BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không có chuyện sinh con gái được thưởng tiền

Cập nhật ngày: 03/07/2009 - 10:09

Các sản phụ không nên lựa chọn giới tính thai nhi để góp phần thực hiện việc cân bằng giới tính khi sinh. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

Gần hai tháng qua, nhiều người dân trong tỉnh, nhất là chị em phụ nữ chuyền nhau thông tin ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và các bệnh viện tuyến huyện có chế độ ưu đãi, khuyến khích cho những sản phụ sinh bé gái. Theo tin đồn: thai phụ đến bệnh viện siêu âm, nếu được chẩn đoán thai nhi là gái thì sẽ được bệnh viện thưởng ngay tiền mặt trị giá 300.000 đồng, còn những người sinh bé gái tại bệnh viện thì được thưởng 500.000 đồng. Lý do để các bệnh viện thực hiện chế độ ưu đãi này là do hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng, tỷ lệ bé trai khi sinh ra luôn cao hơn bé gái nên Nhà nước phải… động viên khuyến khích người dân thực hiện chính sách cân bằng giới tính khi sinh. Nhiều người còn thông tin y như thật rằng quy định này được thực hiện từ ngày 1.6.2009 ở các bệnh viện.

Bà Phan Thị Ngọc Liên, PGĐ Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ Tây Ninh khẳng định: tin đồn như trên là hoàn toàn sai. Ngành Y tế không hề có chủ trương như vậy. Hiện nay, ngành Y tế nghiêm cấm các cơ sở, dịch vụ y tế lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính khi sinh, hạn chế tỷ lệ chị em phụ nữ phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi.

Bà Liên cho biết thêm, ở Tây Ninh, hằng năm có từ 16.000 đến 17.000 cháu được sinh ra. Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng ngày càng mất cân bằng, chẳng hạn như: năm 2006, có 124 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2007 có gần 114 trẻ em trai/100 trẻ gái và năm 2008 có 118 trẻ trai/100 trẻ gái. Từ năm 2007, Bộ Y tế đã có thông báo, tỉnh Tây Ninh có tỷ số giới tính khi sinh cao đứng hàng thứ hai so với cả nước, tỉnh cần phải có giải pháp can thiệp sớm để từng bước ổn định cơ cấu dân số ở mức hợp lý.

Trước thực trạng này, Tổng cục Dân số- KHHGĐ (Bộ Y tế) đã đồng ý cho Sở Y tế Tây Ninh thực hiện đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh; điều chỉnh tỷ số giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên (Từ 103 - 107 trẻ em trai/100 trẻ em gái), đảm bảo ổn định cơ cấu dân số về giới tính, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà một cách bền vững. Trong nội dung các hoạt động của đề án, dự kiến sẽ thực hiện các mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về giới và giới tính khi sinh; Thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phát triển sản xuất của những gia đình trong độ tuổi sinh đẻ đã có 1 hoặc 2 con gái không muốn sinh thêm góp phần hạn chế việc sinh ba trở lên… Đặc biệt, trong đề án cũng đề cập đến việc hỗ trợ cho những phụ nữ ở vùng nông thôn đã có một con gái thực hiện đăng ký chỉ có hai con, cụ thể là hỗ trợ chi phí về sinh đẻ (lần sinh thứ hai được hỗ trợ 200.000 đồng/người). Tuy nhiên, hiện nay đề án này vẫn còn đang chờ Tổng cục DS-KHHGĐ - Bộ Y tế xem xét, phê duyệt.

TRỊNH VI