Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không để lại di chúc, con cháu khó phân định tài sản
Thứ tư: 23:35 ngày 04/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận đơn của ông Lê Thành Công, sinh năm 1942, ngụ ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Nội dung đơn xoay quanh vấn đề tranh chấp nhà, đất giữa ông và người cháu gái...

Ông Công bức xúc trình bày lại sự việc.

Căn nhà cất trên mảnh đất hơn 60m² đang tranh chấp tại địa chỉ KP3/208A khu phố Nội Ô, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu. Trong đơn, ông Công trình bày, cha ông là Lê Văn Rạng (mất năm 1976) và mẹ là Nguyễn Thị Trọn (mất năm 1968) đã tạo dựng căn nhà nói trên. Ông Rạng và bà Trọn sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai) là Lê Thị Thừa, Lê Thị Tiên, Lê Thành Công và Lê Thị Dấn (đang ở nước ngoài). Trước năm 1975, ba người con gái lập gia đình và ra ở riêng, ông Công ở chung với cha mẹ tại căn nhà KP3/208A. Sau năm 1975, ông Công cho cháu gái là Nguyễn Thị Bạch (con bà Tiên) ở đậu để trông coi nhà cửa, ông về xã Phước Chỉ làm ruộng sinh sống. Đồng thời, ông có kê khai nhà, đất tại UBND thị trấn Gò Dầu và đóng thuế từ năm 1992 đến năm 2011. Vào tháng 12.2000, ông có làm đơn gửi Ban Địa chính thị trấn Gò Dầu để xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy. Trong khi đó, cháu gái của ông là Nguyễn Thị Bạch đã được cấp giấy CNQSDĐ vào năm 2008. Đến năm 2013, bà Bạch đã làm thủ tục tặng, cho con gái của mình là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cũng trong năm này, chị Nhàn được cấp giấy CNQSDĐ. Đầu năm 2015, ông Công đã nộp đơn lên UBND huyện Gò Dầu yêu cầu xem xét thu hồi lại giấy CNQSDĐ cấp cho Nhàn “vì đã cấp sai đối tượng”.

Sau khi có kết quả của Thanh tra huyện Gò Dầu, ngày 22.12.2015, UBND huyện Gò Dầu đã có Công văn số 166 về việc trả lời đơn của ông Lê Thành Công. Cụ thể, phần đất có diện tích 75,5m², thửa đất số 166, tờ bản đồ 38 (căn nhà KP3/208A), được UBND huyện cấp cho chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn ngày 10.8.2013 có nguồn gốc từ ông Rạng và bà Trọn. Trong Công văn 166 có một số nội dung đáng chú ý như: Từ năm 1978, ông Công về làm ruộng và sinh sống luôn ở ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Phần diện tích đất, nhà này do chị em bà Nguyễn Thị Bạch và Nguyễn Thị Mai (con bà Lê Thị Tiên) đến ở gìn giữ. Đến năm 1985, bà Tiên và con gái là Nguyễn Thị Bạch dỡ bỏ nhà mái tôn cũ, xây lại nhà tường để sử dụng cho đến nay. Việc xây lại nhà tường này ông Công có biết nhưng không ý kiến gì. Ngày 16.10.2007, bà Nguyễn Thị Bạch làm đơn xin được cấp giấy CNQSDĐ. Sau khi hoàn thành các thủ tục xét cấp giấy như niêm yết, thông báo công khai, biên bản kết thúc thông báo và tờ trình của cơ quan chuyên môn, ngày 20.2.2008, bà Bạch được cấp giấy CNQSDĐ số 00083/680/2007/QĐ-UBND (HL) phần đất mà sau này được tặng, cho chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn con bà.

