Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xin lưu ý, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, bất mãn với chế độ họ tung thông tin giả hoặc bóp méo lịch sử, làm sai lệch bản chất không phải để câu khách nhằm bán hàng online như những tầng lớp bình dân. Cái chính họ nhắm đến là từng bước làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào bộ máy nhà nước.
1. Khoảng hơn 9 giờ ngày 20.3.2003, những quả bom, tên lửa bắt đầu dội xuống Iraq- quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ ở khu vực Trung Đông hay gọi theo cách cũ là vùng Trung Cận Đông, bởi một lực lượng do nước Mỹ dẫn đầu.
Lý do, lúc đó chính phủ Mỹ kết án chính phủ Iraq “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển vũ khí giết người hàng loạt”. Gần 20 năm trôi qua, cuộc chiến tranh do nước Mỹ phát động đã gây ra hậu quả như thế nào, điều này mọi người đã biết. Nhưng có một chi tiết không phải ai cũng biết, cuộc ném bom và huỷ diệt quốc gia Trung Đông này bắt đầu bằng một chi tiết khiến sau này, báo giới phương Tây mỉa mai gọi là “ống nghiệm bột giặt”.
Trước khi mở màn cuộc chiếm đóng Iraq, trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Colin Luther Powell trưng ra trước toàn thế giới một cái ống nghiệm trong đó chứa loại hoá chất dạng bột màu trắng và khẳng định, chính quyền Iraq thủ đắc vũ khí sinh học giết người hàng loạt, được cho là bệnh than. Thậm chí, nhân vật đứng đầu cơ quan đối ngoại của cường quốc này còn khẳng định, chỉ cần vài chục tiếng đồng hồ, chính quyền Iraq có thể thực hiện cuộc tấn công hoá học.
Khi cuộc chiến hạ màn, năm 2015, chính Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair thú nhận trên truyền hình rằng, họ nhận được thông tin tình báo sai lệch về chuyện nước Iraq sản xuất vũ khí hoá học, có nghĩa, chính quyền Baghdad của Tổng thống Saddam Hussein đã bị “oan sai” trong trường hợp này.
Sau sự thừa nhận của lãnh đạo hai cường quốc dẫn đầu trong cuộc chiến tranh lật đổ chính phủ Iraq, không ai khác, chính báo chí phương Tây đã mỉa mai rằng, cuộc chiếm đóng một quốc gia được bắt đầu bằng “một loại bột giặt”.
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đưa ra lọ chứa bột trắng để minh hoạ cho mối nguy hiểm của bệnh than hồi tháng 2.2003. Ảnh: Reuters
Vì sao tác giả bài viết này mở đầu bài viết bằng nội dung trên? Như chúng ta đã biết, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin, của mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hình thức, cách thức đưa tin khác nhau.
Tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, đều có một điểm chung, báo chí không còn là nơi độc quyền phát ra các bản tin, tin tức theo kiểu “nói cho mà biết” như trước. Sự xuất hiện của mạng xã hội là một thành tựu vĩ đại của loài người. Nhưng, cái gì cũng có những mặt trái của nó. Các trang mạng xã hội cho phép bất kỳ ai cũng có thể đưa tin hoặc bày tỏ ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình về một hiện tượng, sự vật nào đó.
Nhận ra sự lợi hại của mạng xã hội, những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với chính thể hiện tại của nước Việt Nam không ngừng thực hiện những hành động, việc làm mang đậm cuộc chiến tranh tâm lý, cách gọi cũ là “tâm lý chiến”. Loại hình chiến tranh tâm lý này chính là diễn biến hoà bình, tức chiến tranh không tiếng súng.
Chiến tranh tâm lý hay diễn biến hoà bình được hình thành từ thời chiến tranh lạnh. Hiện nay, mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng diễn biến hoà bình vẫn được các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí tiếp tục xem như một thứ vũ khí để làm phân tâm, ly gián giữa người dân với chính quyền.
Cách làm cụ thể nhất của hình thái “chiến tranh tâm lý” này khá phong phú, từ tung tin giả đến bóp méo sự kiện, thổi phồng, quan trọng hoá vấn đề, bôi đen chế độ, khoét sâu mâu thuẫn hoặc xới lại những câu chuyện cũ, xảy ra gần cả thế kỷ.
Xin lưu ý, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, bất mãn với chế độ họ tung thông tin giả hoặc bóp méo lịch sử, làm sai lệch bản chất không phải để câu khách nhằm bán hàng online như những tầng lớp bình dân. Cái chính họ nhắm đến là từng bước làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào bộ máy nhà nước.
Những câu chuyện họ dẫn ra, những bình luận họ thể hiện trên trang cá nhân hoặc trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài nghe qua tưởng không có gì to tát nhưng thực ra, chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” đã làm một bộ phận dân chúng hoang mang, không biết đâu là thực, đâu là hư.
2. Ngày 12.8, trên trang cá nhân của một cựu nhà báo (người này là con một nhà thơ nổi tiếng, có tác phẩm được dạy trong nhà trường) đăng một bài viết chỉ dài khoảng 500 chữ. Trong bài, người này cảnh báo rằng, biển Đông có thể sắp có “biến động lớn”, cần hết sức cảnh giác.
Người này còn dẫn ra hàng loạt những động thái, theo ông là không bình thường, cả ở trong nước và khu vực. Một trong những sự việc “không bình thường” được dẫn ra làm căn cứ cho bài viết, đó là kênh VTV1 đột nhiên phát sóng bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1979. Từ việc VTV1 phát sóng bộ phim đó, cựu nhà báo cho rằng đây là động thái lạ và những biến động trên biển Đông sẽ hết sức căng thẳng trong thời gian tới.
Vì từng là một nhà báo, cách viết lại có nghề nên mỗi bài viết trên trang cá nhân của người này có rất đông người đọc, “còm-men” và chia sẻ. Trong số hàng trăm bình luận, chỉ có một ý kiến nói ngược lại với tinh thần của bài viết, còn hầu hết hùa theo kiểu a dua.
Đây là tâm lý chung của người đọc, họ dễ bị dẫn dắt bởi những ngòi bút có nghề. Sự thật, bộ phim tài liệu phát sóng trên VTV1 mà cựu nhà báo dùng làm chủ đề chính cho bài viết của mình hoàn toàn không phải là “một hiện tượng bất thường” như ông này ngộ nhận.
Thực ra, đó chính là một tập phim trong bộ phim tài liệu nhiều tập có tên gọi “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình” đã phát sóng cả năm nay. Tập phim nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc được phát sóng vào lúc hơn 20 giờ thứ 3, ngày 11.8.2020.
Trước khi tạm dừng phát sóng bộ phim này một thời gian để tập trung thông tin, tuyên truyền một số nội dung khác, kênh truyền hình của Báo Nhân Dân đã có thông báo. Tối thứ 3 vừa qua, bộ phim tiếp tục phát sóng trở lại, cả trên kênh truyền hình của Báo Nhân Dân và VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Rõ ràng, cựu nhà báo kia không hề theo dõi bộ phim dài tập này nên không biết rằng đây là một bộ phim nhiều tập.
Ông chỉ tình cờ xem vào tối thứ 3, ngày 11.8 rồi đưa ra bình luận nặng tính suy diễn, cảm tính của bản thân mình. Điều đáng tiếc và đáng nói, ông là một cựu nhà báo có tiếng nhưng lại quá hấp tấp, vội vàng khi chỉ tình cờ xem mấy chục phút trong một tập phim duy nhất rồi phán rằng, biển Đông thế này biển Đông thế nọ.
Mượn gió bẻ măng, quá mù ra mưa, hàng trăm người nhao nhao “phản biện” chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng lời lẽ hết sức nặng nề. Nếu quan tâm thời cuộc, trong đó có vấn đề chủ quyền biển đảo, hẳn nhiều người chưa quên cuộc nói chuyện cách nay cũng đã lâu của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (thời điểm nói chuyện ông đang giữ chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) rằng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo trước sự nhiễu loạn thông tin về chủ quyền biển đảo. Ông còn nói, Đảng, Chính phủ, QĐND Việt Nam đã có những đối sách và luôn chủ động trong vấn đề chủ quyền biển đảo.
3. Như có lần đã đề cập, đánh phá vào lĩnh vực tư tưởng là một trong những mục tiêu của các cá nhân, tổ chức, vì một lý do nào đó, thiếu thiện chí, thiếu tinh thần xây dựng. Không chỉ bên ngoài, nhiều người ở trong nước cũng tham gia vào lãnh địa này, họ “đào bới” không từ một chuyện gì. Gần đây nhất, chỉ ít ngày trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cựu tổng biên tập của một tờ báo thể thao đã có hai bài viết rất nặng lời về tình hình giáo dục Việt Nam.
Bài thứ nhất, người này viết, đại ý rằng, qua cách chuẩn bị các biện pháp phòng, chống gian lận trong thi cử, thầy cô giáo, lãnh đạo ngành Giáo dục nhìn học sinh của mình như những tên tội phạm. Lớn giọng phán xét, mạt sát, mạ lỵ cả ngành Giáo dục nhưng vị cựu tổng biên tập này không biết rằng, gian lận trong thi cử không phải là một chuyện nhỏ, lại càng không phải của riêng Việt Nam.
Những vụ gian lận thi cử gần đây khiến hàng chục giáo viên, cán bộ quản lý và cả nhiều người thuộc các lực lượng khác đã bị pháp luật trừng phạt. Hàng trăm sinh viên “trúng tuyển” đã bị cho thôi học. Do đó, ngoài quy chế thi, việc triển khai, áp dụng các biện pháp chống tiêu cực trong thi cử là hoàn toàn cần thiết, hợp pháp. Khác với Việt Nam, Singapore- một quốc gia phát triển hàng đầu không chỉ trong khu vực mà còn của cả thế giới có hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều.
Tại quốc gia này, không chỉ giáo viên, học sinh gian lận trong thi cử sẽ bị bỏ tù, đừng nói cho thôi học hay “trả về nơi sản xuất”. Bài viết thứ hai của người này liên quan đến đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn. Cựu nhà báo cao giọng “giảng đạo” rằng, đoạn văn trong đề thi được dịch từ một tác phẩm của nước ngoài (Nhật Bản) là một đoạn văn quá tệ.
Người này còn chê bai bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm… Như thường thấy, do tâm lý dễ bị dẫn dắt, người đọc lại hùa vào chửi bới ngành Giáo dục. Có người chẳng biết gì cũng làm ra vẻ ta đây phân tích này nọ để chứng tỏ mình có hiểu biết.
Do khuôn khổ bài viết, không thể phân tích cụ thể để chỉ ra những cái sai trái trong bài viết nêu trên nhưng xin khẳng định rằng, đề thi tốt nghiệp không hề sai. Đề thi hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục, phù hợp đối tượng người học và đặc biệt, bám sát chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Mặt khác, như đã đề cập nhiều lần, cùng với ngành Y, Giáo dục là ngành có tính chuyên môn cao. Do đó, đưa ra những phán xét cảm tính, bừa bãi, chỉ làm trò cười cho người khác.
Công bằng mà nói, trên mạng xã hội có nhiều người giỏi, giàu kiến thức, họ là người có ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Cũng phải thừa nhận, họ có những ý kiến đóng góp có cơ sở chứ không hoàn toàn viết, nói theo kiểu một chiều, thô sơ.
Nhưng, một người được gọi là giỏi không có nghĩa là biết hết mọi thứ. Trên phương diện thông tin, một khi viết hay nói một câu chuyện nào đó, điều tiên quyết, phải có nguồn tin hoặc quan điểm rõ ràng khi nguồn tin đã được kiểm chứng là có thật. Nếu không, như có người đã viết: “Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
VIỆT ĐÔNG