Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thay sân thơ trẻ thành sân thơ hiện đại, thay rước lửa từ Đền Hùng thành rước đất (từ di tích làng Sen, Nghệ An), nước từ suối Lê nin (Cao Bằng), Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ có nhiều hoạt động phong phú và nhiều điểm mới so với trước. Đặc biệt, BTC sẽ không tổ chức trình diễn và sắp đặt thơ.
Thay sân thơ trẻ thành sân thơ hiện đại, thay rước lửa từ Đền Hùng thành rước đất (từ di tích làng Sen, Nghệ An), nước từ suối Lê nin (Cao Bằng), Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ có nhiều hoạt động phong phú và nhiều điểm mới so với trước. Đặc biệt, BTC sẽ không tổ chức trình diễn và sắp đặt thơ.
Rước đất và nước thay rước lửa
Sáng 11.2, tại Trung tâm Hội Nhà Văn Việt Nam đã tiến hành họp báo về Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX sẽ tổ chức tới đây. Theo đó, sẽ có nhiều hoạt động phong phú về lễ và hội thơ diễn ra. Nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm Người trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nội dung của Ngày thơ Việt Nam kỳ này sẽ có nội dung là “Mùa xuân đất nước”.
Rước thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2010. |
Tại địa điểm Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội sẽ có 4 tiêu điểm chính diễn ra tại 4 khu vực với triển lãm tượng các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, triển lãm thơ trên đèn lồng, thư pháp thơ về Bác, triển lãm thơ của các CLB thơ, sân thơ truyền thống, hiện đại và thiếu nhi.
Về nội dung triển lãm thơ, nếu năm ngoái, thơ được triển lãm trên gốm thì năm nay BTC triển lãm các bài thơ hay viết về Bác Hồ trên nhiều ngôn ngữ trên thế giới dưới hình thức các bức thư pháp. Đây là nội dung thỏa mãn phần nhìn trong lễ hội thơ lớn nhất trong năm. Phần trưng bày này sẽ được sắp đặt tại xung quanh hồ Thiên Quang Tỉnh (Văn Miếu).
Phía Hội Nhà Văn mong muốn Ngày thơ sẽ là một trong những lễ hội hiện đại được chú ý trong 4226 lễ hội đang được tổ chức ở Việt Nam, mang hơi thở, dáng dấp đương đại và được gọi là không gian văn hóa. Với tham vọng đó, Hội từng bước tiến hành nhiều hoạt động để đa dạng hoạt động này, đáp ứng cả phần nghe và phần nhìn đối với người yêu thơ. Đa dạng Ngày thơ theo hình thức sân khấu hóa, tổ chức chuyên nghiệp, có kịch bản, đạo diễn và tổng duyệt. Các chương trình sẽ tuân thủ nghiêm ngặt theo kịch bản đã dựng. Tuy vậy, không chỉ quan tâm đến hình thức, BTC cũng đảm bảo chú ý đặc biệt đến nội dung, cái hay, cái đẹp của thi ca.
Với chủ đề chính về Hồ Chí Minh, thay vì rước nước thơ, rước lửa từ Đền Hùng như năm ngoái, BTC tiến hành rước đất lấy từ vườn Kim Liên và nước từ suối Lê Nin. Đoàn rước đất do nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu. Đoàn rước nước do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm trưởng đoàn. Về việc rước đất và nước, BTC giải thích “Đây là hai hình ảnh biểu trưng cho đất mẹ và suối nguồn của cách mạng, kháng chiến, đồng thời cũng mang ý nghĩa thực tế bởi đất Kim Liên là nơi Bác ra đi, còn suối Lê Nin là nơi Bác trở về”.
Ngoài Văn Miếu Hà Nội, ngày thơ sẽ được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An) và Bến cảng nhà Rồng (TP.HCM) và thành phố Huế.
Đọc thơ thay trình diễn
Sân thơ trẻ trong ngày thơ Việt Nam vốn được quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, sân thơ này năm nay được thay thế bằng sân thơ hiện đại. Lý giải cho điều này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội nhà Văn) cho biết: “Đổi mới, hiện đại là tinh thần chung của thơ ca. Vì vậy, sẽ là khu biệt nếu chỉ có các nhà thơ trẻ đứng ở diễn đàn thơ này. Thay đổi tên gọi của sân chơi này cũng là một trong những cách để mở rộng biên độ cho sân chơi và giải quyết mâu thuẫn trên. Chúng tôi cũng có quyền đứng trong sân thơ trẻ”.
Trình diễn sắp đặt thơ rất được chú ý từ các năm trước được thay bằng đọc thơ. Trong ảnh là màn trình diễn sắp đặt thơ của nhà văn Lê Anh Hoài rất được chú ý tại Ngày thơ 2010. |
Thêm một trong những vấn đề được chú ý của thơ trẻ năm nay là BTC sẽ không tổ chức trình diễn và sắp đặt thơ như mọi năm. Đây là một sân khấu có nhiều đột phá mới mẻ và rất được chú ý trong các kỳ tổ chức trước. Thay vào đó, 9 nhà thơ được tuyển chọn từ 60 nhà thơ đến từ mọi miền đất nước sẽ đọc thơ của mình.
Sau vài năm thể nghiệm các hình thức trình diễn thơ, chúng tôi muốn “lắng” bằng đọc thơ”– Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Trưởng BTC sân thơ hiện đại giải thích lý do sự thay đổi này. Các nhà thơ tham gia đọc thơ từ 2 đến 3 lần tại Sân thơ trẻ các năm mà chưa có thành tựu nổi bật trong năm 2010 sẽ không tham gia đọc thơ năm nay.
Từ phía Hội Nhà Văn cũng mong muốn công chúng bỏ qua những thiếu sót trong khâu chuẩn bị và tổ chức mà hướng đến cái rung vang của đời sống thơ ca. Đồng thời để ý nhiều hơn đến sân chơi chính, các sân khấu khác nhiều hơn thay vì chỉ để ý đến sân khấu thơ trẻ.
Việc chọn 50 câu thơ để thả lên trời để tôn vinh cũng được dư luận quan tâm. Nhà văn Văn Chinh mong muốn BTC xã hội hóa việc tuyển lựa những câu thơ hay phục vụ cho việc này. Điều này sẽ tránh được việc chọn những câu thơ dở. Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, “đây là nỗi lo không bao giờ có thể dập tắt được vì mỗi người cảm nhận và đánh giá về thơ khác nhau. Thực chất, năm nay, BTC đã nghĩ đến việc xã hội hóa nhưng do thời gian chuẩn bị quá gấp nên đã không làm được. Thêm vào đó, đây không phải là nội dung chính của ngày thơ. Người yêu thơ có thể tìm thấy bóng dáng nàng thơ ở những sân chơi khác”.
Các tác giả xuất hiện ở poster và thi quán tại sân thơ trẻ bao gồm: Mai Văn Phấn (Tác phẩm: Bầu trời không mái che, Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi); Nguyễn Phan Quế Mai (Tác phẩm Cởi gió, Giải nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội 2008 – 2010), giải thưởng thơ 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội); Vi Thùy Linh (Tác phẩm Phim đôi – Tình tự chậm); Nguyễn Bảo Chân (Tác phẩm Những chiếc gai trong mơ); Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai (Tác phẩm Hai chiều thời gian, Giấc); Nguyễn Khánh Toàn (Tác phẩm truyện thơ Con Hồng cháu Lạc với hơn 15000 câu thơ về lịch sử); Nguyễn Quang Hưng (Tác phẩm Vườn ánh sáng). |
(Theo VTC)