Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tốc độ tăng trưởng của một tỉnh biên giới như tỉnh mình, mà điều chỉnh một lúc tăng tới 2%, từ 8% lên 10% đâu phải là chuyện đơn giản.

- Chào bạn đọc thân mến, lâu nay Bàn Dân biết ông rất quan tâm đến thời cuộc, không bỏ sót một sự kiện ở mọi lúc mọi nơi, chắc trong tuần vừa qua chắc ông cũng “mệt đừ” vì… chạy theo thời sự. Vậy ông có thể cho Bàn Dân biết, theo ông tại sao lại có sự bùng nổ thông tin như vậy?
- Theo tôi nghĩ, chuyện thế giới thì quá bao la, lại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ xung đột địa chính trị đến chiến tranh thương mại, trong khi thông tin thì quá nhiều chiều, mình lại không được tiếp cận nên thật khó mà phán đoán.
- Thế còn đối với thời cuộc nước nhà, cũng đang chuyển biến rất nhanh, ông cảm nhận như thế nào?
- Tôi nghĩ hiện nay trong nước mình, ai cũng biết rằng Đảng ta đang lãnh đạo đất nước tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị để hoạt động thật mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với quyết tâm rất lớn, mà phải làm thật nhanh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Chuyện lớn lao đó chỉ trong tháng 2 năm nay trên trăm triệu dân nước ta đều đã biết rồi, thấy rồi. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội Trung ương đã nêu gương làm trước, đồng thời chỉ đạo tất cả các địa phương trên toàn quốc cũng phải làm thật căn cơ, bài bản, phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm thời gian, nhất là bảo đảm không xảy ra tình trạng “chạy” theo kiểu tiêu cực như “nạn chạy chức, chạy quyền” mà trước đây chúng ta từng nghe thấy đã có xảy ra.
-Ông nói rất có lý. Còn riêng tại tỉnh nhà, ông thấy sao?
-Qua theo dõi các kênh truyền thông tỉnh nhà, tôi được biết lãnh đạo tỉnh đã công bố việc sắp xếp bộ máy các tổ chức, cơ quan thuộc Đảng bộ tỉnh; Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khoá X - nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành kỳ họp thứ 17, thông qua 3 nghị quyết chuyên đề, 8 nghị quyết về công tác cán bộ. Sau khi tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, tỉnh Tây Ninh có 10 sở và 2 cơ quan tương đương sở. So với trước đây rõ ràng là tinh gọn hơn hơn nhiều…
-Vậy là ông nắm khá rõ thông tin ở tỉnh. Tuy vậy, Bàn Dân cũng có một điều cần hỏi ông. Chắc ông cũng biết, trong Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, có một chỉ tiêu lớn, bao trùm nền kinh tế của tỉnh là chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ mức 8% trở lên theo Nghị quyết kỳ họp cuối năm 2024 của HĐND tỉnh, được điều chỉnh tăng lên đến mức 10%. Là một người quan tâm đến từng bước phát triển của tỉnh, ông cảm nhận như thế nào về mức điều chỉnh có thể nói là rất “ấn tượng” như thế?
-“Ấn tượng” là thế nào? Sao ông không nói thẳng là rất mạnh mẽ, rất táo bạo mới đúng chứ! Tốc độ tăng trưởng của một tỉnh biên giới như tỉnh mình, mà điều chỉnh một lúc tăng tới 2%, từ 8% lên 10% đâu phải là chuyện đơn giản. Nói thật với ông, chuyện này tôi cũng “lăn tăn” lắm. Nhưng vì chỉ là một người dân bình thường, không rành về kinh tế, nhất là kinh tế vĩ mô; chỉ có thể theo dõi tình hình của tỉnh qua báo chí, truyền thông; không có điều kiện khai thác thông tin sâu như “dân nhựt trình” mấy ông, nên… nói thiệt, tôi không thể trả lời câu hỏi của ông đâu! Ông có nắm được thì làm ơn giải thích cho tôi biết với?
-Bàn Dân cũng không nắm sâu gì hơn ông đâu, chỉ có điều Bàn Dân được biết, tại kỳ họp đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có báo cáo thẩm tra và đại diện lãnh đạo UBND đã có giải trình về việc điều chỉnh mức tăng chỉ tiêu GRDP rất cụ thể, chi tiết. Về phía các vị đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thảo luận kỹ trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh ấy. Theo đó, đối với việc điều chỉnh chỉ tiêu GRDP lên 10%, UBND tỉnh phân tích chi tiết các căn cứ và dữ liệu thực tiễn, các yếu tố cấu thành GRDP để xây dựng phương án điều chỉnh. Cụ thể là dựa vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, năm 2024, Tây Ninh có 18/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 8,45%. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt mức tăng trưởng tốt như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,8%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,21%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 10,27%; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 12,13%... Các mặt đời sống văn hoá - xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Từ đó, các vị đại diện nhân dân Tây Ninh đã mạnh dạn biểu quyết tán thành phương án tăng GRDP của tỉnh năm 2025 từ 8% lên hai con số là 10%.
Quyết tâm đẩy mạnh phát triển không chỉ để tránh nguy cơ tụt hậu so với các địa phương trong khu vực, đồng thời còn góp phần cùng cả nước thực hiện quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ: “Không còn cách nào khác, chúng ta phải tăng trưởng cao, bền vững liên tục từ nay đến năm 2045”. Đây chính là “cột mốc trăm năm” để đất nước ta vươn mình thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Bàn Dân