Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khôi phục điệu múa xoè của dân tộc Thái
Thứ sáu: 00:12 ngày 09/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Múa xoè là điệu múa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc, đã theo chân đồng bào Thái vào Tây Ninh lập nghiệp tại ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu.

Thiếu nữ dân tộ Thái ở Long Phước biểu diễn múa xoè tại Gala giao lưu văn hoá các dân tộc thiểu số năm 2019.

Tại đây, đồng bào Thái hoà nhập nhanh vào cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày với cộng đồng dân cư địa phương. Tuy vậy, những người Thái Tây Ninh vẫn luôn nhớ da diết điệu xoè bao đời nơi quê cha đất tổ.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí giúp cộng đồng người Thái ở Tây Ninh khôi phục điệu múa xoè, nhưng việc xây dựng nhà văn hoá cho đồng bào dân tộc Thái ở đây, đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Ông Hà Duy Khuyền, 71 tuổi, người có uy tín của đồng bào dân tộc Thái ở ấp Phước Trung cho biết, quê ông ở Thanh Hoá, cuối năm 1992, ông đưa gia đình vào Tây Ninh sinh sống. Những năm sau đó, nhiều hộ gia đình dân tộc Thái khác cũng rời làng quê vào đây lập nghiệp, dần hình thành cộng đồng dân tộc Thái ở xã Long Phước.

Những năm đầu đặt chân ở vùng đất mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình ông Khuyền cũng như nhiều người khác được chính quyền địa phương cấp cho mỗi hộ 1 ha đất khai hoang và một phần đất nền nhà. Bà con cất nhà làm ăn sinh sống bằng nghề trồng lúa, trồng mì và các loại hàng bông. Một số hộ vào rừng hái lá mật cật về chằm nón lá bán. Dần dần, đồng bào dân tộc Thái ở đây tính luỹ tiền bạc, sang nhượng đất đai làm ruộng rẫy, phát triển kinh tế gia đình. “Gia đình tôi có 6 ha đất đang trồng lúa xen vụ với trồng mì. Một số hộ dân khác, có hộ trồng cao su, có hộ chuyên canh cây mía, hiện chỉ còn 1 hộ làm nghề hái lá mật cật về bán cho thương lái ở Long An chứ không còn làm nghề chằm nón”- ông Khuyền cho hay.

Đến vùng đất khách, đồng bào dân tộc Thái mang theo văn hoá truyền thống của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hoá của người dân Tây Ninh. Tuy nhiên, đồng bào không có điều kiện tổ chức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, từ đó những đặc trưng văn hoá của dân tộc Thái ở ấp Phước Trung đứng trước nguy cơ bị mai một.

Năm 2019, UBND xã Long Phước có Tờ trình số 48/TTr-UBND gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bến Cầu và Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bến Cầu xem xét, tạo điều kiện xây dựng nhà văn hoá dân tộc Thái; hỗ trợ kinh phí, trang phục, dụng cụ để phục dựng điệu múa xoè dân tộc Thái. Tính đến nay, điệu múa xoè khôi phục, nhưng việc xây dựng nhà văn hoá cho đồng bào dân tộc Thái vẫn chưa được thực hiện.

Ông Khuyền kể, năm 2019, có một thầy ở TP. Hồ Chí Minh về địa phương truyền dạy những điệu múa xoè cho con em dân tộc Thái ở ấp Phước Trung. Bà con ở đây cũng tự khôi phục một số điệu múa đặc trưng của dân tộc Thái như múa nón, múa sạp và mang đi biểu diễn phục vụ văn nghệ tại các sự kiện ở xã, huyện, tỉnh.

Nhạc cụ dân tộc Thái có nhiều loại, nhưng hiện nay, đồng bào dân tộc Thái ở ấp Phước Trung mới khôi phục được loại khèn bè. Ông Khuyền cho hay, vừa qua bà con dân tộc ở đây mua được 2 cây khèn bè. Một cây đã chuyển về trưng bày ở Bảo tàng tỉnh, cây còn lại đang cất giữ cẩn thận tại nhà ông Khuyền. Đó là một dụng cụ gồm 17 đoạn nứa dài ngắn khác nhau kết lại thành một khối bè. Trên mỗi đoạn trúc có khoét lỗ để điều khiển âm thanh. Ông Khuyền nói: “Hiện tại, trong cộng đồng dân tộc Thái ở ấp Phước Trung chỉ có ông Hà Công Khẹt biết thổi loại nhạc cụ dân tộc này. Sắp tới, tôi sẽ nhờ ông Khẹt dạy lại cách sử dụng loại khèn này cho con cháu ở đây”.

Về các trò chơi dân gian, bà con ở đây vẫn thường rủ nhau chơi đi cà kheo ở những sân nhà tương đối rộng. Riêng trò ném còn, bà con vẫn còn biết cách chơi nhưng ở đây không tổ chức được vì diện tích sân nhà không đủ rộng.

Vì nhà văn hoá cho đồng bào dân tộc Thái ở ấp Phước Trung chưa được xây dựng, để tạo điều kiện cho cộng đồng người Thái ở đây có nơi sinh hoạt, chính quyền địa phương dự kiến che chắn thêm bên hông nhà văn hoá ấp Phước Trung, tạo không gian cho bà con vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình- cán bộ văn hoá xã Long Phước cho biết: “Hiện tại, ở ấp Phước Trung có 31 hộ gia đình dân tộc Thái với 107 nhân khẩu đang làm ăn sinh sống. Việc xây dựng nhà văn hoá cho đồng bào dân tộc Thái đến nay chưa thực hiện vì chưa có kinh phí”.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục