Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không để cúm gia cầm lây lan diện rộng 

Cập nhật ngày: 26/03/2024 - 08:57

BTNO - Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngày 23.3, bệnh nhân nam (21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) được xác định tử vong vì mắc Cúm gia cầm.

Người chăn nuôi gia cầm cần áp dụng các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm. Ảnh minh hoạ

Bệnh nhân từng đi bẫy chim hoang dã

Theo hồ sơ bệnh án, ngày 11.3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Ngày 16-17.3, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hoà sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hoà điều trị với chẩn đoán viêm phổi.

Ngày 19.3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hoà lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân tử vong vào ngày 23.3.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã gần khu vực sinh sống. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014, sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 10.2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người. Luỹ tích, từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (50,8%).

Bộ Y tế nhận định, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A (H5N1) lây từ người sang người, virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%).

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế đưa ra nhiều khuyến cáo liên quan đến gia cầm, chim hoang dã sau ca tử vong của bệnh nhân cúm A/H5N1. Ảnh minh hoạ

Không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh cúm gia cầm trong thời gian tới

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch cúm gia cầm, không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh cúm gia cầm trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quyết định số 172/QĐ-TTg, ngày 13.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18.5.2023 và Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31.1.2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 5796/BNN-TY ngày 21.8.2023 của Bộ NN&PTNT.

Trong đó, các địa phương tập trung các nguồn lực để khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh, kiểm soát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, tái phát, lây lan diện rộng, công bố dịch, tổ chức chống dịch theo đúng quy định; rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm;

Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm;

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm;

Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo ngành y tế triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng;

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm;

Mô hình chăn nuôi gia cầm bằng đệm lót an toàn sinh học.

Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Các địa phương chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đồng thời, triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1.2024.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu năm 2023 đến hết tháng 1.2024, đã ghi nhận tổng cộng 8.850 ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus cúm gia cầm A/H5 gây ra. Đặc biệt, tại Campuchia trong năm 2023 đã có 6 người bị nhiễm virus cúm A/H5N1, trong đó có 4 ca tử vong. Từ đầu năm 2024, diễn biến dịch bệnh cúm gia cầm tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, đã có 4 người nhiễm cúm A/H5N1 (có 1 người tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.

Theo Cục Thú y (thuộc Bộ NN&PTNT), trong năm 2023, cả nước xuất hiện 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 36.606 con; trong các tháng đầu năm 2024 xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ bắt buộc là trên 6.600 con.

Nguyên An