Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
Không để học sinh nào thiếu sách học
Chủ nhật: 23:06 ngày 05/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến.

Ảnh minh hoạ

Trước ngày khai giảng năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg “về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19”.

Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Bộ GD&ÐT chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.

Bộ GD&ÐT xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa, phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này. Quan tâm sâu sát đến điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Bộ GD&ÐT phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi.

Bộ GD&ÐT, UBND tỉnh/thành phố rà soát, gửi Bộ Y tế cấp bổ sung, tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

Bộ GD&ÐT, chính quyền địa phương hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến. Chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến.

Ngành Giáo dục hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo phù hợp với tình hình, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả.

Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng Covid- 19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).

Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến, chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy học trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải có kế hoạch khống chế dịch cụ thể, nhanh nhất để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 hiệu quả.

Ðịa phương không có dịch Covid-19 chủ động phương án cho học sinh tựu trường và thường xuyên sàng lọc, tầm soát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm Covid-19.

Ðịa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, tổ chức dạy học trực tuyến, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

Bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục, đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập, chấp hành giãn cách, giảm căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội.

Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện Nghị định số 81/2021/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Ðồng thời, triển khai Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch vì khó khăn, giảm bớt nỗi lo cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa- nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non.

Ðịa phương ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ phải triển khai ngay, trong đó có việc “rà soát kỹ cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp, hiệu quả và triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng theo lộ trình sát thực tế, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa”.

Và “thiết kế chương trình học bảo đảm tăng cường kiến thức, kỹ năng sống, giảm tình trạng dạy thêm học thêm. Biên soạn, phân phối, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, tránh dư luận không tốt, bảo đảm không để học sinh nào thiếu sách học, sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị”.

Ð.V.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục