Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trả lời đơn ông Nguyễn Văn Sum:
Không có dấu hiệu của tội phạm bắt cóc trẻ con
Thứ bảy: 23:39 ngày 14/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Căn cứ theo quy định hiện hành, có thể thấy việc bà Út và Vân tự ý đưa cháu Trâm về nhà không phải là hành vi bắt cóc trẻ con hay chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Ông Sum bức xúc trước việc bà Vân tự ý đưa cháu Trâm về nhà.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Sum (sinh năm 1974, ngụ ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) tố cáo hành vi cố tình “bắt con” là cháu Nguyễn Cầm Ngọc Trâm (sinh năm 2013) của bà Nguyễn Cầm Thảo Vân (sinh năm 1994, mẹ ruột của cháu Trâm) và bà Huỳnh Thị Út (sinh năm 1962, bà ngoại của cháu Trâm) cùng ngụ khu phố 3, thị trấn huyện Châu Thành.

Trong đơn ông Sum trình bày, năm 2020, ông ly hôn với vợ cũ tên Nguyễn Cầm Thảo Vân theo Quyết định ly hôn số 110/2020/QĐST-HNGĐ ngày 18.5.2020 của TAND thị xã Hoà Thành. Quyết định nêu rõ, ông Nguyễn Văn Sum trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con ruột là Nguyễn Cầm Ngọc Trâm, sinh ngày 5.12.2013. Về phần bà Nguyễn Cầm Thảo Vân có quyền thăm nom và chăm sóc con chung, không ai được cản trở quyền này. Từ khi quyết định có hiệu lực, cháu Trâm sinh sống cùng với ông Sum.

Khoảng 16 giờ, ngày 8.3.2022, sau khi ông Sum đi làm ruộng về nhà, cha ông nói không thấy cháu Trâm ở đâu. Lúc này, ông Sum cùng với người thân đi tìm kiếm nhưng không thấy. Sau đó, ông Sum trình báo Công an xã Trường Hoà về sự việc mất tích của cháu Trâm.

“Sau khoảng 10 ngày tìm kiếm, tôi phát hiện con đang sinh sống cùng bà Út và Vân tại khu phố 3, thị trấn Châu Thành. Mặc dù tôi nhiều lần liên hệ với bà Út và vợ cũ yêu cầu đưa cháu Trâm lại cho tôi để nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng hai người này cố tình phớt lờ. Đây không phải lần đầu mẹ của cháu Trâm “lợi dụng” việc thăm con để đưa cháu đi” - ông Sum nói.

Ông Sum cho biết thêm, hiện cháu Trâm học lớp 3, Trường tiểu học Trường Hoà B. Từ ngày cháu Trâm ở nhà bà Út đến nay đã khiến việc học tập của cháu bị dang dở. “Giáo viên chủ nhiệm nhiều lần liên hệ đề nghị đưa cháu đến trường để tiếp tục học tập nhưng tôi không có cách nào để đưa con về đi học. Tôi mong các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết vụ việc, để cháu Trâm có thể về sinh sống cùng với tôi, tiếp tục việc học”- ông Sum chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, Đại uý Nguyễn Hải Trung- Trưởng Công an xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành cho biết, ngày 21.4.2022, đơn vị có nhận được đơn tố cáo về hành vi bắt cóc trẻ con do ông Nguyễn Văn Sum là người đứng đơn. Công an xã đã mời ông Sum làm việc và xác minh những người biết việc.

Qua làm việc, ông Sum trình bày, khoảng 5 ngày sau (tức sau ngày 8.3.2022), ông Sum tìm thấy cháu Trâm đang sinh sống cùng bà Huỳnh Thị Út và Nguyễn Cầm Thảo Vân tại khu phố 3, thị trấn huyện Châu Thành.

Sau đó, ông Sum đến Công an Thị trấn nhờ hỗ trợ đưa cháu Trâm về nuôi theo quyết định của Toà án. Công an Thị trấn đã cử một cán bộ cảnh sát khu vực đi cùng ông Sum đến nhà bà Út. Khi đến nơi, ông Sum đồng ý tạm để cháu Trâm cho bà Út và Vân nuôi, vì cháu nhất quyết đòi ở với mẹ và không chịu theo ông về.

Trưởng Công an xã Trường Hoà cho biết thêm, Công an xã có đến nhà bà Út và Vân để xác minh. Qua làm việc, bà Vân trình bày trong quá trình thăm nom cháu Trâm thì ông Sum cản trở, gây khó khăn không cho mẹ con gặp mặt tiếp xúc với nhau.

Đến ngày 8.3.2022, bà Vân có điện thoại cho cháu Trâm để rước và được cháu đồng ý. Sau đó, bà Vân đi xe taxi đến nhà của ông Sum để rước cháu nhưng không thông báo cho ông Sum biết, vì lúc đó ông không có mặt tại nhà.

Sau khi đến bến xe khách Tây Ninh, Vân có liên lạc cho bà Út để bà lên rước hai mẹ con về nhà tại huyện Châu Thành. Sau đó, bé Trâm đã được bà Vân đăng ký học tạm tại lớp 2B, Trường tiểu học Thị trấn B thuộc khu phố 3, thị trấn huyện Châu Thành.

Qua làm việc tại Công an thị trấn Châu Thành được xác nhận cháu Trâm đang sinh sống cùng bà Út và mẹ ruột tại địa chỉ nêu trên. Trước đó, ngày 10.3.2022, ông Sum có đến Công an xã Trường Hoà trình báo việc con gái bị bắt cóc với nội dung giống như trong đơn nêu trên.

Qua tiếp nhận thông tin, Công an xã Trường Hoà đã giải thích cho ông Sum biết đây không phải là vụ việc bắt cóc mà chỉ là tranh chấp quyền nuôi con chung; đồng thời hướng dẫn ông đến điểm nhà của bà Út, Vân để đón con về, nếu bị cản trở thì liên hệ Công an Thị trấn nhờ hỗ trợ thực hiện quyền nuôi con theo quyết định của Toà án. Việc bé Trâm theo ở nhà bà Út và Vân ở thị trấn Châu Thành là hoàn toàn tự nguyện theo ý muốn của cháu.

Ý kiến của luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư Tây Ninh:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014 (HNGĐ), sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (khoản 2, Điều 83 Luật HNGĐ). Vì vậy, về mặt dân sự nói chung và hôn nhân gia đình nói riêng, người mẹ không bị hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Tuy nhiên, trường hợp bà Út và Vân tự ý đưa cháu Trâm về ở với mình, gây cản trở việc nuôi dưỡng con của đối phương thì ông Sum (người trực tiếp nuôi dưỡng) có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom của người đó (khoản 3, Điều 82 Luật HNGĐ). Nếu mẹ ruột của cháu Trâm muốn nuôi con thì có thể làm đơn khởi kiện xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 84 Luật HNGĐ.

Đối với việc ông Sum tố cáo bà Út và Vân có hành vi bắt cóc trẻ con. Trước hết, về mặt thuật ngữ, trong Bộ luật Hình sự không có điều luật nào quy định tội bắt cóc trẻ con mà chỉ có tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3-7 năm; khung tăng nặng có thể bị phạt tù từ 5-10 năm, và 10-15 năm.

Đồng thời, theo Điều 4, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23.7.2013 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp xác định hành vi chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó. Căn cứ quy định trên, có thể thấy việc bà Út và Vân tự ý đưa cháu Trâm về nhà không phải là hành vi bắt cóc trẻ con hay chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục