Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Không để học sinh bỏ học vì nghèo khó
2012-11-07 10:30:00

Trường THCS Thạnh Đức (Gò Dầu) hiện là một trường có quy mô tương đối lớn ở nông thôn.

 “Năm học vừa qua, tôi bị cắt danh hiệu thi đua vì tỷ lệ học sinh yếu cuối năm cao hơn chỉ tiêu đăng ký đầu năm học”, ông Nguyễn Hữu Phước- Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Đức, huyện Gò Dầu mở đầu câu chuyện như thế!

Học sinh tham gia trò chơi, hội trại trong khuôn khổ hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tách ra khỏi Trường THPT Ngô Gia Tự từ năm 2003, Trường THCS Thạnh Đức hiện là một trường có quy mô tương đối lớn ở nông thôn. Năm học này, nhà trường có 24 lớp với gần 919 học sinh. Từ khi thành lập đến nay, gần như năm nào trường cũng có học sinh giỏi vòng huyện, vòng tỉnh. Riêng năm học 2011 - 2012, có 9 học sinh đạt học sinh giỏi vòng huyện. Trong số đó, có 4 em đạt học sinh giỏi vòng tỉnh, một trong 4 em này đã giành giải Nhất.

Trường THCS Thạnh Đức cũng đã 8 năm liền dẫn đầu về thành tích trong các cuộc thi hội khoẻ Phù Đổng của huyện Gò Dầu, mặc dù cho đến thời điểm này, điều kiện tập luyện của thầy trò trong trường còn rất thiếu thốn, nhà trường còn chưa có sân tập thể dục cho học sinh.

Đối với các trường ở thị trấn, thị xã, những thành tích kể trên xem ra cũng bình thường. Nhưng với một ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn như Trường THCS Thạnh Đức thì kết quả ấy đã hàm chứa sự nỗ lực không nhỏ của thầy và trò trong trường.

Trở lại câu chuyện bị cắt thi đua, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phước nói rằng mình không hề nuối tiếc. Bởi ông có thể chứng minh được rằng khâu kiểm tra, đánh giá, chấm điểm ở trường này là khách quan và ông bằng lòng về điều đó. Cũng theo ông, tuy rằng số học sinh yếu cuối năm của trường chiếm tỷ lệ cao nhưng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012 - 2013, hơn 92% học sinh của trường đều đạt điểm sàn trở lên. Nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì trật tự, kỷ cương thi cử. Tinh thần chung là các kỳ kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, khách quan, chính xác và công bằng ở tất cả các khâu: Ra đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra thi.

Theo nhận xét của nhiều giáo viên và cả học sinh Trường THCS Thạnh Đức, đây quả là ngôi trường thân thiện đối với học sinh. Thầy Hiệu trưởng thì khẳng định: “Nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa cho mọi học sinh được đến trường, cố gắng không để một học sinh nào phải bỏ học vì nghèo khó”. Được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhất là chùa Cẩm Phong, cộng với sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên qua các phong trào hữu ích, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường đều nhận được sự “tiếp sức” kịp thời để tiếp tục con đường học vấn. Nhờ đó, số học sinh bỏ học có xu hướng giảm. Năm học 2011 - 2012 toàn trường có 11 học sinh bỏ học nhưng trong đó không có trường hợp nào bỏ học vì thiếu thốn vật chất mà đa số là do gia đình ly tán, cha mẹ ly hôn.

Quan tâm việc phòng chống bạo lực học đường, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, trò chuyện với các em học sinh cá biệt, nhằm qua đó giáo dục, cảm hoá các em. Ngoài ra, giáo viên cũng đã thực hiện các buổi nói chuyện về biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi cho các em nữ sinh khối 9. Nhờ những nỗ lực ấy, cuối năm học 2011 - 2012, toàn trường không có học sinh yếu, kém về đạo đức.

Một trong những khó khăn hiện nay ở Trường THCS Thạnh Đức là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nghèo nàn. Nhà trường chưa có phòng học chức năng, phòng học bộ môn và cũng chưa có phòng thí nghiệm. Vì thế, thầy và trò đều phải chấp nhận “dạy chay, học chay”, chấp nhận “lý thuyết suông”. Một bất tiện không nhỏ khác nữa của Trường THCS Thạnh Đức là: mặt bằng của nhà trường không liền nhau, nên mặc dù trường chỉ có một cơ sở nhưng cứ như hai nơi. Giáo viên tiếng là dạy chỉ trong một nhà trường nhưng lại phải tốn công, tốn thời gian để di chuyển từ nơi này qua nơi kia.

Toàn trường có 24 lớp, chỉ có duy nhất 1 giáo viên dạy môn Âm nhạc thì nay đã chuyển đi trường khác vì lý do hợp lý hoá gia đình. Môn Thể dục cũng thiếu 1 giáo viên. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường khác, Trường THCS Thạnh Đức đang rơi vào tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ- trong khi thiếu giáo viên Âm nhạc và Thể dục thì có 4 môn thừa giáo viên, gồm: Địa lý, Vật lý, Ngữ văn và Hoá học.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan