Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Mục tiêu của Đề án là đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 148 trường tổ chức bán trú (bao gồm 89 trường hiện có cộng với 59 trường phát triển trong 2 năm 2014 - 2015). Tuy vậy, tính đến tháng 1.2015, thời điểm sơ kết học kỳ I của năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh chỉ mới có 124 trường tổ chức bán trú. Đây có thể xem là con số sau cùng của năm 2015 vì muốn tổ chức bán trú thì phải làm ngay từ đầu năm học.

|
Ngày 26.6.2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1439/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển trường bán trú cấp học mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2015 (Đề án Phát triển trường bán trú) do Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng.
Căn cứ số liệu nêu trong Đề án Phát triển trường bán trú, tính đến thời điểm tháng 6.2014, Tây Ninh có 89 trường ở các bậc học có tổ chức mô hình bán trú. Trong đó, bậc học mầm non có 71/123 trường (đạt tỷ lệ 57,7%), tiểu học 18/269 trường (6,69%).
Tính theo số lượng học sinh, tỷ lệ học sinh mầm non học bán trú đạt 62,33%, tiểu học đạt 10,08%. Đa số các trường có tổ chức bán trú đều thuộc địa bàn các phường của thành phố và thị trấn của các huyện. Ở địa bàn các xã, việc thực hiện mô hình trường bán trú còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Việc xây dựng Đề án Phát triển trường bán trú xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh. Phát triển trường bán trú để học sinh có chỗ học cả ngày, được ăn ở tại trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh yên tâm công tác, lao động, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh.
Mặt khác, việc mở rộng quy mô trường bán trú còn nhằm tăng tỷ lệ chuyên cần; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Qua đó nhằm củng cố, duy trì công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện đa dạng hoá các loại hình trường học, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đầu tư cho giáo dục.
Trường bán trú tạo điều kiện để học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tính tự lập, học sinh có điều kiện hoạt động thể chất; giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; giảm quá tải ở các trường đã tổ chức bán trú, giảm tình trạng chạy trường, chạy lớp ở các trường tổ chức bán trú và tạo công bằng xã hội.
Theo Đề án trên, đến năm 2015 Tây Ninh phát triển thêm 59 trường bán trú cấp học mầm non, tiểu học (trong đó mầm non 25 trường và tiểu học 34 trường, nâng tổng số trường bán trú trên địa bàn tỉnh lên 148).
Nguồn kinh phí thực hiện tổ chức bán trú chủ yếu từ nguồn huy động xã hội hoá trên cơ sở đóng góp của phụ huynh; ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ không quá 30% tổng dự toán kinh phí đầu tư cơ sở vật chất; từng bước tiến tới xã hội hoá hoàn toàn việc tổ chức bán trú.
Giai đoạn 2014 - 2015 ưu tiên chọn các trường có điều kiện tổ chức bán trú (kinh phí đầu tư ít, phù hợp với khả năng thu nhập và đóng góp của phụ huynh). Không nhất thiết tất cả các khối lớp đều học bán trú, ưu tiên tổ chức phát triển bán trú ở khối lớp 1.
Giai đoạn 2014-2015, do nguồn ngân sách có hạn, để thực hiện kế hoạch bán trú theo hướng giảm sự đóng góp của phụ huynh và giảm đầu tư của ngân sách Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo chọn phương án không xây mới phòng học bán trú, chỉ tập trung xây dựng mới phòng ăn (có bàn ghế ăn), nhà bếp và công trình khác (cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh, phòng nghỉ trưa cho giáo viên, nhân viên).
Năm 2014, thực hiện tổ chức bán trú ở 12 trường mầm non và 17 trường tiểu học, năm 2015 thực hiện cho các trường còn lại trong kế hoạch.
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 148 trường tổ chức bán trú (bao gồm 89 trường hiện có cộng với 59 trường phát triển trong 2 năm 2014 - 2015).
Tuy vậy, tính đến tháng 1.2015, thời điểm sơ kết học kỳ I của năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh chỉ mới có 124 trường tổ chức bán trú. Đây có thể xem là con số sau cùng của năm 2015 vì muốn tổ chức bán trú thì phải làm ngay từ đầu năm học.
Trước khi UBND tỉnh thông qua Đề án Phát triển trường bán trú, từ hồi tháng 5.2013, ngành Giáo dục cũng đã từng trình Đề án phát triển, mở rộng quy mô trường bán trú trên địa bàn tỉnh với tổng số trường bán trú theo kế hoạch là 178 trường, bao gồm cả mầm non, tiểu học và THCS.
Đề án này đã không được duyệt vì những lý do khác nhau trong đó có lý do: kinh phí thực hiện quá lớn và tính khả thi không cao (tổ chức bán trú ở cấp THCS).
VIỆT ĐÔNG