BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không đầu hàng số phận

Cập nhật ngày: 19/04/2014 - 11:29

Anh Lợi hướng dẫn học trò làm bài tập trên máy vi tính.

Ở ấp Long Hải, xã Trường  Tây (Hoà Thành), mọi người đều biết và nể phục chí vượt khó vươn lên của anh Hà Minh Lợi, 31 tuổi. Lúc mới sinh, anh Lợi cũng phát triển bình thường như bao trẻ em khác.

Khi anh được 1 tuổi thì bất ngờ bị chứng sốt bại liệt. Cơn bệnh quái ác đã làm cho anh bị liệt nửa người. Phải chạy chữa nhiều năm, cộng với sự kiên trì tập luyện anh Lợi mới có thể đi lại được. Nhưng do một nửa cơ thể bị liệt nên việc đi đứng của anh rất khó khăn.

Anh Lợi kể: “Lúc nhỏ, do nhà nghèo nên tôi phải tự đi bộ đến trường. Mỗi khi tôi bị té là phải nằm đó chịu trận cho đến lúc có ai đi ngang đỡ dậy thì mới đứng lên được”.

Khó khăn là vậy, anh Lợi vẫn kiên trì đi học. Năm học lớp 12, anh lại mắc một trận bệnh “thập tử nhất sinh”, cố gắng lắm mới vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó, nhưng đành dở dang ước mơ trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin.

Khi sức khoẻ bình phục, anh Lợi đã bị trễ kỳ thi đại học, đành phải ở nhà giúp mẹ trông coi tiệm tạp hoá. Năm 2003, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mở lớp đào tạo Trung cấp lập trình viên, anh Lợi liền ghi danh vào học.

Biết anh có kiến thức về máy vi tính, nhiều em học sinh trong ấp đến nhờ chỉ giùm. Năm 2004, anh Lợi vay người thân 6 triệu đồng để mua 1 chiếc máy tính và bắt đầu mở cơ sở dạy vi tính tại nhà với giá cả phải chăng. Từ đó, học trò đến nhà anh Lợi đăng ký học càng đông. Thấy vậy, anh liền vay tiền để mua thêm máy vi tính dạy cho các em học trò.

Không bằng lòng với những kiến thức đã học, năm 2008, khi Trường đại học Sài Gòn chiêu sinh lớp cử nhân công nghệ thông tin tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, anh Lợi liền đăng ký dự thi. Kết quả là anh đã thi đậu đầu vào với số điểm khá cao. Để hoàn thành hai việc vừa học đại học, vừa dạy vi tính kiếm tiền đối với anh Lợi quả thật không dễ dàng chút nào.

Vậy mà đến năm 2013, anh lại tiếp tục khăn gói xuống Đại học Sư phạm (TP. HCM) để học lớp kỹ năng sư phạm trong suốt 3 tháng. Hiện nay, anh Lợi đã dành dụm trang bị được 7 chiếc máy vi tính để dạy học. Bình quân, mỗi tháng, từ việc dạy vi tính, anh Lợi có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng.

Riêng đối với những em học trò con nhà nghèo, anh sẵn sàng dạy miễn phí. Với anh Lợi, việc được truyền đạt kiến thức về vi tính cho các em học trò là một niềm vui. Anh tâm sự: “Ước mơ của tôi là được làm thầy giáo đứng lớp dạy tin học cho các em học sinh khuyết tật. Khi đó, tôi sẽ có điều kiện nhiều hơn để giúp đỡ cho những em học trò bị khuyết tật được tiếp cận với công nghệ thông tin”.

Ông Lộc trên đường đi thu gom rác

Ông Nguyễn Văn Lộc, 45 tuổi, ngụ ấp Thuận An, xã Truông Mít (Dương Minh Châu) cũng là một tấm gương khuyết tật vượt khó vươn lên. Khi mới sinh, ông Lộc đã bị dị tật hai chân và một cánh tay. Vì vậy, chuyện đi đứng, sinh hoạt hằng ngày của ông gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1999, ông Lộc kết hôn và có được một đứa con gái. Nhưng sau khi sinh con được 3 tháng thì vợ ông đã bỏ con lại rồi ra đi mất biệt. Kể từ đó, ông Lộc phải “gà trống nuôi con”. Để có tiền mua sữa cho con, ông đã đi lượm từng cái bọc nylon, từng cái vỏ chai nhựa đem bán.

Thương hoàn cảnh của ông, các tiểu thương chợ Truông Mít đã nhờ ông đến thu gom rác thải tại các sạp. Hằng ngày, ông Lộc vào chợ thu gom rác rồi chất lên xe đẩy đến nơi quy định để cho xe của Công ty Công trình đô thị Tây Ninh chuyển đi.

Đổi lại, mỗi tháng các tiểu thương đóng tiền thu gom rác cho ông là 10.000 đồng/sạp. Sau khi thu gom rác xong, ông Lộc chuyển sang đi lượm bọc nylon, vỏ chai nhựa…

Mỗi ngày, ông Lộc lặng lẽ làm việc suốt từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều để có thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Số tiền này, ông Lộc phải lo cho mẹ già nay đã 75 tuổi, nuôi con gái và hai đứa cháu trai.

Dù sức khoẻ không được tốt, nhưng ngày nào ông Lộc cũng đều đặn đi đẩy xe rác. Ông Lộc nói: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi phải cố gắng làm thôi. Nếu tôi không làm việc thì lấy tiền đâu để lo cho cả nhà”.

Tính đến nay, ông Lộc đã 14 năm làm nghề thu gom rác và lượm bọc nylon, vỏ chai nhựa. Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng ông rất vui vì con gái ông rất ngoan hiền và học giỏi. Hiện tại, con gái của ông Lộc đã học lớp 8, Trường THCS Truông Mít.

Khi được hỏi về tương lai, ông Lộc tâm sự: “Ước mơ của tôi là có sức khoẻ để làm lụng kiếm tiền cất một căn nhà lành lặn và nuôi con gái ăn học thành tài. Hai điều ước này mà thực hiện được là tôi mãn nguyện lắm rồi!”.   

HOÀNG TRƯƠNG