Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Không chịu sống đời tầm gửi
Chủ nhật: 10:12 ngày 26/06/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bị dị tật đôi chân từ khi còn nhỏ, anh Thảo chịu nhiều thua thiệt khi vào đời. Nhưng ở anh không có khoản thời gian dành cho việc khóc than thân phận.

Anh Thảo nuôi cả gia đình bằng chính đôi tay cần cù lao động của mình

Sớm chịu tật nguyền vì di chứng từ chất độc da cam. Nhưng họ vẫn biết vượt lên nỗi đau để hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng. Không hề cầu mong sự thương hại của người khác, họ tự biết tìm cho mình những niềm vui sống đầy ý nghĩa. Với họ, cuộc đời không phải vô nghĩa khi bản thân còn có thể nỗ lực làm việc.

Gặp anh Trắc Minh Thảo tại ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong (Tân Biên) sẽ thấy rõ điều ấy. Đã hơn 40 tuổi nhưng anh Thảo, vốn quê ở Hoà Thành, trông vẫn còn khá trẻ, có lẽ do vóc người nhỏ nhắn và do anh luôn vui vẻ tươi cười. Bị dị tật đôi chân từ khi còn nhỏ, anh Thảo chịu nhiều thua thiệt khi vào đời. Nhưng ở anh không có khoản thời gian dành cho việc khóc than thân phận.

Ngày trước, vì đôi chân bị tật nguyền, không thể đi lại như người bình thường nên cậu bé Thảo phải sử dụng hai cánh tay của mình làm phương tiện di chuyển, để được đến trường như bao đứa trẻ khác. Rồi cậu bé tật nguyền cũng học được hết lớp 6 trường làng. Gia cảnh nghèo khó, anh em đông, Thảo ý thức được hoàn cảnh của mình nên đã mạnh dạn xin cha mẹ cho đi học nghề, mong sau này có thể tự nuôi thân. Cha Thảo cũng phải đắn đo suy nghĩ nhiều ngày mới cho cậu con trai tội nghiệp đi học nghề sửa xe tại tiệm của người bà con ở Long Hải (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành). “Vì học nơi khác, gia đình không có tiền trả”- anh Thảo nhớ lại. Được học nghề, Trắc Minh Thảo tỏ rõ quyết tâm, cố sức làm việc thật siêng năng.

Sau khi có một vốn kiến thức kha khá để hành nghề, Thảo lại tiếp tục... gây “sốc” cho gia đình khi đòi khăn gói đi xa làm việc. Rồi chàng trai tật nguyền mà “gan cóc tía” ấy một mình đến Tân Biên làm thuê cho người ta với tiền công ban đầu: hơn 200.000 đồng/tháng.

Trên vùng đất mới, Thảo đã tìm được “một nửa” của mình và đã có được cậu con trai khoẻ mạnh. Quần quật suốt hơn 10 năm, Thảo dành dụm được một số vốn để có thể tự mình mở tiệm riêng. Hai vợ chồng cùng cố gắng làm lụng nuôi con. Hằng ngày, Thảo sửa xe, kiếm vài mươi ngàn. Vợ anh đi làm thuê. “Cuộc sống không dư dả nhưng ráng gói ghém cũng sống được”- anh Thảo cười, nói với vẻ bình thản. Tiếp xúc với người đàn ông giàu nghị lực này mới thấy anh đầy lạc quan. Anh tâm sự: “Thật ra, đôi khi tôi cũng thấy buồn cho số phận mình. Nhưng cũng phải biết chấp nhận sự thật. Vả lại nhiều người khác còn đáng thương hơn mình. Nên  phải tự tìm niềm vui cho mình, chỉ tại mình không may mắn thôi. Mình có thể làm việc thì không nên trở thành gánh nặng cho xã hội”.

Anh Thảo cho biết thêm: “Tôi vừa làm đơn gửi Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh xin hỗ trợ 2 triệu đồng để làm một chiếc xe ba bánh dùng đi lại làm việc cho thuận tiện hơn”. (Hiện nay, hằng ngày anh Thảo phải di chuyển 2 cây số từ nhà ra tới tiệm sửa xe. Hôm nào vợ không đưa đi được, anh phải tự đi bằng chính đôi tay của mình).

Vợ chồng anh Đẩu hạnh phúc với đứa con nhỏ

Với anh Phan Văn Đẩu (sinh năm 1968), tuy tay chân nguyên vẹn nhưng đôi mắt bị mù (cũng do di chứng chất độc da cam). Tuổi thơ của anh Đẩu là chuỗi ngày dài trong tối tăm. Không muốn thành gánh nặng cho mọi người, anh cố gắng tập luyện để có thể tự lo cho mình trong các sinh hoạt hằng ngày. Bây giờ, anh có thể đi lại trong nhà mà không hề sợ va vấp, anh còn dùng được cả điện thoại di động như người bình thường. Hơn 10 năm trước, từ vùng quê Trảng Bàng, anh Đẩu theo người em lên Tân Biên, cư ngụ ở ấp Sân Bay, xã Tân Phong. Công việc của anh là trông giữ cháu để người em an tâm đi làm việc. Sau khi các cháu lớn khôn, không cần người trông giữ nữa, anh Đẩu quyết định đi bán vé số, tự nuôi bản thân bằng cái nghề không kém vất vả ấy. Người sáng mắt làm công việc ấy còn mệt, với người mù như anh lại càng khó khăn hơn. Anh kể lại những lần “tai nạn nghề nghiệp” như bị gạt tiền, bị lấy vé số, thậm chí còn bị lưu manh trêu chọc rồi đánh tét cả đầu. Vậy mà anh vẫn chịu đựng được hết, vượt qua được hết. 5 năm trước, anh Đẩu được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết, được người thân góp thêm vào, nay anh cũng đã có một căn nhà tử tế cho mình. Và cũng từ đây anh có một mái ấm hạnh phúc với người vợ trẻ cùng chung cảnh ngộ. Cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn bởi sự có mặt của đứa con nay đã gần hai mươi tháng tuổi. Vui nhưng khó khăn cũng tăng thêm bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Trước, hai vợ chồng cùng đi bán vé số, nay chỉ mỗi mình anh Đẩu vì chị phải ở nhà giữ con. Mỗi ngày, để kiếm được gần trăm ngàn đồng, anh phải dò dẫm, lặn lội đi bán vé số khắp nơi, có khi xuống tận Truông Mít, Bàu Đồn thậm chí Củ Chi, vì bây giờ “đội quân vé số” rất đông nên tính “cạnh tranh” cũng cao hơn nhiều. Năm ngoái, vợ chồng anh Đẩu được vay vốn hỗ trợ người nghèo diện Trung ương 10 triệu đồng để nuôi heo. Chẳng may bầy heo bị dịch chết hết, thế là trắng tay. Tuy buồn nhưng anh Đẩu vẫn cố giữ niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai: “Cuộc sống hiện tại không bằng ai nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì còn có nhiều bạn bè, lại được nhiều người tốt giúp đỡ và có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc”.

Trong cuộc sống không thiếu những người như anh Thảo, anh Đẩu – tuy thân thể tật nguyền, yếu ớt nhưng ý chí, nghị lực lại vô cùng mạnh mẽ, thậm chí là phi thường. Họ đã vượt qua nỗi đau số phận, giữ lấy niềm vui sống bằng chính sức mạnh bản thân, bằng sự nỗ lực lao động chân chính của mình, quyết không chịu sống kiếp đời tầm gửi, không muốn dựa dẫm, ỷ lại vào người khác.

ĐÀO NAM

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục