Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Lý Văn Gát- người phụ trách việc trông coi tài sản của Nông trường Suối Dây khẳng định, thời gian qua, không hề có việc người dân khai thác trộm mủ cao su trên đất của Nông trường trực tiếp quản lý trước đây. Bên cạnh đó, người dân nhận thức được, đó là tài sản Nhà nước nên họ không dám làm bừa.
Một điểm thu mua mủ tạm trong vườn cây cao su của Nông trường Suối Dây.
Năm 2018, Công ty TNHH MTV Cao su 1.5 giải thể theo chủ trương của tỉnh, hơn 660 ha cao su của công ty nằm trên địa bàn xã Suối Dây, huyện Tân Châu không được khai thác, giữ nguyên hiện trạng. Thời gian qua, dư luận cho rằng có vài vườn cây cao su trực thuộc Nông trường cao su Suối Dây vẫn còn người đang khai thác nhưng không ai quản lý.
Cây cao su khai thác nằm trong ðất hợp ðồng
Thời điểm này, đến Nông trường cao su Suối Dây, nếu không tìm hiểu kỹ càng, nhiều người sẽ cho rằng, vườn cây cao su của Nông trường vẫn đang có người cạo tại một số vị trí. Bởi lẽ, rải rác trên các tuyến đường lô vẫn có thu mua mủ cao su.
Theo một người cạo mủ tại khu vực đường vào các bãi khai thác cát ở ấp Suối Dây, diện tích cao su đã cỗi mà anh đang cạo là thuê lại của một người dân sống tại xã Suối Dây với giá 15 triệu đồng/ ha/năm. Chủ vườn cây này có hợp đồng với nông trường, đất vẫn là đất nông trường, cây cao su thì chủ khai thác bán mủ. Còn hợp đồng như thế nào anh không rõ, chỉ nắm chung chung vậy!
Tại một điểm khác, một người cạo mủ cao su cho biết, anh cũng là người thuê lại cao su để cạo, còn vườn cây là đất hợp đồng với nông trường, đến giờ, người chủ vẫn được quyền cạo. Mủ khai thác xong, anh chở đi bán cho các điểm thu mua trên địa bàn. Theo anh này, chỉ có những vườn cây có hợp đồng liên doanh, liên kết với nông trường trước đây mới có người khai thác. Còn diện tích cao su của nông trường trước đây, theo anh biết, thì khi giải thể đã tháo kiềng, chén, không khai thác và hiện tại vẫn có người bảo vệ.
Một người thu mua mủ nói, số lượng mủ chị mua hằng ngày của các chủ vườn có hợp đồng liên kết trồng cao su với Nông trường trước đây. Còn vườn cao su của Nhà nước, không ai dám vào khai thác trộm vì hằng ngày vẫn có bảo vệ ra vào kiểm tra thường xuyên.
Ông Phạm Hồng Châu- nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su 1.5, hiện là thành viên Ban Thanh lý tài sản công ty cho biết, khi công ty giải thể, tất cả vườn cây cao su thuộc sự quản lý của Nông trường Suối Dây đều bị dừng khai thác, tháo kiềng, chén ra khỏi cây để tránh tình trạng bị cạo trộm. Công ty giữ lại hơn 10 người phụ trách công tác bảo vệ vườn cây cao su và các tài sản khác, chờ chủ trương thanh lý của tỉnh. Mới đây, ngày 25.12.2020, Hội đồng giải thể Công ty TNHH MTV Cao su 1.5 đã bàn giao đất đai, tài sản, giá trị vườn cây cao su và người lao động về UBND huyện Tân Châu tiếp tục quản lý.
Ông Châu khẳng định, dù công ty giải thể nhưng những người được giữ lại để trông coi tài sản vẫn thực hiện hết trách nhiệm với công việc, không có chuyện để vườn cây cao su bị cạo trộm như dư luận nghi ngờ.
Ông Châu cho biết thêm, những hợp đồng trồng cao su trước đây mà Nông trường Suối Dây ký với người dân như thế nào, ông không nắm rõ. Thời điểm ký hợp đồng giữa công ty với người dân khoảng những năm 1980 - 1990, thời hạn cho người dân mượn đất đến 40-50 năm. Theo thoả thuận, người dân khai thác mủ phải bán cho Nông trường. Hiện tại, công ty đã giải thể, nên những hộ dân có hợp đồng với nông trường vẫn tiếp tục khai thác.
Cần có phương án tạm khai thác, tránh lãng phí
Ông Lý Văn Gát- người phụ trách việc trông coi tài sản của Nông trường Suối Dây khẳng định, thời gian qua, không hề có việc người dân khai thác trộm mủ cao su trên đất của Nông trường trực tiếp quản lý trước đây. Bên cạnh đó, người dân nhận thức được, đó là tài sản Nhà nước nên họ không dám làm bừa.
Ðược biết, tại biên bản bàn giao đất, tài sản, giá trị vườn cây cao su và lao động về UBND huyện Tân Châu tiếp tục quản lý ngày 25.12.2020, diện tích thuộc Nông trường cao su Suối Dây là 651,3 ha. Trong đó, có khoảng 200 ha đất vườn cây cao su đã bàn giao cho địa phương quản lý vào năm 2017, gồm đất cho mượn, đất khoán (liên kết trồng cao su), đất theo Nghị định 01/CP; Nghị định 327/CP. Còn lại là đất vườn cây khai thác quốc doanh, vườn cây kiến thiết cơ bản quốc doanh, các công trình xây dựng.
Tháng 5.2018, Công ty TNHH MTV cao su 1.5 giải thể, ngày 1.6.2018, Ban Thanh lý công ty ký hợp đồng ngắn hạn với một số lao động, thành lập tổ giúp việc tại Nông trường cao su Suối Dây. Khi bàn giao, Ban Thanh lý đề nghị UBND huyện kiến nghị cơ quan chức năng đồng ý chủ trương cho UBND huyện ký hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) đối với 11 hợp đồng lao động mà công ty bàn giao về cho huyện quản lý.
Người dân khai thác mủ từ các vườn cao su có hợp đồng với Nông trường trước đây.
Trong đó, Ban Giải thể có đề nghị chi phí chăm sóc và chống cháy vườn cây cao su năm 2021 hơn 320 triệu đồng, tổng chi phí cho bộ phận giúp việc hơn 1,7 tỷ đồng. Theo đề xuất, số tiền thanh toán cho bộ phận lao động này trích từ nguồn thanh lý tài sản, trong đó sẽ bán quyền khai thác của 68 ha tận thu mủ cao su được 2 năm trước khi thanh lý bán gỗ với dự kiến mức thu bán quyền khai thác mủ tận thu là 30 triệu đồng/ha.
Theo những người thu mua mủ cao su, hiện nay, một số diện tích cây cao su của Nông trường đang độ tuổi khai thác hiệu quả cao, nhưng Nhà nước lại không có phương án lấy mủ, rất lãng phí. Với giá khoảng 33.000 đồng/kg, số tiền thu về từ việc khai thác mủ cao su để bổ sung cho ngân sách Nhà nước trong một năm là không hề nhỏ. Do đó, trong thời gian chờ đợi phương án thanh lý, các cơ quan có thẩm quyền có thể lên phương án bán quyền khai thác cho người dân có nhu cầu.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, đối với số diện tích cao su người dân hợp đồng với Nông trường trước đây, cần có phương án xử lý dứt điểm. Bởi lẽ, vòng đời của cây cao su không dài đến 40-50 năm, nên khi chủ vườn thanh lý cây cao su, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý với đất Nhà nước đang quản lý, tránh lãng phí.
Thế Nhân