Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không để các loại dịch bệnh trên động vật xảy ra diện rộng
Thứ sáu: 23:42 ngày 11/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 11.2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2022. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các cơ quan chuyên môn.

Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn nhiều phức tạp

Theo Cục Thú y, năm 2021, tổng đàn gia cầm trên cả nước khoảng 515 triệu con (tăng 5,8% so với năm 2020), 28 triệu con heo (tăng 7,1%), 6,5 triệu con bò (bò sữa đạt 375,2 ngàn con, tăng 13,2%), đàn trâu giảm 2,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả.

Luỹ kế, cả nước hiện có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhiều loại dịch bệnh bùng phát và lây lan tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 125 xã, phường, thị trấn của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ hơn 457 ngàn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 4 ổ dịch CGC A/H5N1 tại Quảng Nam, Quảng Bình và Thành phố Hà Nội với tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu huỷ là 13.600 con. Các ổ dịch này đều chưa qua 21 ngày.

Trên đàn heo, cả nước đã có 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố có xảy ra ổ dịch tả heo châu Phi, buộc tiêu huỷ 388.668 con, cao hơn 3,2 lần so với năm 2020. Riêng từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi tiếp tục bùng phát và lây lan rộng tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ 19.628 con heo. Đến nay, cả nước có 168 ổ dịch tả heo châu Phi tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong năm qua, cả nước có 89 xã của 18 tỉnh, thành phố xảy ra ổ dịch lở mồm long móng; số gia súc mắc bệnh là 3.407 con, trong đó, 349 con bị chết và buộc phải tiêu huỷ (số ổ dịch giảm 2,3 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 2,4 lần so với năm 2020).

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tại tỉnh Hà Tĩnh phát sinh 1 ổ dịch lở mồm long móng đã được địa phương khống chế, không để lây lan thêm. Hiện nay, cả nước không có dịch lở mồm long móng.

Cũng trong năm 2021, dịch viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra và bùng phát mạnh tại 4.349 xã của 55 tỉnh, thành phố trên cả nước; số gia súc mắc bệnh là 207.687 con, làm chết và tiêu huỷ 29.182 con trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, dịch VDNC xảy ra tại 17 xã của 2 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ 15 con trâu, bò. Tính đến nay, cả nước còn 8 ổ dịch tại 2 huyện của 2 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Về tình hình bệnh dại trên người, trong năm 2021, cả nước có 53 người tại 28 tỉnh, thành phố tử vong vì bệnh dại, giảm 25 trường hợp so với năm 2020. Tổng số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng là 531.204 người. Công tác giám sát trên chó nghi mắc bệnh dại được thực hiện tại 11 tỉnh, thành với 222 mẫu, trong đó có 78 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 35,13%.

Theo nhận định của Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao, do tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, hình thức chăn nuôi hộ gia đình còn phổ biến với quy mô nhỏ lẻ, mật độ cao, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng gia súc giống không rõ nguồn gốc; các loại virus gây bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ; đường lây truyền bệnh phức tạp và khó kiểm soát, trong đó, dịch tả heo châu Phi đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ heo mắc bệnh và chết cao nhưng chưa có vaccine và thuốc chữa trị.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi gia tăng mạnh vào các tháng đầu năm; tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.

Thực hiện vệ sinh sát trùng xe chở động vật ra vào tỉnh.

Kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn như: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Thuỷ sản và các địa phương chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống có hiệu quả dịch Covid-19, vừa bảo vệ, phát triển sản xuất. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương bố trí nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm.

Các cơ quan chuyên môn ngành chăn nuôi, thú y hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập.

Đồng thời, chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Các địa phương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại thuốc thú y, vaccine không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 con trâu, 100.000 con bò, 218.487 con heo; 8.935.000 con gia cầm; 585 ha nuôi trồng thuỷ sản; có 612 trang trại gia súc với tổng đàn 192.578 con, 112 trang trại gia cầm với tổng đàn 5.685.181 con. 

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 188.530 tấn, tăng 3,7%; sản lượng trứng gia cầm đạt 600 triệu quả, tăng 7,5%; sản lượng sữa bò tươi đạt 58.600 tấn, tăng 5,9%; sản lượng thuỷ sản 13.638 tấn, bằng 96,5% so với năm 2020.

Tây Ninh hiện có một huyện (Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 62 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch viêm da nổi cục trâu, bò tại 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 16.316 con; làm chết và huỷ 1.913 con, đến nay, toàn tỉnh không xảy ra ổ dịch mới.

Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi tái bùng phát tại 41 xã của 6 huyện, thị xã, thành phố, làm chết và huỷ là 5.091 con heo. Đến nay, đã có 35 xã đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh mới; 3 huyện, thị xã đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh mới (Hoà Thành, Gò Dầu, thành phố Tây Ninh).

Bệnh cúm gia cầm xảy ra 1 ổ dịch; ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý, không lây lan ra diện rộng. Bệnh dại trên chó xảy ra 3 ổ dịch bệnh tại huyện Tân Biên, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục