BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không đầu hàng số phận

Cập nhật ngày: 18/05/2009 - 11:33

Mẹ con chị Hoàng.

Vào một buổi chiều, trên đường Nguyễn Thái Học, tôi dừng xe trước một người phụ nữ da ngăm đen. “Chú mua giúp tôi mấy tờ, bữa nay bán ế quá”.

Nghe lời mời chào của chị, tôi đã mua giúp chị vài tờ và nghe chị kể về chuyện mình. Trước đây, Báo Tây Ninh từng có bài viết về xóm người mù ở phường 3, chị là một trong những người được nói đến trong bài báo ấy.

Chị tên là Nguyễn Thị Hoàng, 32 tuổi, ở ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, mới được 5 tuổi, sau một cơn bạo bệnh chị đã bị mù. Lớn lên trong cảnh tối tăm, bằng ý chí, nghị lực phi thường chị đã làm được những việc mà nhiều người lành lặn khó có thể làm được. Chị nói: “Lớn lên, tôi mới hiểu, gia đình đã nghèo lại còn phải nuôi mình nữa thì thật khó khăn, thôi mình phải tự tìm con đường làm ăn, chứ không thể ăn bám gia đình hoài được”. Từ suy nghĩ đó, chị đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống, riêng nghề bán vé số đã theo chị suốt 15 năm trời. Cuộc sống một mình đầy khó khăn, trắc trở và cô đơn. Rồi một ngày, vào cuối năm 1998, chị gặp anh Nguyễn Văn Điệp, một người cùng cảnh ngộ. Anh Điệp cũng bán vé số. Anh chị đến với nhau, hai năm sau, họ đã có bé trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Trí Thông. Không chịu gục ngã trước số phận, hai người đã làm lụng cật lực để nuôi con ăn học. Bây giờ cháu Thông đã 9 tuổi, đang theo học ở Trường Tiểu học Long Thành Bắc B, còn một cháu nhỏ, tên là Nguyễn Hoàng Tiệp mới 5 tuổi thường ngày vẫn theo mẹ đi bán vé số.

Để có chỗ ở tốt hơn và dễ kiếm sống hơn, vợ chồng anh Điệp quyết định ra Thị xã mướn nhà trọ. Nhưng, cuộc sống vẫn chưa hết khó khăn. Chị Hoàng thường bán vé số trên đường Nguyễn Thái Học (phường 3) còn anh thì đi hết chợ này qua chợ khác. Nếu bán hết vé số, một ngày anh chị có thể kiếm được 100.000 đồng, nhưng tiền phòng trọ một tháng đã hết 320.000 đồng, còn nào là tiền ăn, tiền cho đứa lớn đi học, tiền sinh hoạt gia đình, thuốc men…Vì học xa nên sáng cháu Thông phải đi xe ôm để đến trường, chiều về xe buýt, thêm tiền ăn mỗi ngày cũng hết 20.000 đồng. Anh chị bị mù nên khi bán không hết vé số, thì đành phải ôm, có ngày phải bù tiền cho đại lý, không có tiền thì phải trả góp. Nhiều lúc, chị bị mất vé số khá nhiều, do bị kẻ xấu lừa gạt, cướp giật. May mắn cho chị, chủ nhà trọ cũng cảm thông nên cho trả tiền góp, mỗi ngày 10.000 đồng. Điều đáng nói là dù nghèo khó nhưng đôi vợ chồng mù này vẫn cố gắng nuôi con ăn học. Lâu lâu cũng có nhà mạnh thường quân hay những người gần đó trợ giúp cho ít gạo hoặc thùng mì, chai nước mắm. Tôi hỏi, sao chị không nhờ ai đưa đến trường trình bày hoàn cảnh để nhà trường xét giảm học phí cho con trai, chị trả lời: “Thôi chú à, đâu nhờ ai được, có đi cũng bắt xe ôm, mà đi như vậy cũng tốn kém lắm, lại chẳng bán được. Thôi mình chịu khó đi bán để lo cho con”. Chị N, bán căn tin gần chỗ chị Hoàng bán vé số kể lại: “Gia đình nó tội nghiệp lắm, nhiều lúc tối về hai vợ chồng không ai còn được đồng bạc nào. Tôi ở gần đây nên lâu lâu cũng ra giúp cho nước uống, rồi ghi số lên bảng giùm, tranh thủ lúc chiều chạy đi mua đồ ăn về nấu cho hai vợ chồng nó”. Hỏi chị Hoàng có mong muốn gì không, thì chị trả lời: “Tôi mong sao mình được khoẻ mạnh, bán hết vé số, để có tiền lo cho các con ăn học thành người, tôi mong muốn chúng được ăn học đến nơi, đến chốn”.

Tôi chào chị ra về, trong lòng miên man suy nghĩ, sao có người kiên cường đến thế, biết vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt để vươn lên, không chịu gục ngã trước số phận. Dù sao, cũng cần lắm sự cưu mang, chia sẻ của cộng đồng đối với những mảnh đời bất hạnh như gia đình chị Hoàng và nhiều gia đình khác có hoàn cảnh tương tự.

HOÀNG MINH