phải cố gắng nào cũng được đền đáp, giá thể từ vỏ dừa chưa xử lý tốt bốc mùi nặng khiến nhiều người phản ứng, rồi nấm thu được chỉ còi cọc và lưa thưa. Lúc ấy, chị Ngọc có chút thất vọng vì phải từ bỏ ý tưởng từng nung nấu và bỏ công thực hiện trong thời gian hàng tháng trời. “Dù tôi bỏ cuộc nhưng có một người bạn của tôi đã tận dụng số vỏ dừa này để tiếp tục sản xuất dùng làm phân bón rất có hiệu quả. Tôi vẫn thấy vui”- chị nói.

Khoảng năm 2012, qua thông tin từ bạn bè, chị Ngọc thấy được tiềm năng từ mãng cầu. Do mãng cầu có nhược điểm khó bảo quản, sản phẩm sau trái mãng cầu cũng gần như không có, chị bắt đầu nghĩ tới ủ rượu mãng cầu. Chị theo một người cô học ủ rượu mãng cầu. Sau này vì vài lý do người cô đó không tiếp tục với việc sản xuất, chị là người tiếp nối đến giờ. “Tôi nhận thấy đây là cơ hội đưa đặc sản mãng cầu đến gần với nhiều người hơn”- chị cho biết.

Thời gian đó, ngày nào cũng vậy, chị Ngọc tỉ mỉ ngồi bóc vỏ, tách hạt cả chục ký mãng cầu để ủ rượu. Mỗi ngày, chị lại thử nghiệm một công thức khác, ghi chép cẩn thận để so sánh, chọn ra công thức phù hợp nhất. Chị cười mà đúc kết rằng, không phải đường đi nào cũng thuận lợi. Không ít lần chị hốt hoảng đến “muốn xỉu” vì những hũ rượu mình ủ lúc nhúc giòi. Hay những lần chị phải nếm vị chua khi rượu ủ hoá thành giấm. Nhưng với chị đó không là thất bại, bởi vô tình lại có thêm sản phẩm mới- giấm từ trái mãng cầu. Vốn là người rất lạc quan nên khó khăn nào với chị cũng luôn có cách giải quyết.

Chị suy nghĩ rồi ngộ ra những thất bại trên là do chất lượng trái cây không tốt và quyết định chọn nguồn nguyên liệu tốt hơn để ủ rượu. Chị tìm đến vườn mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của một chủ vườn cũng tâm huyết với mãng cầu sạch ở Tây Ninh. Đến nay, chị Ngọc sử dụng nguồn mãng cầu đạt chuẩn VietGAP để làm nguyên liệu ủ rượu.

Chị không ngừng tìm hiểu- trực tiếp qua bạn bè, người quen hay tra cứu trên mạng- những thông tin phục vụ việc ủ rượu mãng cầu của mình. Bên cạnh đó, chị nghiên cứu máy tách hạt mãng cầu, và nhận được sự hỗ trợ từ những người thân để hoàn thiện. Việc sản xuất rượu mãng cầu được chị đầu tư dây chuyền chuyên nghiệp hơn trước, giảm nhiều công đoạn phải làm thủ công.

Với quãng thời gian 7 năm qua của mình, chị Ngọc nhớ: “Có những lúc tôi bận bù đầu đến tối mịt mới về đến nhà. Nhiều lần chồng tôi xót bảo nghỉ nhưng tôi vẫn kiên trì vì mong muốn làm ra sản phẩm thật sự tốt cho sức khoẻ người dùng”.

Sản phẩm rượu mãng cầu Vương Ngọc của chị đã bắt đầu xuất hiện ở những hội chợ thương mại. Chị còn làm quà cho bạn bè mang sang nước ngoài. Chị đang tìm cách cho sản phẩm của mình chính thức xuất ngoại trong thời gian sắp tới. Không chỉ vậy, chị Ngọc còn thử nghiệm bã rượu sau thời gian ủ để làm thành giấm nuôi, với mong muốn cung cấp những sản phẩm chất lượng, thân thiện môi trường cho người dùng. Chị đang kiểm nghiệm, công bố sản phẩm giấm nuôi từ bã rượu mãng cầu. Chị đang hướng đến tận dụng các giá trị từ trái mãng cầu như phần vỏ ủ phân hữu cơ, hạt thì làm thuốc trị chí, ươm cây giống…

Bên cạnh mãng cầu, chị Ngọc còn thử thêm những vị rượu trái cây khác, trong đó chị chú ý sản phẩm rượu trái thơm. “Cầu như ý, tiếng thơm vang xa”, câu slogan được chị Ngọc nghĩ ra với mong ước thịnh vượng, may lành, làm việc tốt sẽ vang xa đến người tiêu dùng. Đó là ý tưởng cho cặp rượu mãng cầu - thơm, món quà tặng ý nghĩa cho du khách xa gần khi đến với Tây Ninh, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán sắp tới. Chị Ngọc cho biết: “Rượu mãng cầu có thể dùng để chưng cùng mâm ngũ quả ngày tết; rượu tốt cho sức khoẻ người dùng, pha chế cocktail làm món ngon đãi khách”.

Đến bây giờ, chị Ngọc không nhớ mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền bạc cho ước mơ vị rượu mãng cầu của mình. Chị nói: “Tôi không thể nhớ hết mình đã ủ bao nhiêu hũ rượu, cũng như đã bỏ bao nhiêu công sức. Chỉ biết là bản thân mình phải cố gắng làm ra những sản phẩm thật sự hài lòng. Bởi mình hài lòng thì mới có thể phục vụ tốt người dùng”. Chị quan niệm: “Mình sống là để chia sẻ yêu thương”. Chính vì vậy,  những sản phẩm chị và những người thân trong gia đình đang hướng tới đều gần gũi với thiên nhiên, tốt cho sức khoẻ người dùng.

Chị Ngọc nói mình may mắn khi có gia đình luôn ủng hộ những ý tưởng và việc làm. Theo chị: “Tôi luôn nhận được sự động viên của gia đình, làm gì cũng được miễn là vừa sức mình”. Chị thấy mình cần cố gắng thêm để hoàn thiện. Chia sẻ về cách khởi nghiệp, chị Ngọc cho rằng đừng đặt cho mình những mục tiêu quá to tát, chỉ nên đặt những mục tiêu nhỏ, vừa sức với bản thân mình. Chị vui vẻ “bật mí”: “Mỗi ngày, tôi đặt cho mình mục tiêu bán vài chai rượu và khi đạt được thì tôi rất phấn khởi. Điều đó làm động lực để tôi tiến xa thêm bước nữa, cứ vậy tiến lên từ từ”.

Chị chia sẻ: “Tôi làm những gì mình muốn, chứ không phải làm để chứng minh này nọ. Mình làm bằng cái tâm tự nhiên sẽ có những sản phẩm hoàn thiện và tốt nhất. Tôi luôn tin như vậy”.

VI XUÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục