Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không chỉ là bóng đá
Chủ nhật: 14:29 ngày 17/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Suốt 4 năm qua, câu chuyện về HLV Park Hang-seo và bóng đá Việt Nam đang rất đẹp trong mắt người hâm mộ quốc tế cũng như trong nước bởi những kỳ tích chúng ta đã chạm tới những giấc mơ có thật.

Tuy nhiên, sau bốn trận thua ở vòng loại World Cup vừa qua với cái nhìn thực tế của thầy Park, rằng người Việt yêu bóng đá, nhưng đó là thứ “bóng đá chiến thắng” dường như đã và đang hiển hiện…

Áp lực từ những giấc mơ có thật!

Ngày 10/10/2017, HLV Park Hang-seo đến Việt Nam trong sự hoài nghi của rất nhiều người. Sau đúng 4 năm, ông lại đang chịu áp lực bởi sự kỳ vọng lớn từ chính những gì ông đã đưa bóng đá Việt Nam ngất ngây trong những đỉnh cao khu vực.

Trước đó, HLV Park Hang- seo từ chỗ được xem như cánh tay phải đắc lực của HLV Guus Hiddink trong chiến tích cùng Hàn Quốc vào top 4 thế giới ở World Cup 2002, ông Park Hang-seo dần bị lãng quên và thậm chí đã từng nghĩ đến chuyện chia tay với nghề HLV.

Và rồi, từ chỗ bị đông đảo người hâm mộ Việt Nam hoài nghi về năng lực, ông Park làm nên những điều không tưởng cho bóng đá Việt Nam. HLV sinh năm 1957 đã giúp đội U.23 Việt Nam giành ngôi Á quân U.23 châu Á 2018, sau đó cùng đội Olympic Việt Nam lọt vào top 4 ASIAD 2018, đặc biệt lần đầu tiên chúng ta thắng được Nhật Bản ở một giải chính thức.

Cũng trong năm 2018, đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup một cách đầy thuyết phục. Bước sang năm 2019, đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup. Dàn cầu thủ U23 sau đó tiếp tục mang đến niềm phấn chấn cho người dân Việt Nam khi giành tấm huy chương vàng tại SEA Games 30 năm 2019.

Chưa dừng lại ở đó, đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park đã tạo dấu ấn lịch sử cho bóng đá Việt Nam với lần đầu tiên vào đến vòng loại cuối cùng World Cup. Đó là chưa kể đến một loạt những thành tích xuất sắc khác, dưới bàn tay của ông Park, bóng đá Việt Nam đã tạo nên nhiều cột mốc chưa từng có. Chúng ta khiến bóng đá Thái Lan thôi ồn ào suốt 4 năm qua. Chúng ta lần đầu tiên thắng được Indonesia trên sân đối phương sau 20 năm dè dặt.

Vậy là từ chỗ bị hoài nghi về năng lực, sau 4 năm với rất nhiều thành công, ông Park Hang-seo phải đối diện với một áp lực khác trong giai đoạn khó khăn này. Đó là sức ép của sự kỳ vọng!

HLV Park Hang-seo và các cầu thủ đội tuyển Việt Nam và hành trình bốn năm làm nên kỳ tích.

Mặc dù tới vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, khi phải chạm trán những đối thủ vượt xa về đẳng cấp cũng như kinh nghiệm, chúng ta xác định rằng mình không quá đặt nặng vấn đề về mặt thành tích.

Dù phải chạm trán Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc hay Oman, những chiến binh sao vàng vẫn luôn vào trận cùng quyết tâm cộng thêm ý chí ngút ngàn. Điều ấy giúp cho chúng ta đã có lúc buộc đối thủ phải rơi vào tâm trạng âu lo, thậm chí là sợ hãi.

ĐT Việt Nam đã thực sự đã tạo nên dấu ấn đậm nét bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, bằng khao khát khẳng định mình ở sân chơi châu lục trong lần đầu tiên góp mặt tại vòng đấu cuối vòng loại World Cup. Tuy nhiên, ngay cả khi gây ấn tượng đậm nét với cả châu Á bằng quyết tâm có thừa thì chúng ta sau tất cả vẫn phải đón nhận thất bại vì… VAR.

HLV Park Hang-seo thừa nhận: “Đây là lần đầu chúng tôi lọt vào vòng loại thứ ba, bản thân tôi và người dân Việt Nam đều mong mỏi. Nhưng phải nói thật là chúng tôi cần thêm thời gian để cải thiện.”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh nhiều chỉ trích bởi thứ bóng đá “chiến thắng”, thì nhiều ý kiến cho rằng, việc ĐT Việt Nam vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2022 đã là một thành công đáng ghi nhận.

Vì thế, nếu thầy trò HLV Park Hang-seo có điểm thì đó sẽ là kỳ tích còn nếu không, đó cũng là điều hết sức bình thường. Và có thể, sau khi những trận đấu này kết thúc không đúng với mong đợi của người hâm mộ, khi sự kỳ vọng sẽ giảm đi và điều đó sẽ lại mang đến những tín hiệu tích cực cho thầy trò HLV Park Hang-seo trước 2 trận đấu trên sân nhà với Nhật Bản cũng như Saudi Arabia trong tháng 11 tới đây. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chỉ trích, hãy để HLV Park làm việc…

Và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Nhiều người lo ngại, áp lực của thầy Park bây giờ rất giống câu chuyện bóng đá Thái Lan từng để mất Kiatisak vào năm 2017. Hồi đó, Kiatisak giúp bóng đá Thái Lan lấy lại uy nghiêm của đội bóng số 1 Đông Nam Á với 2 chức vô địch AFF Cup, HCV SEA Games. Một điều đặc biệt là Kiatisak đưa tuyển Thái Lan vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Song, tuyển Thái Lan rơi vào bảng đấu có Úc, Nhật Bản, Saudi Arabia nên thua liên tục. HLV Kiatisak lập tức bị áp lực bủa vây tứ phía và quyết định từ chức HLV trưởng tuyển Thái Lan.

Ngày chia tay, Kiatisak nói thẳng rằng: “Mục tiêu ấy quá cao, quá khó để thực hiện. Tôi từ chức để mở đường cho một người khác có thể làm được việc này. Trong bóng đá, chúng ta không thể lúc nào cũng thắng.

Đó là điều mà Chủ tịch FAT và Ban điều hành liên đoàn đã bỏ qua khi đánh giá về tôi”. Cụ thể, sự kỳ vọng dành cho Kiatisak là Thái Lan phải chơi tốt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018, phải thắng, thậm chí nghĩ đến mục tiêu dự World Cup!

Kiatisak rời đi thì bóng đá Thái Lan chìm trong khủng hoảng. Tuyển Thái Lan không thể bảo vệ được danh hiệu AFF Cup, không lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Thái Lan tốn rất nhiều để mời các HLV giỏi về cầm quân nhưng tất cả đều thất bại.

Bây giờ, bóng đá Việt Nam cũng chạm vào cánh cửa lịch sử là giành vé vào vòng loại cuối cùng World Cup như Thái Lan của Kiatisak. Và ông Park đang bắt đầu bị áp lực rất lớn khi tuyển Việt Nam thua các đối thủ mạnh ở châu Á.

Chưa kể, ông Park sắp hết hạn hợp đồng với VFF. Một khả năng có thể xảy ra là HLV Park Hang- seo chọn cách chia tay như Kiatisak. Đó chắc chắn là điều không ai muốn. Vì bóng đá Việt Nam có thể bỏ tiền mời HLV giỏi nhưng rất khó tìm được người phù hợp để thành công…

Ở góc độ khách quan, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thẳng thắn bày tỏ sau trận thua ngược dòng với Oma: “Việt Nam có thắng Oman 10-0 thì tôi vẫn buồn”.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng, không phải trong trận đấu với Oman vừa qua, mà không ít trận đấu trước kia, người hâm mộ Việt Nam đã quá thất vọng, thậm chí hằn học vì trọng tài đối xử với tuyển Việt Nam.

“Trọng tài đã tìm mọi cách kiểu “bới bèo ra bọ” nhằm không cho Việt Nam được hưởng bàn thắng mà chúng ta đưa vào lưới tuyển Oman. Họ không muốn Việt Nam thắng. Hành động của trọng tài đã cho ta hiểu thái độ của trọng tài đối với tuyển Việt Nam là thế nào. Khi mà Việt Nam chưa trở thành một quốc gia để thế giới phải nể trọng ở rất nhiều lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, môi trường, điện ảnh, âm nhạc, văn học”....

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Quang Minh đặt vấn đề, tại mỗi mốc kỷ niệm hoặc một thành tích nào đó của đội tuyển do ông Park dẫn dắt, người hâm mộ lại có xu hướng bàn về chiến thuật hay về một thứ triết lý bóng đá đã giúp ông thành công và được yêu mến đến vậy.

Triết lý bóng đá của Đội tuyển Việt Nam qua ông Park Hang-seo thể hiện ngay trong cách chơi ở cả sân khu vực lẫn châu lục. Đó là chơi phòng ngự phản công, dựa trên sự chắc chắn của hàng phòng ngự và sự tinh tế, khôn ngoan của các tiền vệ.

Gần như 100% người hâm mộ nhận ra diện mạo này. Nó được duy trì chắc chắn, bền bỉ, ổn định bởi ông Park cùng một thế hệ tuyển thủ trẻ trung suốt bốn năm rồi. “Dẫu thế, tôi cho rằng, phải cảm ơn ông Park vì trong bốn năm gắn bó ông mang lại quá nhiều điều tích cực, thăng hoa cho bóng đá Việt Nam. Cảm giác thăng hoa nhờ ông mà có đã truyền cảm hứng cho những người yêu bóng đá chân chính bật ra câu hỏi và mong muốn được trả lời thấu đáo: Triết lý đúng đắn cho bóng đá Việt Nam là gì”?...

Có thể nói, HLV Park Hang-seo đã gắn bó với Việt Nam bốn năm, là bốn năm rất đẹp với người hâm mộ, những người đã đợi rất lâu để được tận hưởng những tấm huy chương ở khu vực và châu lục. Họ thần tượng ông, gọi ông bằng “thầy Park”, như cách gọi thân thương của những cầu thủ Đội tuyển Quốc gia, đã nói lên nhiều điều vô giá…

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Đòi hỏi quá mức và phi thực tế!

Cái không bình thường là nếu chúng ta cứ gồng hết người một cách vô lý để tìm lấy một chiến thắng. Rồi không được thỏa mãn thì bắt đầu xỉa xói và ném đá. Chúng ta đều mắc một sai lầm chung.

Đó là đòi hỏi và bị đòi hỏi quá mức và phi thực tế. Những gì ông Park thay đổi bóng đá Việt Nam trong mấy năm gần đây là quá sức tưởng tượng. Với sự xuất hiện của ông Park, người hâm mộ Việt Nam mới nhận ra Việt Nam có khả năng chơi bóng đúng nghĩa và có cơ hội phát triển nếu có được một chiến lược đào tạo và thi đấu bài bản nhất.

Trước kia, người hâm mộ Việt Nam vẫn hồi hộp chuyện thắng thua trước các trận đấu của đội tuyển. Bây giờ họ vẫn hồi hộp nhưng cao hơn cả sự hồi hộp là họ muốn xem cầu thủ Việt Nam chơi bóng. Nghĩa là, họ bắt đầu xem đội tuyển ở một nghĩa khác chứ không phải vì cái gọi là “màu cờ sắc áo’” mà lấn lướt mọi lý chí và chìm đắm trong ảo tưởng.

Sứ mệnh của ông Park đối với bóng đá Việt Nam đã hoàn thành không thể xuất sắc hơn. Sự xuất hiện của ông Park đã làm hiện rõ sự thật của bóng đá Việt Nam gồm thế mạnh cần liên tục củng cố và phát huy và những yếu kém phải bền bỉ khắc phục.

Từ cơ hội đó, VFF nhanh chóng xây dựng một chiến lược đào tạo để trong tương lai bóng đá Việt Nam có những thay đổi lớn lao. Việc chuyên môn là thế. Nhưng việc truyền thông cần một tư duy và thái độ kỹ lưỡng hơn nhiều lần. Nếu không chúng ta sẽ trở thành những kẻ vừa không công bằng vừa vô ơn.

Nguồn baophapluat

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục