Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã hội hoá trạm cấp nước sạch nông thôn:
Không dễ !
Thứ năm: 16:01 ngày 23/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm nước sạch, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi “xã hội hoá”. Thế nhưng, việc kêu gọi cá nhân, tổ chức đầu tư lĩnh vực này không dễ dàng, bởi khả năng thu hồi vốn rất thấp.

Thời gian qua, các trạm cấp nước sạch nông thôn được Nhà nước đầu tư đã mang nguồn nước sạch hợp vệ sinh đến với người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô.

Thế nhưng, các trạm cấp nước sạch này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn, do vậy, cần phải tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều trạm cấp nước sạch nông thôn nữa. Về vấn đề kinh phí thực hiện, chú trọng vấn đề kêu gọi xã hội hoá. Tuy nhiên, việc mời gọi cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn hiện nay không hề dễ.

Một hộ dân tại ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu sử dụng nguồn nước sạch do Trạm cấp nước sạch nông thôn ấp Voi cung cấp.

CHỖ QUÁ TẢI, CHỖ ĐÌU HIU

Tại khu vực Trảng Mây thuộc ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, cách đây hơn 10 năm, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một trạm cấp nước sạch để phục vụ người dân. Hiện nay, trạm cấp nước sạch này được xem là một trong những trạm có số lượng hộ dân sử dụng nhiều nhất, phải hoạt động hết công suất thiết kế mới đáp ứng được nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Trung cho biết, hiện nay, trạm cấp nước Long Thới có khoảng trên dưới 200 hộ gia đình sử dụng, nhưng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân địa phương vẫn còn nhiều, trạm không thể phục vụ hết được. Từ ngày có trạm cấp nước sạch, đời sống người dân tại khu vực Trảng Mây ngày càng nâng lên rõ rệt.

Theo ông Trần Văn Dưng- Chủ tịch UBND xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, phần lớn nguồn nước tại địa phương bị phèn nên người dân không thể sử dụng cho việc ăn, uống. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư 3 trạm cấp nước sạch nông thôn để phục vụ người dân. Hiện 3 trạm cấp nước này đang hoạt động liên tục với gần 100% công suất thiết kế, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Ngược lại, có nhiều trạm cấp nước sạch đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ có vài hộ sử dụng. Cụ thể như trạm nước sạch tại ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu chỉ có 6 hộ dân sử dụng; trạm cấp nước sạch tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh tuy có nhiều hộ dân kết nối nhưng hạn chế sử dụng do nguồn nước không  bảo đảm chất lượng.

Ông Đinh Hùng Danh– Giám đốc Trung tâm nước sạch nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin đa số các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa, nâng cấp từ năm 2014 – 2016 đều đạt tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT. Còn lại một số công trình cấp nước đầu tư xây dựng lâu năm, công nghệ lạc hậu, chưa bảo đảm chất lượng. Trên địa bàn tỉnh có 26 công trình đang hoạt động vượt công suất thiết kế, 42 công trình chưa khai thác hết công suất, trong đó có đến 25 công trình hoạt động dưới 50% công suất thiết kế.

 Ông Danh cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến hoạt động một số trạm cấp nước sạch nông thôn hoạt động không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân đó là khi xây dựng trạm cấp nước đã không tính toán đến nhu cầu sử dụng của người dân, đặc thù địa phương, sự thuận lợi trong việc kết nối... Cụ thể như trạm cấp nước sạch tại ấp Cây Nính, trước đây khi xây dựng trạm, địa phương chọn ngay khu đất nghĩa địa mới giải toả, tạo tâm lý e ngại cho người dân. Mặt khác, nhiều hộ dân ở đây đã có giếng nước sử dụng, nên không cần đến trạm cấp nước sạch.

KHÓ “XÃ HỘI HOÁ”

Trong thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn ngày càng cao. Đặc biệt là ngày 17.10.2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1980/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Theo đó, khu vực miền Đông Nam bộ phải có 98% hộ dân trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, và 65% trở lên sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 2 Bộ Y tế. Do đó, các xã xây dựng nông thôn mới rất cần xây dựng nhiều trạm cấp nước sạch để đạt tiêu chí này.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm nước sạch, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi “xã hội hoá”. Thế nhưng, việc kêu gọi cá nhân, tổ chức đầu tư lĩnh vực này không dễ dàng, bởi khả năng thu hồi vốn rất thấp. Ông Danh lý giải: “Để đầu tư xây dựng một trạm cấp nước sạch nông thôn với quy mô nhỏ, cần nguồn vốn khoảng 6-7 tỷ đồng. Trong khi đó, mức giá nước sạch nông thôn mà UBND tỉnh quy định là 4.000 đồng/m3. Một trạm chỉ phục vụ vài trăm hộ dân mà mức giá có bấy nhiêu, chưa kể phải khấu hao máy móc, tiền điện hoạt động trạm, tiền nhân viên… Vì vậy mà thời gian qua chưa có tổ chức, cá nhân nào bỏ tiền ra đầu tư trạm cấp nước sạch nông thôn”.

Dù có khó khăn, nhưng để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân, ông Danh khẳng định: sắp tới, khi đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn, trung tâm sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát kỹ địa điểm xây dựng, để khi đưa trạm vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả, chất lượng nguồn nước đạt chuẩn và phải bảo đảm thuận lợi khi người dân kết nối nối sử dụng. Đồng thời, trung tâm tiếp tục tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của những trạm hoạt động không có hiệu quả hiện nay, từng bước đưa nước sạch bảo đảm chất lượng phục vụ cho người dân vùng nông thôn.

THIÊN TÂM

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục