BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải tạo quốc lộ 22B:

Không BOT, không trạm thu phí !

Cập nhật ngày: 13/08/2016 - 07:08

Ngay sau khi Báo Tây Ninh thông tin việc Sở Giao thông - Vận tải lấy ý kiến rộng rãi về kế hoạch đầu tư nâng cấp quốc lộ 22B bằng hình thức BOT, người viết đã nhận được những thông tin trái chiều đối với vấn đề này. Mặc dù đa phần ý kiến đều đồng thuận với chủ trương đầu tư nâng cấp quốc lộ 22B theo hình thức BOT bởi nhu cầu bức thiết… Nhưng, mới đây, làm việc tại Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và lãnh đạo tỉnh đã thống nhất một giải pháp khác cho việc đầu tư cải tạo quốc lộ này.

Một đoạn quốc lộ 22B chật hẹp đi qua huyện Châu Thành.

Băn khoăn BOT

Trước thông tin ngành giao thông chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 22B, nhiều người dân quan tâm đến vấn đề này. Trước thực tế xuống cấp nặng nề thời gian qua, người tham gia lưu thông trên quốc lộ này vừa bất an vừa chán ngán. Bởi tiếng là quốc lộ nhưng chất lượng công trình giao thông này chưa tương xứng. Không chỉ xuống cấp, hư hỏng nhiều nơi, quốc lộ 22B còn thường xuyên ngập nước ở nhiều đoạn. Hệ thống thoát nước không đồng bộ và cũng đã xuống cấp theo đường. Mặt đường nhiều nơi hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận tải ngày một tăng nhanh. Hành lang quốc lộ nhiều đoạn dài hầu như không có hoặc “biến mất” do hoạt động buôn bán, sinh hoạt và do các công trình dân sinh lấn chiếm… Do đó, đa phần người dân khu vực ven quốc lộ 22B và người đi đường đều mong muốn tuyến giao thông này sớm được đầu tư cải tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Thế cho nên, khi có thông tin quốc lộ 22B sẽ được đầu tư nâng cấp cải tạo bằng hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) và nhà đầu tư sẽ đặt 2 trạm thu phí trên đường để thu hồi vốn thì nhiều người biết chuyện vừa mừng vừa lo. Mừng vì khả năng trong 2 – 3 năm tới, quốc lộ 22B sẽ lành lặn, khang trang hơn và lưu thông thuận lợi, an toàn hơn hiện giờ. Lo là vì, thời gian qua, bên cạnh hiệu quả quan trọng trong huy động nguồn vốn xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông, hình thức BOT tồn tại không ít hạn chế, bất cập gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể như đã có những dự án BOT được triển khai ồ ạt, vội vàng đến mức cẩu thả, bỏ qua nhiều nguyên tắc cơ bản, thiếu công khai, minh bạch. Bên cạnh việc đầu tư các dự án đường BOT mới, nhiều nhà đầu tư “làm BOT” bằng hình thức cải tạo, nâng cấp, “tân trang” các tuyến đường huyết mạch vốn do Nhà nước xây dựng nhưng còn thiếu kinh phí nâng cấp, để sau đó ung dung thu phí từ trên 10 đến 30 năm. Đây thực sự là một “nỗi sợ” của người dân bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ lại phải mất thêm tiền nộp cho các trạm thu phí. Nghị trường Quốc hội đã nhiều lần “nóng” lên vì chuyện BOT ở các dự án giao thông. Ví dụ như ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (đơn vị tỉnh Bình Phước) từng bức xúc: “Không được mở BOT ở các tuyến độc đạo. Nếu mở BOT thì phải để người dân chọn một trong hai phương án là đóng phí để đi nhanh, thuận lợi hoặc có quyền đi trên đường miễn phí”.

Một quyết định hợp lòng dân !

Trở lại chuyện quốc lộ 22B, đây được xem là tuyến đường “độc đạo” quan trọng để lưu thông theo chiều Nam – Bắc của tỉnh và nối hai khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài – Xa Mát với nhau. Theo phương án cải tạo quốc lộ mà ngành chức năng đã trình Bộ GTVT nghiên cứu phê duyệt thì tuyến đường này không phải là đường mới mở. Hầu như suốt tuyến đường này, hình thức “nâng cấp, cải tạo” chính là gia cường thêm kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa (thảm thêm lớp bê tông nhựa). Chỉ riêng đoạn từ Mít Một đến Xa Mát, phần lề gia cố láng nhựa cũ (rộng mỗi bên 2m) sẽ được thay thế bằng kết cấu bê tông nhựa. So với trước, bề rộng mặt đường nhựa ở đoạn này trước đây là 7m sẽ được mở rộng thêm thành 11m. Đồng thời, hệ thống thoát nước trên đường cũng được xây lắp bổ sung rãnh thoát nước dọc đoạn qua khu dân cư; điều chỉnh, cải tạo các cống thuỷ lợi; nâng cấp, cải tạo cầu Cần Đăng (thị trấn Tân Biên). Với các hạng mục trên, dự kiến tổng mức đầu tư dự án này lên đến khoảng 1.124 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 754 tỷ đồng.

Hành lang an toàn quốc lộ 22B “không an toàn”.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư các dự án giao thông quan trọng, cấp thiết bằng hình thức BOT được xem là giải pháp hữu hiệu trước mắt. Tuy nhiên, đối với tuyến quốc lộ 22B, vốn là tuyến đường có sẵn, được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nay chỉ phải gia cố thêm lớp nhựa mặt đường và bổ sung một số hạng mục phụ mà phải áp dụng hình thức BOT thì nghe như chưa được hợp lý. Bởi nếu thực hiện, việc đầu tư nâng cấp quốc lộ 22B như dự kiến sẽ “lợi cho doanh nghiệp làm đường, bất lợi cho người tham gia giao thông”. Người dân sẽ phải trả phí khá cao trong thời gian gần 20 năm cho việc lưu thông trên con đường mà Nhà nước đã làm sẵn, doanh nghiệp chỉ tu sửa mở mang thêm. Theo một kỹ sư về cầu đường, việc thảm thêm nhựa mặt đường cũng chỉ sử dụng được nhiều lắm là 10 năm, trong khi thời hạn thu phí gần gấp đôi là điều cần xem lại.

Đồng cảm với những băn khoăn này, trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ rất cân nhắc việc đầu tư cải tạo quốc lộ 22B bằng hình thức BOT bởi thấy rằng nếu áp dụng hình thức này, người tham gia giao thông sẽ phải nộp phí oan uổng. Đây là quốc lộ duy nhất đi qua và xuyên dọc tỉnh Tây Ninh, một lượng lớn người và phương tiện tham gia giao thông bắt buộc phải đi trên đường này. Trong khi đường không phải do doanh nghiệp thực hiện dự án BOT đầu tư hoàn toàn. Do đó, việc đặt các trạm thu phí là chưa ổn.

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng là băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Đường hư nặng, cần phải làm gấp nhưng vốn ngân sách nhà nước không có. Còn đầu tư bằng hình thức BOT thì không ổn. Vấn đề tưởng chừng như nan giải cuối cùng đã được Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh thống nhất giải quyết theo hướng khác: Bộ và tỉnh cùng làm đường. Theo đó, tỉnh sẽ tạm ứng khoảng 300 tỷ đồng để cùng Bộ GTVT “đại tu” lại tuyến quốc lộ 22B, chủ yếu là sửa chữa mặt đường, cống thoát nước, gia cường nâng tải trọng cầu Cần Đăng. Và theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ phải xúc tiến triển khai ngay kế hoạch “đại tu” quốc lộ 22B để bảo đảm chậm nhất đến năm 2019, quốc lộ này có được diện mạo mới.

HOÀNG ANH