Mặc dù trong Công văn 166 có nêu rõ: Chi cục Thuế huyện Gò Dầu đã cung cấp thông tin: ông Lê Thành Công có tên trong sổ bộ thuế nhà, đất và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế từ quý IV năm 1992 đến năm 2011. Nhưng, qua kiểm tra sổ địa chính quyển số 49, tờ bản đồ số 38 lập ngày 16.7.2003 của UBND thị trấn Gò Dầu thì lại không có tên ông Lê Thành Công trong sổ, mà thay vào đó là tên bà Nguyễn Thị Bạch đăng ký phần diện tích nhà, đất đang được đề cập. Cũng theo Công văn 166, qua kiểm tra lại hồ sơ thì không thấy ông Công có đơn kê khai đăng ký xin cấp giấy CNQSDĐ vào năm 2000. Công văn 166 trả lời cho ông Công còn dẫn rõ cơ sở pháp lý để cấp giấy CNQSDĐ cho bà Bạch là căn cứ vào điều 1, Luật Đất đai năm 1988; khoản 4, Điều 50, Luật Đất đai năm 2003, bà Bạch là người quản lý sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15.10.1993 theo luật này (sử dụng từ năm 1978), được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp. Trong khi đó, khoảng thời gian này, ông Công không ở đây.

Trước những thông tin trong công văn trả lời như trên, ông Công tỏ ra bất bình và đặt nghi vấn: “Tại sao tôi có biên lai thu thuế mà lại không có tên trong sổ? Vì sao người đứng tên kê khai sử dụng đất và đóng thuế cho Nhà nước trong suốt một khoảng thời gian dài như vậy mà không được cấp giấy CNQSDĐ, lại đi cấp cho người cháu ở đậu? Đã vậy, sao từ khi cấp giấy cho cháu Bạch vào năm 2008 lại còn tiếp tục thu thuế tôi cho đến năm 2011? Tôi muốn hỏi, việc người nào đóng thuế có được xem xét kỹ trong quá trình cấp giấy CNQSDĐ hay không?”. Ngoài ra, ông Công còn khẳng định, vào năm 2000 ông có đến cơ quan chức năng nộp đơn xin cấp giấy CNQSDĐ (nộp cho cán bộ địa chính Thị trấn lúc bấy giờ là ông Ba Dầu). Đồng thời, ông nhấn mạnh việc bà Bạch dỡ bỏ nhà cũ, xây lại nhà mới ông hoàn toàn không hay biết, ông mới phát hiện gần đây nên mới nộp đơn tranh chấp để ngăn chặn. “Xây nhà trọ kiểu như vậy thì có thể chỉ cách đây vài năm thôi chứ không thể là từ năm 1985 được. Trong biên bản làm việc ngày 6.11.2015, tôi không nghe cán bộ ghi biên bản đọc lại câu “việc xây nhà, tôi có về thấy, biết, nhưng không ý kiến gì”, nên tôi mới ký vào biên bản”, ông Công khẳng định.

Ông Tạ Văn Trừ, Phó Chánh Thanh tra huyện Gò Dầu, người trực tiếp thanh tra vụ việc cho biết: “Ông Công có đăng ký kê khai phần đất trên và đóng thuế, tuy nhiên ông không đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, không sử dụng đất ổn định theo Luật Đất đai, việc ông Công nói có nộp đơn xin cấp giấy CNQSDĐ vào năm 2000 là không có cơ sở. Nên khi xem xét, đất đã được cấp giấy cho cháu của ông, tức bà Bạch. Đến năm 2011, cơ quan chức năng không còn thu thuế phần đất này từ ông Công nữa, do phát hiện trước đó đất đã được cấp cho bà Bạch”.

Sự việc ngày càng phức tạp hơn khi ông Công còn dẫn chứng ra nhiều tờ giấy xác nhận của hàng xóm, thậm chí là của chị cả Lê Thị Thừa về việc cha mẹ (ông Rạng và bà Trọn) đã cho ông (nói miệng) có quyền thừa kế và quản lý căn nhà và đất này. Trong khi bà Bạch lại phản bác “nhà và đất này là do mẹ mình là Lê Thị Tiên mua cho ông bà ngoại, nên đương nhiên khi ông bà ngoại mất thì tài sản phải thuộc về bà Tiên, bà Tiên giao lại cho các con quản lý và sử dụng cũng là điều hợp lệ”. Thực tế, việc ông Công được cha mẹ cho nhà, đất; hay đất, nhà là do bà Tiên mua cho cha mẹ đều không có giấy tờ để chứng minh tính pháp lý. Ông Rạng và bà Trọn khi mất cũng không để lại di chúc. Xem ra tình hình nếu như gia đình không hoà giải được thì chỉ còn cách nhờ toà án giải quyết.

QUỐC SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục