Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không chủ quan với Covid-19
Thứ năm: 10:32 ngày 08/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong hơn 1 tháng qua, nhất là sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị ôxy, thuốc và trang thiết bị y tế sẵn sàng cho trường hợp dịch bùng phát trở lại.

Thống kê trong hơn 3 tuần qua cho thấy cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc Covid-19. Trung bình mỗi ngày có thêm hơn 2.500 ca bệnh được báo cáo. Đáng chú ý, những ngày gần đây, số ca mắc liên tục vượt mốc 3.000 ca mỗi ngày. Điển hình là ngày 7-9, Bộ Y tế thông báo cả nước có thêm gần 3.878 ca nhiễm, cao nhất trong hơn 4 tháng qua.

Nhiều người mắc bệnh nhưng không khai báo

Số ca Covid-19 nặng và tử vong cũng tăng mạnh. Thời điểm tháng 6 và 7 chỉ ghi nhận vài ca tử vong nhưng gần đây, có ngày số bệnh nhân tử vong đã lên đến 4 ca. Tại 3 bệnh viện lớn là Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chợ Rẫy và Trung ương Huế có hơn 400 bệnh nhân nặng. Trong số này, số ca nguy kịch phải can thiệp thở máy là 19%, có 14 ca tử vong và đặc biệt số ca chưa tiêm đủ vắc-xin Covid-19 chiếm 35%.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết gần đây, số ca Covid-19 nặng nhập viện có giảm. Nguyên nhân là mới đây, Bộ Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch; kể cả người bệnh nghi nhiễm hay nhiễm Covid-19. Đây là một trong những lý do số ca bệnh giảm hơn trước do các địa phương không chuyển đến.

"Bệnh nhân nhập Bệnh viện Chợ Rẫy hầu hết đều trong tình trạng nặng, phải thở máy. Do đó, chỉ những trường hợp chuyển nặng, vượt quá khả năng điều trị mới chuyển lên tuyến trên" - bác sĩ Hùng nói.

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN

Theo bác sĩ Hùng, tình trạng bệnh nặng tại bệnh viện giảm hơn trước, tuy nhiên, có thể số ca mắc ngoài cộng đồng cao. Do đó, người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin Covid-19 nhằm tránh diễn tiến bệnh nặng nếu mắc bệnh.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng với sự lưu hành mạnh của biến thể B.A.5 có tốc độ lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể cũ, cộng thêm việc giao lưu, đi du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, học sinh - sinh viên đi học, thời gian tới, số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng. Điều đáng lo là ngoài số ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế thống kê hằng ngày thì số ca mắc thực tế có thể còn cao hơn gấp nhiều lần vì có một tỉ lệ lớn người mắc không thông báo hoặc không xét nghiệm.

Thượng tá, bác sĩ Phan Bá Hiếu - Phó Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) - cũng cho biết số ca Covid-19 tại bệnh viện thời điểm này có giảm. Dù vậy, bác sĩ Hiếu dự báo: "Khoảng 5-7 ngày tới số ca Covid-19 có thể sẽ tăng hơn so với hiện tại. Đặc biệt, bệnh nhân được phát hiện đa phần là có triệu chứng vào bệnh viện khám hoặc đang nằm điều trị nội trú được xét nghiệm và phát hiện bệnh. Chỉ đến khi có vấn đề họ mới khai báo do tâm lý xem Covid-19 như các bệnh thông thường khác nên không khai báo y tế".

Dịch vẫn diễn biến phức tạp

Tại văn bản mới nhất về việc tiếp tục sẵn sàng phương án bảo đảm ôxy y tế cho công tác cấp cứu, điều trị Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 do biến thể mới gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố.

Để bảo đảm các phương án, lực lượng, phương tiện, hậu cần đáp ứng cho các kịch bản phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế khẩn trương rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Đặc biệt, phải tổ chức triển khai kế hoạch để bảo đảm cung ứng ôxy y tế cho công tác điều trị người bệnh Covid-19 và các bệnh khác trên địa bàn.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc gia tăng ca mắc Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ là tất yếu. Bởi hiện nay có nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng mà không xét nghiệm nên vẫn giao lưu ngoài cộng đồng dẫn đến bệnh lây lan. Ngoài ra, do việc cách ly không còn nghiêm ngặt như trước nên các trường hợp bị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn tham gia các hoạt động vui chơi dịp lễ.

"Thực tế nhiều đợt dịch trước đó đều bùng phát sau kỳ nghỉ lễ nhưng trong bối cảnh hiện nay dịch Covid-19 sẽ không bùng phát mạnh như trước do người dân đã tiêm vắc-xin và nếu có mắc thì bệnh cũng nhẹ hơn. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân ở môi trường kín, nơi tiếp xúc đông người hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ. Các địa phương cũng cần nâng cao hơn nữa công tác phòng chống dịch" - PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo. 

Cần nhiều thông tin về lợi ích của tiêm vắc-xin

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng thực tế người dân chưa được thông tin đầy đủ về các lợi ích của tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh có nhiều thông tin trái chiều không có căn cứ trên mạng xã hội. "Nếu dựa trên nghiên cứu và tổng kết thì bao giờ tiêm chủng cũng có lợi hơn là chưa tiêm. Tuy nhiên, hiện người dân chưa có thông tin đầy đủ về những kết quả này. Chúng ta chỉ mới kêu gọi khuyến khích tiêm mà chưa thông tin được những lợi ích cụ thể của việc tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 bằng những nghiên cứu, tổng kết" - PGS Dũng nhận định.

Nguồn NLDO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục