Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cuối tuần trước, khi cơn bão số 4, tức bão Noru vừa qua đi, gặp Bàn Dân, một đồng nghiệp trẻ đưa ra nhận định:
- Sao mà thời tiết ở tỉnh mình “ngộ” quá hả bác. Bão xa bão gần gì cũng bị ảnh hưởng, trước bão đã bị ảnh hưởng gây mưa tầm tã mà sau bão vẫn còn bị ảnh hưởng có mưa ở nhiều nơi.
- Bàn Dân nghĩ chuyện đó cũng bình thường. Như cơn bão vừa qua từ biển Đông đổ bộ vào miền Trung, thì cả miền Bắc, miền Nam đều tất yếu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, có mưa. Hơn nữa, cơn bão số 4 là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay và cũng mạnh hơn trung bình nhiều năm trước.
- Vậy mà em theo dõi tất cả các kênh thông tin đều thấy đưa là thiệt hại do bão hạn chế ở mức thấp nhất. Nhất là thiệt hại về người, nghe đâu không có ai bị chết trong bão cả.
- Đúng vậy, trong bão thì không có ai chết, nhưng sau bão thì có vài người bị chết do ảnh hưởng bão, và thiệt hại về nhân mạng ấy xảy ra ở địa phương ngoài vùng bão đổ bộ.
- Kết quả phòng, chống thiên tai như thế cũng tốt quá bác hả. Chắc bác theo dõi tình hình thiên tai bão lũ rất kỹ, bác có thể phân tích em nghe xem tại sao, nhờ đâu mà nước ta hạn chế được thiệt hại cơn bão Noru đến mức tối thiểu như thế, trong khi em theo dõi thấy khi bão vào biển Đông, hướng về miền Trung nước ta thì đã tăng cường độ lên rất mạnh?
- Bàn Dân cũng như ông, chỉ theo dõi tin bão qua báo chí, truyền thông, đâu có tiếp cận được với cơ quan có trách nhiệm phòng, chống thiên tai, hay các địa phương vùng bị bão lũ đâu mà biết để phân tích.
- Thì bác “đưa lại” phân tích của cơ quan chức năng, của báo chí, của các địa phương vùng bão đổ bộ cũng được vậy?
- Thôi để Bàn Dân trích dẫn một số thông tin tổng hợp từ các báo nói cho ông nghe nhé. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương phòng, chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến ngay sau ngày bão đi qua khỏi nước ta, 28.9.2022, cho biết, bão số 4 được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, tuy vậy, nhờ có sự ứng phó tốt nhất của các ngành, các địa phương với cơn bão nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đến mức thấp nhất.
Tại cuộc họp, các nguyên nhân đem lại kết quả đó, trước hết là các cấp, các ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành vùng bão đổ bộ đều có sự chủ động phòng, chống từ trước khi thiên tai xảy ra. Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh phân công cán bộ lãnh đạo tỉnh bám sát điạ phương, cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Việc sơ tán người dân vùng bão được thực hiện bằng nhiều cách, từ sơ tán tập trung ở các địa điểm công cộng, đến phân tán đến các hộ dân có nhà ở kiên cố; đồng thời lo chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho đồng bào.
Thường xuyên hướng dẫn đôn đốc ngư dân neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão. Với các địa phương có nguy cơ bị bão cô lập, phải chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm cũng như vật tư thiết yếu để khắc phục tác hại do bão… Nhờ vậy mà các địa phương vùng bão tuy có bị ảnh hưởng về nhà cửa, công trình công cộng, cây xanh đổ gãy, tàu thuyền bị chìm… nhưng cũng không quá nặng nề, còn thiệt hại về người thì gần như thương vong trong bão rất là ít.
- Bão lớn ập tới, rồi qua đi mà thiệt hại không quá nặng nề như thế cũng đáng mừng bác nhỉ. Em cũng có nghe nói là vấn đề đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào vùng bão cũng nhiều lắm phải không bác?
- Chuyện này thì Bàn Dân thấy trong những ngày trước và trong bão trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều dòng tin báo cho biết ở chỗ kia, chỗ nọ có nhà kiên cố còn nhiều phòng trống, mời các em sinh viên, các bạn công nhân, những người lỡ đường đến tránh trú bão, còn thông báo sẽ nuôi ăn uống miễn phí nữa đấy.
- Những ngày bão tố ầm ào mà nghe vậy cũng ấm áp bác nhỉ! Thế còn “hậu bão” thì sao hở bác?
- Chuyện “hậu bão” thì Bàn Dân cũng như ông thôi, chưa nghe gì nhiều, chỉ có thông tin mới nhất Bàn Dân mới biết được là, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm thứ bảy 1.10, trong phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Trước cơn bão số 4 đổ bộ, chúng ta đã tích cực, chủ động chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đề phòng, di dời dân theo tinh thần “4 tại chỗ”, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, sau bão, một số địa phương có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không quyết liệt, nhất là nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Các địa phương cần hết sức chú ý vấn đề này, cần bám sát tình hình, diễn biến phức tạp của bão lũ, kêu gọi, vận động, hướng dẫn người dân, có những việc phải cương quyết để tránh sự cố chết người. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, phòng chống bão lũ, thiên tai”.
BÀN DÂN