Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không có luật nào quy định về “thu giá”
Thứ sáu: 16:45 ngày 25/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định việc dùng các cụm từ “thu giá” và “trạm thu giá” là không đúng. Đồng thời, PGS-TS Cổn còn khẳng định trả lời báo chí của ĐBQH Nguyễn Đức Kiên là không chính xác.

Một trạm thu... giá thuộc dự án BOT đường tỉnh 830. Ảnh: VGP

Dù Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giải thích nhưng dường như dư luận vẫn chưa thôi bức xúc trước việc đồng loạt đổi tên gọi các trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá”, từ “thu phí” thành “thu giá” theo Thông tư 49/2016 của Bộ GT-VT. Thậm chí sau trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT, dư luận càng bức xúc hơn.

Ngày 24-5, PV Báo SGGP trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam,  Đại học Quốc gia Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.

PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn.

Phóng viên: Thưa ông, Bộ GTVT giải thích lý do của sự thay đổi này là do sự khác biệt giữa phí (do nhà nước ấn định, chịu sự quy định của luật về phí) và giá (do doanh nghiệp ấn định, chịu sự quy định của Luật Giá) và cho rằng việc thay đổi từ “phí” sang “giá” giúp các doanh nghiệp BOT linh động hơn, điều chỉnh dễ dàng hơn giá/phí qua trạm BOT. Ông bình luận gì về ý kiến này?

PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn: Mặc dù lời giải thích này có vẻ thỏa đáng về khía cạnh pháp lý và kinh tế, nhưng việc dùng các cụm từ “thu giá” và “trạm thu giá” theo tôi là không đúng. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2000) thì phí là khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ, cho nên có thể nói nộp phí, thu phí, theo nghĩa là nộp hay thu một khoản tiền phải trả cho một công việc hay dịch vụ nào đó. Ví dụ thu phí qua cầu, nộp phí dịch vụ.

Ngược lại, từ giá có hai nghĩa. Một là, biểu hiện giá trị bằng tiền (ví dụ cái áo này giá 50.000 đồng); hai là, tổng thể nói chung những gì phải bỏ ra, tiêu phí (thường là nhiều) cho một việc làm nào đó.

Ví dụ phải trả giá cho hành động phiêu lưu; hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào. Như vậy, khác với từ phí, trong tiếng Việt hiện nay từ giá không được hiểu là khoản tiền phải trả.

Vì vậy không thể nói nộp giá hay thu giá theo cách nói như nộp phí, thu phí được. Tôi cho rằng, dư luận không tán thành các cụm từ thu giá, trạm thu giá có lẽ không chỉ vì việc chuyển lắt léo từ phí sang giá của Bộ GTVT mà còn là do các cụm từ này được sử dụng không hoàn toàn đúng với quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt. 

Thưa ông, bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trả lời báo chí cho rằng luật đã quy định là thu giá thì phải gọi là “thu giá”, chưa thể sửa được, ví như “ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H..., là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em”? Ông có đồng tình với kiến giải đó?

 Sau khi nghe ông Kiên trả lời báo chí, tôi đã kiểm tra rất kỹ 2 luật về giá và phí. Tôi rất muốn đại biểu chỉ hộ trong Luật Giá 2012 có quy định các thuật ngữ/khái niệm thu giá, nộp giá, người thu giá, người nộp giá, trạm thu giá… không? Chúng nằm ở chương nào, điều nào, khoản nào của luật? Hoàn toàn không có những khái niệm này trong luật, mà Luật Giá chỉ có những khái niệm về giá, thẩm định giá, niêm yết giá...

Vì thế, tôi khẳng định trả lời của ông Kiên là không chính xác. Nếu không có quy định trong luật thì căn cứ vào đâu để áp dụng như thông tư của Bộ GTVT? Nếu áp luật về thu giá thì áp dụng theo luật nào, vì rõ ràng không có luật nào quy định về thu giá, nộp giá.

Trong khi đó, khác với Luật Giá, ở Luật Phí và lệ phí 2015, các thuật ngữ/khái niệm tương tự là thu phí, nộp phí, tổ chức thu phí, người thu/nộp phí... lại được định nghĩa và quy định rõ ràng trong nhiều chương, điều, khoản của luật. Như vậy, chúng ta có thể đặt vấn đề thông tư của Bộ GTVT không theo luật nào là sai.

Bên cạnh vấn đề phí, giá, mới đây người dân TPHCM không khỏi ngạc nhiên và sốc trước khái niệm mới của Trung tâm Chống ngập TPHCM “tụ nước” khi báo cáo về cơn mưa chiều 19-5 đã gây ngập như thế nào ở thành phố. Ý kiến của ông về việc này ra sao?

 Tôi cho là có chuyện một số cơ quan chức năng đang cố gắng dùng những từ ngữ để làm nhẹ vấn đề đi, giảm bớt đi tính nghiêm trọng của vấn đề. Bản chất là ngập nước, còn tụ nước là mô tả những trường hợp nước bốc lên và tụ lại. Các cơ quan cần sử dụng đúng những từ ngữ mà tiếng Việt thể hiện đúng bản chất vấn đề.

Xâu chuỗi lại các vụ việc liên quan đến từ ngữ đó, ông có cho rằng đang có tình trạng một số cơ quan quản lý đang cố tình đánh tráo khái niệm và né tránh trách nhiệm trong xử lý các vấn đề?

Tôi cho là đằng sau những vụ việc liên quan đến ngôn ngữ là sự không minh bạch, rõ ràng trong cách suy nghĩ, tư duy quản lý và sâu xa hơn nữa là có vấn đề liên quan đến trách nhiệm, xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là hiện tượng không lành mạnh. Trong đời thường, ngôn ngữ phải phản ánh đúng bản chất của sự vật, sự việc và trong quản lý nhà nước cũng vậy, phải gọi tên đúng sự việc thì chúng ta mới có cách tư duy đúng và xử lý đúng vấn đề. Còn nếu cố né tránh thì chỉ làm sai lệch vấn đề, làm giảm hiệu quả công việc điều hành. Đơn cử trong vấn đề BOT, Bộ GT-VT phải giải quyết đúng bản chất của vấn đề là những bất cập về mức giá, về khoảng cách các trạm thu, về vị trí đặt trạm thu… chứ không phải là việc gọi tên phí hay giá.

Về pháp lý, có sự khác biệt về phí và giá như Bộ GTVT giải thích, điều đó về mặt logic, kinh tế thì cũng có thể đúng. Nhưng từ đó mà dẫn đến việc dùng từ thu giá, trạm thu giá để diễn đạt việc thu phí bao lâu nay thì lại có vấn đề. Rõ ràng hoàn toàn có thể có cách diễn đạt khác như thu cước, trạm bán vé BOT, trạm thu cước BOT…

Khái niệm giá là về giá trị, quy ra bằng tiền, không phải là một khoản tiền để trả, do đó không thể dùng là thu giá, trạm thu giá. Ở đây, về ngôn ngữ là không chuẩn mực, còn các vấn đề khác thì như tôi đã nói ở trên.

Nguồn SGGP

Tin cùng chuyên mục