BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khởi sắc du lịch Đông Nam bộ 

Cập nhật ngày: 02/12/2022 - 23:23

BTN - Trong 2 năm ký kết thoả thuận hợp tác, các địa phương trong vùng đã hình thành và tổ chức các tour, tuyến du lịch liên kết vùng Đông Nam bộ rõ nét và phong phú.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ngành đón tiếp đoàn caravan đầu tiên của chương trình du lịch liên kết vùng Đông Nam bộ, nằm trong chương trình ký kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch bắt đầu từ năm 2020

Ngày 28.6.2020 tại Tây Ninh, ngành du lịch các tỉnh miền Đông Nam bộ đã ký kết thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, qua đó thúc đẩy ngành dịch vụ “không khói” tăng tốc để phát triển. Sau 2 năm thực hiện thoả thuận này, du lịch Đông Nam bộ đã có bước chuyển mình và hình thành những điểm sáng trong thu hút du lịch.

Phong phú các tour du lịch

Trong 2 năm ký kết thoả thuận hợp tác, các địa phương trong vùng đã hình thành và tổ chức các tour, tuyến du lịch liên kết vùng Đông Nam bộ rõ nét và phong phú. Năm 2021, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng đến tiến độ việc phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, đến tháng 10.2021, trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng 4 tour mô hình khép kín: Hồ Tràm Grand Strip, suối nước nóng Bình Châu, Hồ Tràm Melia, Six sense Côn Đảo; phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức một số tour thí điểm đi Củ Chi và núi Bà Đen do các doanh nghiệp như Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty cổ phần Du lịch & Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel, Công ty TNHH du lịch Saco Travel… triển khai thực hiện.

Sang năm 2022, các công ty du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đông Nam bộ dành cho đối tượng khách du lịch nội địa, nổi bật có một số tour, tuyến như: tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - cáp treo núi Bà (tour 1 ngày và tour 2 ngày), tuyến du lịch Về nguồn theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam (tour 1 ngày và tour 2 ngày dành cho khách đoàn), tuyến du lịch “Vũng Tàu”, “Côn Đảo”, “Hồ Tràm’, “Long Hải” theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo; Thành phố Hồ Chí Minh - Hồ Tràm; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Hải (tour 1 ngày và tour 2 ngày).

Song song đó, Công ty TNHH du lịch Saco Travel với tuyến du lịch “Hành hương về Bà Chúa Tây Ninh” theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương (tour 2 ngày), đồng thời, Công ty đã triển khai xây dựng bến xe tại chân núi Bà Đen, Tây Ninh để nâng cấp dịch vụ vận chuyển phục vụ ngành du lịch vùng Đông Nam bộ với sản phẩm “Trải nghiệm Tây Ninh cùng Limousine”. Công ty cổ phần Du lịch Hoà Bình Việt Nam với tuyến du lịch “Khám phá Tây Ninh” theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh (tour 1 ngày và tour 2 ngày)…

Bên cạnh việc nghiên cứu các tour kết nối đến các danh lam, thắng cảnh, di tích của các địa phương vùng Đông Nam bộ của các đơn vị lữ hành, ngành du lịch khảo sát xây dựng kết nối sản phẩm du lịch tại các tỉnh, thành phố, trong đó đáng chú ý như: Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Đồng Nai tổ chức 2 đợt khảo sát: sản phẩm du lịch “tàu hoả - tàu thuỷ” và sản phẩm du lịch Làng bưởi Tân Triều, Đảo Ó - Đồng Trường để nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh; phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức đoàn Famtrip trải nghiệm tour du lịch đường sông; phối hợp tỉnh Tây Ninh tổ chức chuyến famtrip với chủ đề “Khảo sát tiềm năng du lịch Tây Ninh”; phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón đoàn famtrip quốc tế từ thị trường Mỹ và Ấn Độ…

Một giải pháp nữa được chú trọng và đang phát huy rất tốt hiệu quả là tăng cường quảng bá du lịch vùng Đông Nam bộ trên các kênh truyền thông du lịch của các địa phương. Hoạt động quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông được các tỉnh, thành phố phối hợp đăng tải, đưa tin như trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động, Sài Gòn Giải Phóng… và các đài truyền hình của địa phương. Đồng thời, thường xuyên thông tin, chia sẻ truyền thông về du lịch các tỉnh Đông Nam bộ trên cổng thông tin điện tử của các đơn vị, trang mạng xã hội, các group cộng đồng, các travel bloggers… Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phóng sự “Du lịch Tây Ninh - Về miền Di sản”; chương trình liên kết kích cầu được tổ chức tại Vũng Tàu trên 30 báo đài; chương trình hội thảo du lịch Bình Phước được đăng tin trên 15 báo, đài.

Đẩy mạnh thiết kế các sản phẩm mới

Trong năm 2023, trên cơ sở những điểm tích cực và hạn chế được nhìn nhận, đặc biệt là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ngành du lịch các địa phương đã tăng tốc, phối hợp để thiết kế nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó đáng chú ý như tổ chức chương trình toạ đàm kết nối sản phẩm du lịch đặc trưng các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và công bố các chương trình tour; tổ chức đoàn công tác đi làm việc với lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh K’ratie, Stung Treng (Campuchia), Champasak (Lào), tỉnh UBon Ratchathani (Thái Lan) và đi khảo sát, đánh giá các điểm đến kết nối phát triển du lịch trong chương trình ký kết du lịch với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan (chương trình famtrip quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Bình Phước).

Cùng với đó, tổ chức khảo sát, kết nối chương trình du lịch vùng Đông Nam bộ với các vùng Tây Nam bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, nhiều tỉnh trong khu vực đã lên kế hoạch cho những hoạt động riêng, bản sắc của từng địa phương như Bình Dương tổ chức Tuần lễ văn hoá - ẩm thực - du lịch Bình Dương”; Bình Phước tổ chức không gian trưng bày, quảng bá văn hoá, du lịch và giới thiệu ẩm thực đặc trưng các địa phương vùng Đông Nam bộ trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày giải phóng Phước Long 6.1; Đồng Nai tổ chức Liên hoan món ngon vùng, miền và tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ hội quảng bá nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần thứ I, năm 2023…

Để thực hiện tốt các chương trình này, các tỉnh, thành khu vực thống nhất ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ năm 2023; thành lập Ban Điều phối để chỉ đạo, điều hành chương trình hợp tác phát triển du lịch đã ký kết.

Thống nhất tăng cường công tác trao đổi, thông tin về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch; chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn của vùng; trao đổi và thống nhất các nội dung kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch của vùng; các địa phương xây dựng chính sách giá kích cầu, khuyến mãi thật sự đủ mạnh để tạo sức hút đối với các công ty du lịch thực hiện giá tour trọn gói hấp dẫn.

Các địa phương tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành tour, tuyến du lịch liên kết. Tổ chức các đoàn famtrip khảo sát các điểm đến du lịch; quan tâm đầu tư nâng cấp thêm các cơ sở dịch vụ về du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng nghỉ, khu mua sắm phục vụ khách đoàn. Tăng cường thực hiện công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch vùng Đông Nam bộ; tập trung tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch; xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam bộ tham gia các sự kiện du lịch do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức; phối hợp xây dựng và thúc đẩy phát triển các chương trình (tour) du lịch cho toàn vùng.

Tổ chức hội nghị mời gọi xúc tiến đầu tư về du lịch vào 6 tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ và xây dựng chương trình kích cầu du lịch chung cho vùng Đông Nam bộ.

Trong năm 2022, tổng lượng khách du lịch Đông Nam bộ đạt hơn 23 triệu lượt khách, trong đó, khách nội địa là gần 22 triệu, khách quốc tế hơn 1,2 triệu lượt. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu với tổng lượng khách hơn 11,2 triệu lượt, tỉnh Tây Ninh xếp thứ hai với hơn 4,5 triệu, thứ tự tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước với lượng khách là hơn 2,1 triệu, hơn 2 triệu, hơn 1,5 triệu và hơn 700 lượt.
Doanh thu cả vùng đạt 109.091 tỷ đồng, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với hơn 92.376 tỷ, kế tiếp là Bà Rịa - Vũng Tàu là 12.352 tỷ đồng, riêng Tây Ninh là 1.400 tỷ đồng.

Đức An