Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa:
Không để dịch chồng dịch
Chủ nhật: 23:29 ngày 14/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quyết không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, song song với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa mưa.

Một ca bệnh SXH điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Đã có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

Vào mùa mưa, một số dịch bệnh dễ bùng phát như sốt xuất huyết (SXH), Zika, viêm não Nhật Bản… Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời. Đặc biệt, bệnh do virus Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Đối với bệnh do virus Zika gây ra, phụ nữ mang thai cần đặc biệt quan tâm, phòng ngừa thật tốt.

Dịch bệnh mùa mưa chủ yếu do sự phát triển của muỗi trong môi trường ẩm ướt, ao tù nước đọng. Muỗi chính là động vật truyền bệnh hoặc trung gian truyền bệnh nguy hiểm cho người. Bệnh SXH do muỗi Aedes Aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm sang con người. Trong khi virus Zika là một loại virus nguy hiểm chủ yếu lây truyền qua loài muỗi vằn mang mầm bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số ca SXH thường bắt đầu tăng khi mùa mưa về. Trước đó, thi thoảng bệnh viện mới có một ca. Tính đến ngày 10.6, Khoa Nhi của bệnh viện có 3 ca SXH, trong đó có 2 ca là anh em họ ở gần nhà trên địa bàn huyện Tân Châu. Ca còn lại thuộc huyện Dương Minh Châu.

Tình hình sức khoẻ 3 ca bệnh ổn định, đang được tiếp tục theo dõi. Theo bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết các ca bệnh SXH tại bệnh viện đều được phát hiện và nhập viện kịp thời nên công tác điều trị không gặp nhiều khó khăn. Năm nay mùa mưa đến chậm, nên các ca mắc SXH cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về số ca nhiễm các loại bệnh mùa mưa, trong 5 tháng đầu năm (từ ngày 1.1 - 31.5.2020), số ca nhiễm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, toàn tỉnh có 325 ca nhiễm SXH, giảm 67,82%, trong đó có 1 ca tử vong tại thị xã Hoà Thành; tay chân miệng (TCM) 37 ca, giảm 85,98%; bệnh Zika và viêm não Nhật Bản chưa có ca nhiễm nào.

Tại Hoà Thành, từ đầu năm đến ngày 9.6.2020, ngành chức năng phát hiện 6 ca TCM, 15 ca SXH, trong đó có 1 ca tử vong do bệnh SXH. Bác sĩ CKI. Phạm Chí Khanh- Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV Thị xã thông tin, ca tử vong do nhiễm SXH là một trẻ em 11 tháng tuổi, ngụ phường Long Thành Trung.

Ca nhiễm được phát hiện vào tháng 3.2020 với triệu chứng ban đầu là sốt nhiều ngày tại nhà. Sau đó, cháu bé được gia đình đưa đến một cơ sở y tế khám và phát hiện nhiễm SXH nhẹ. Do sự chủ quan, gia đình đã đem bé về nhà chữa trị không nhập viện nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sau khi nhận được thông báo về ca nhiễm tử vong, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV thị xã Hoà Thành nhanh chóng đến nhà có người nhiễm phun xịt, khử trùng, diệt muỗi, lăng quăng trong bán kính 200m xung quanh nhà; tăng cường công tác tuyên truyền  phòng, chống bệnh SXH đến các hộ dân; thường xuyên đi đến các địa bàn kiểm tra chỉ số BI (mật độ lăng quăng có trong các dụng cụ chứa nước) nhằm có các biện pháp phòng, chống kịp thời…

Từ đầu năm đến nay, huyện Tân Biên có 44 ca nhiễm SXH và 4 ca TCM, số ca mắc cũng giảm so với cùng kỳ. Tân Biên cũng là một trong những địa phương trọng điểm của bệnh SXH do địa bàn thuộc huyện biên giới đất rộng người thưa, cây cối rậm rạp.

Tăng cường tuyên truyền, không để dịch chồng dịch

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Đệ, các dịch bệnh mùa mưa như SXH, Zika có thể phòng, chống hiệu quả nếu mỗi người dân, mỗi gia đình đều thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch như ngủ mùng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; dọn dẹp các lu, vại chứa nước, không để muỗi có nơi trú ngụ, sinh sôi; các trường học, cơ quan, đơn vị thường xuyên vệ sinh, phun, xịt muỗi theo định kỳ… Nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh mùa mưa là không để muỗi có điều kiện phát triển gây bệnh cho người.

Bác sĩ Đệ khuyến cáo: “Trong giai đoạn cả nước tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân cũng không được lơ là với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, virus Zika để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, tạo thêm gánh nặng cho ngành Y tế.

Đặc biệt, khi người bệnh có triệu chứng như sốt cao 39-40 độ, đau đầu, nhức mỏi, uống thuốc hạ sốt nhưng không hết nên đến khám tại các cơ sở y tế. Khi có kết quả bệnh SXH, người bệnh cần thực hiện điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý điều trị ở nhà vì có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong”.

Để không xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa mưa song song với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, giúp họ tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống muỗi, bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Theo ông Vũ Gia Phương- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Biên, mặc dù tình hình dịch SXH và một số bệnh mùa mưa tại địa phương đã kiểm soát tốt vào mùa mưa nên đơn vị không chủ quan, thực hiện song song các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa mưa và bệnh Covid-19.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, công tác xuất nhập cảnh để ngăn chặn rủi ro; làm tốt công tác sàng lọc, tổ chức cách ly nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ… Đồng thời tiếp tục tổ chức bàn khám sàng lọc phân lập, phân luồng tiếp đón người bệnh và chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly điều trị nội trú khi có dịch bệnh xảy ra, tránh lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa, đơn vị cũng đã tăng cường thực hiện các biện pháp như: tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân biết tác hại và các biện pháp phòng SXH họ hiểu, không chủ quan và tích cực phòng, chống; chủ động giám sát dịch tễ, thực hiện dự phòng tích cực; phân công đội chống dịch bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ.

Ngoài ra, trung tâm yêu cầu 10 trạm y tế xã, thị trấn tổ chức phổ biến kiến thức phòng, chống SXH trong các trường học, tổ dân phố bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh hoạ rõ ràng các thông tin như: khẩu hiệu, tờ tranh, các cuốn sách nhỏ; phối hợp với Đài phát thanh huyện và 10 xã, thị trấn phát thanh tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH.

Huy động mọi nguồn lực, tổ chức phát động chiến dịch diệt lăng quăng đến từng nhà dân trên toàn địa bàn các xã, thị trấn. Tăng cường kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch tại các khu phố, trường học, các đơn vị trên địa bàn.

Thời gian tới, đơn vị thực hiện triển khai chống dịch tại xã Thạnh Tây vào tháng 6 và tháng 7 năm 2020, mở chiến dịch diệt lăng quăng trên toàn huyện với các hoạt động: vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, không để nước đọng, loại bỏ các vật dụng chứa nước có lăng quăng, nhằm tránh sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.

Ngọc Bích - Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục